Giá nguyên liệu tăng, đau đầu doanh nghiệp chế biến gỗ
(Chinhphu.vn) - Quyết định đóng cửa rừng tự nhiên của nhiều nước, trong đó có Việt Nam được cho là một trong những nguyên nhân chủ yếu đẩy giá gỗ lên cao ngất ngưởng như hiện nay. Ghi nhận từ Diễn đàn Kết nối vì mục tiêu phát triển bền vững cho ngành chế biến gỗ mới diễn ra tại TPHCM.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Giá nguyên liệu tăng, doanh nghiệp gỗ lao đao
Vào trung tuần tháng 6/2016, Việt Nam bắt đầu chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên. Và mới bước vào năm 2017, Trung Quốc cũng tuyên bố đóng cửa rừng tại 14 tỉnh. Ước tính 50% lượng gỗ nguyên liệu thiếu hụt của nơi được xem là đại công xưởng của thế giới sẽ phải bù đắp bằng lượng gỗ nhập khẩu. Tất nhiên để đáp ứng đủ nhu cầu của ngành chế biến gỗ, lâu nay doanh nghiệp (DN) gỗ tại Việt Nam cũng nhập khẩu gỗ nguyên liệu. Nhưng về lâu về dài, nguồn cung này sẽ không còn nhiều khi gỗ từ khu vực Tiểu vùng Sông Mekong ngày càng ít đi và gỗ từ Châu Phi lại không thể là nguồn thay thế hoàn toàn do các khác biệt về chủng loại.
Sự cạnh tranh của phía người mua đối với nguyên liệu gỗ rừng trồng vì vậy đang trở nên quyết liệt hơn bao giờ hết. Và với tỷ lệ chi phí nguyên liệu chiếm từ 50% đến 70% giá thành sản xuất của mặt hàng đồ gỗ thì chuyện gỗ nguyên liệu tăng giá khiến DN đồ gỗ vô cùng vất vả để có đủ đầu vào cho sản xuất là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Theo ông Điền Quang Hiệp, Giám đốc Công ty Minh Phát 2 - DN đồ gỗ lâu năm tại TPHCM - ba khâu quan trọng nhất của của ngành chế biến gỗ là nguyên liệu, chế biến và thị trường. Trong đó, nguồn nguyên liệu quan trọng là gỗ cao su lại có giá cả biến động bất thường. “Chỉ 3-4 tháng đầu năm giá nguyên liệu gỗ cao su đã tăng từ 30-40%, DN đang cực kỳ khó khăn!”, nhà sản xuất đồ gỗ than thở.
Nguồn cung gỗ cao su dồi dào nhưng giá vẫn bấp bênh
Theo thống kê của ngành cao su, với diện tích tái canh cây cao su đang tăng nhanh thì cả nước hiện có hơn 1 triệu hecta cao su sắp bước vào giai đoạn thanh lý. Nguồn cung gỗ nguyên liệu lẽ ra phải rất dồi dào nhưng vì sao giá cả vẫn bấp bênh?
Theo bà Trần Thị Thúy Hoa, Trưởng ban Tư vấn Phát triển ngành Cao su thuộc Hiệp hội Cao su Việt Nam, ngành cao su cũng có cái khó riêng. Bởi bản thân các DN thuộc tập đoàn chỉ trực tiếp “quản” khoảng 300 nghìn hecta, còn lại là cao su tiểu điền nên không thể kiểm soát được nguồn cung gỗ thanh lý này. Vì vậy, hiện tượng gỗ cao su có biến động giá cả bất thường là sự thật.
Bên cạnh đó, còn một khó khăn chính sách khác khiến cho DN gỗ nội địa khó giành phần thắng trong các thương vụ mua gỗ từ nguồn cung này. Đó là vì gỗ cao su vẫn được xem là tài sản thanh lý của người trồng cao su nên chỉ được bán ra thông qua cơ chế đấu giá. Lý giải về cuộc cạnh tranh không cân sức để mua nguồn gỗ đấu giá ấy, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng “mình mua nguyên liệu ở đâu thì thương nhân nước ngoài cũng vào mua ở đó. Họ mạnh tiền hơn, thương mại giỏi hơn, mánh khóe lớn hơn”. Vì vậy, về lý thuyết thì DN chế biến gỗ trong nước có thể tham gia đấu giá nhưng bất lợi là rõ ràng.
Vậy làm sao để bản thân người nắm nguồn cung gỗ cao su nguyên liệu lớn có thể tham gia điều tiết giá? Cũng theo vị đại diện Ban Tư vấn Phát triển ngành Cao su, “Bộ Tài chính cần sửa đổi quy định, xem gỗ cao su như sản phẩm chính của DN cao su thì chúng tôi mới được hưởng các chính sách thuế ưu đãi hơn, còn với cơ chế hiện nay, gỗ cao su thanh lý phải đóng thuế 22%”. Tập đoàn Cao su vì vậy cũng khó có thể chủ động điều hành, quy hoạch, trải vụ hay rút ngắn thời gian thanh lý cây cao su để tạo thuận lợi hơn cho thị trường gỗ nguyên liệu trong nước.
Gấp rút gỡ khó cho ngành chế biến gỗ
Thẳng thắn ghi nhận đề xuất của ngành cao su, ông Võ Đình Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ kinh tế ngành (Văn phòng Chính phủ) cho rằng “về việc khó khăn khi thanh lý cây cao su liên quan đến đấu giá hay thuế suất, Tổng Công ty Cao su phải có văn bản gửi các bộ chuyên ngành thì mới có cách xử lý”.
Còn trước mắt, ông Cao Chí Công, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho hay, thực ra ngay trước hội thảo này, vào ngày 11/4 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xem xét rà soát hạn chế xuất khẩu gỗ xẻ và gỗ nguyên liệu để đáp ứng nguồn nguyên liệu trong nước, trong đó có cả gỗ cao su. Xa hơn nữa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đang nghiên cứu phương thức để thu hút đầu tư vào trồng rừng nguyên liệu. Từ đó tạo thế chủ động đầu vào cho ngành chế biến gỗ trong nước.
Phương Hiền