Gần 80 doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường năm 2019

29/03/2019 7:00 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 29/3, Sở Công Thương TPHCM tổ chức Hội nghị Sơ kết Chương trình bình ổn thị trường năm 2018 - Tết Kỷ hợi 2019 và triển khai kế hoạch năm 2019 - Tết canh tý 2020. TPHCM đưa thực phẩm sạch phục vụ du lịch

Sở Công thương TPHCM phối hợp với Ban Quản lý An toàn Thực phẩm, Sở Du lịch kết nối tiêu thụ đặc sản vùng miền tại các hệ thống nhà hàng, khách sạn trên địa bàn. Ảnh: VGP/Lê Anh

Đánh giá về kết quả Chương trình bình ổn thị trường năm vừa qua, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, Chương trình thực hiện từ ngày 1/4/2018 đến ngày 31/3/2019 đối với 4 nhóm ngành hàng, gồm: hàng Lương thực - thực phẩm thiết yếu; hàng phục vụ mùa khai trường; hàng sữa và hàng dược phẩm thiết yếu được triển khai theo hướng xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách với 90 doanh nghiệp tham gia.

Tham gia Chương trình, các doanh nghiệp đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, chuẩn bị lượng hàng hóa tăng cao hơn kế hoạch, đảm bảo cung ứng thị trường trong điều kiện bình thường kể cả khi có biến động. Tổng doanh thu hàng bình ổn thị trường năm 2018 - 2019 đạt hơn 30.652 tỷ đồng, tăng 9,84% so năm 2017 - 2018.

Chương trình đã góp phần điều tiết thị trường trên địa bàn. Hàng hóa của Chương trình có chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, giá cả hợp lý, ngày càng nhiều và đa dạng hơn, đủ sức chi phối, định hướng dẫn dắt thị trường, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, góp phần ổn định thị trường.

Năm nay, Chương trình bình ổn thị trường năm 2019 - Tết Canh Tý 2020 được bắt đầu từ đầu tháng 4/2019 và có 79 doanh nghiệp tham gia: 38 doanh nghiệp tham gia Chương trình Lương thực, thực phẩm; 11 doanh nghiệp phục vụ mùa khai giảng; 4 doanh nghiệp ngành sữa; 14 doanh nghiệp dược; 12 tổ chức tín dụng.

Các đơn vị phân phối vẫn là những thương hiệu quen thuộc như: Saigon Co.op, Satra, BigC, Aeon Citimart, Lotte… Một số đơn vị lớn lần đầu tham gia như: CP. Việt Nam (thịt gia súc, trứng gia cầm); Bình Minh (thịt gia cầm); Anh Hoàng Thy (thịt gia súc); Vinamit (rau củ quả tươi, trái cây sấy)…

Về phía các tổ chức tín dụng, 12 đơn vị tham gia đăng ký tổng nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp vay thực hiện bình ổn thị trường lên đến 19.650 tỷ đồng, lãi suất tương đương năm 2018 (ngắn hạn 5,5% - 7%/năm, trung và dài hạn 9%-10%/năm).

Tại Hội nghị, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, bên cạnh việc tiếp tục triển khai sâu rộng các nội dung như kết nối cung - cầu, sơ chế tại nguồn đối với hàng nông sản thực phẩm, xây dựng các chuỗi cung ứng hiệu quả, hỗ trợ, tạo điều kiện nâng cao năng lực sản xuất - kinh doanh…, năm 2019, Sở Công thương phối hợp Ban Quản lý An toàn Thực phẩm, Sở Du lịch thành phố triển khai thực hiện Chương trình kết nối tiêu thụ thực phẩm an toàn, đặc sản vùng miền tại các hệ thống nhà hàng, khách sạn và phục vụ du lịch.

Theo đó, danh mục nông sản an toàn và đặc sản vùng miền được hỗ trợ kết nối tiêu thụ vào các hệ thống nhà hàng, khách sạn sẽ do Sở Công thương các tỉnh, thành đề xuất và được yêu cầu phải đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, được nuôi trồng, chế biến, sản xuất theo các quy trình hiện đại, khép kín, phù hợp.

Lê Anh

Top