Giải bài toán nguồn nhân lực ngành hàng không Việt Nam đến năm 2030
(Chinhphu.vn) - Giai đoạn 2020 - 2030, hàng không Việt Nam (HKVN) cần nguồn nhân lực dồi dào cung cấp cho các sân bay Long Thành, Tân Sơn Nhất, Nội Bài và các sân bay khác, cũng như nhân lực phục vụ các doanh nghiệp vận tải hàng không. Do đó, đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành HKVN luôn là nhu cầu cấp thiết và cần sự chung tay từ nhiều phía.
Tại hội thảo chương trình đào tạo nguồn nhân lực ngành hàng không Việt Nam thời kỳ 2023 – 2030 do Công ty cổ phần Triển lãm Hàng không Việt Nam phối hợp cùng Học viện hàng không Việt Nam và Viện nghiên cứu đánh giá chất lượng doanh nghiệp và phát triển nguồn nhân lực tổ chức ngày 5/8 tại TPHCM, các diễn giả đều cho rằng, giai đoạn 2020 - 2030, HKVN cần nguồn nhân lực dồi dào cung cấp cho các sân bay Long Thành, Tân Sơn Nhất, Nội Bài và các sân bay khác, cũng như nhân lực phục vụ các doanh nghiệp vận tải hàng không.
Do đó, đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành HKVN luôn là nhu cầu cấp thiết, đòi hỏi sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ của cơ quan quản lý và các đơn vị đào tạo nhân lực hàng không.
Theo báo cáo của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới. Điều đó đòi hỏi lực lượng lao động chất lượng cao phải luôn trong tư thế sẵn sàng như một ưu thế cạnh tranh chủ lực của các hãng bay. rong dự báo sự tăng trưởng đến năm 2030 ngành HKVN có khoảng 30 sân bay và cần đến 500 máy bay.
Trong khi đó, hiện nay công tác đào tạo không thể theo kịp nên tình trạng thiếu nhân lực không chỉ ở lực lượng phi công mà còn ở lực lượng khác như giám sát bay, quản lý không lưu, kỹ sư máy bay, bảo dưỡng máy bay.
Đại diện của Vietnam Airlines cho biết, theo đánh giá của các doanh nghiệp, sức ép đối với thị trường nhân sự hàng không hiện tại là nguồn cung thiếu trầm trọng. Trước tốc độ phục hồi của thị trường hàng không, nếu không nhanh chóng gia tăng tuyển dụng nguồn nhân sự, đặc biệt các nguồn nhân sự đặc thù như phi công, tiếp viên, thợ máy thì nguy cơ thiếu hụt là hiện hữu.
Do đó để đáp ứng nhu cầu của thị trường nhân lực cho ngành HKVN, đòi hỏi các đơn vị phải không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học để giữ vững vai trò, vị trí của mình trong hệ thống cơ sở đào tạo hàng không quốc gia và hợp tác đào tạo khu vực.
Cần sự chung tay từ nhiều phía
Đánh giá về vai trò của các chính sách vĩ mô, ông Andrew Chumney- Cố vấn Cục Hàng không Thái Lan (người có 40 năm làm việc tại Boeing) cho rằng tại Việt Nam đã có sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ trong các chính sách vĩ mô đến vi mô, từ đó tạo tiền đề và động lực cho nền kinh tế, trong đó có ngành hàng không, hồi phục nhanh chóng. Đặc biệt, các chính sách đều hướng đến sự phát triển bền vững của ngành trong thời gian tới. Do đó, tốc độ phát triển của HKVN rất nhanh do các chính sách đã làm động lực cho các ngành du lịch, xuất khẩu tăng trưởng cao.
Về cơ bản, có thể nói tốc độ phát triển của HKVN trong những lĩnh vực nói trên tăng gấp 5-7 lần mức độ trung bình của khu vực. Do đó nguồn nhân lực hàng không từ nhân viên mặt đất đến phi công cần phải đáp ứng đủ về số lượng và chất lượng. Muốn phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, điều đầu tiên là phải hợp tác và chia sẽ với các nước có ngành hàng không phát triển trên thế giới để hiểu về các nhu cầu về thị trường, các thiết bị hàng không, về đào tạo.
"Bên cạnh các vấn đề khác thì phát triển nguồn nhân lực cao trong dịch vụ hàng không cũng là một yếu tố tất yếu và rất quan trọng để Việt Nam có thể hội nhập và tăng trưởng cùng với hàng không quốc tế", ông Andrew Chumney khẳng định.
Cùng chung quan điểm về việc để phát triển nguồn nhân lực cho HKVN cần sự chung tay từ nhiều phía, ông John Ling, Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng không Canada nhận định, giải pháp về đào tạo nguồn nhân sự cấp cao của ngành hàng không Việt Nam là phải có sự chung tay của cả xã hội. Có thể bắt đầu từ nền tảng giáo dục cho thế hệ trẻ mộ cách chuẩn mực chuyên nghiệp vào toàn diện. Theo đó, Việt Nam có thể đào tạo thông qua các hệ thống giáo dục chuyên nghiệp và liên kết với các nước trong khu vực và trên thế giới.
GS. TS Hà Nam Khánh Giao, Phó Giám Đốc học viện Hàng không Việt Nam cũng hiến kế, "để đáp ứng nguồn nhân lực chúng ta nên chuẩn bị kí kết với những tập đoàn lớn về xây dựng sân bay, các tập đoàn xây dựng ở trong nước,chuyển giao công nghệ đào tạo về xây dựng sân bay. Đồng thời triển khai những chương trình đào tạo phù hợp với các nhu cầu sắp tới. Bên cạnh đó, cần hợp tác kí kết với các Trường đại học, Viện đào nước ngoài để đưa sinh viên đi học tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng cho nhu cầu trong thời gian sắp tới như: phi công, kỷ thuật hàng không, các ngành cần trình độ tay nghề cao nhằm phục vụ cho hàng không, không chỉ đến năm 2030 mà phải dự trù cho những năm tiếp theo".
Chia sẻ về một mô hình đang góp sức cho sự phát triển nguồn nhân lực của HKVN, bà Lương Thị Xuân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Triển lãm Hàng không Việt Nam cho biết, để đáp ứng được nhu cầu hiện tại, cũng như sẽ có sự tăng trưởng cao trong thời gian tới, HKVN cần có nhiều trường về hàng không hơn nữa. Để góp phần giải bài toán này, hiện nay Công ty cổ phần Triển lãm HKVN cũng đã chuẩn bị công tác mở trường đào tạo và liên kết với 10 nước có các trường đào tạo về hàng không hàng đầu thế giới như: Trường CAC (Canada Aviation College), Trường New Castle (Anh quốc), RMIT (Autralia), Epic Flight (USA)…
Ngoài ra, để góp phần thúc đẩy, tạo ra diễn đàn cho các nhà kinh tế, các trường đào tạo nhân lực cho ngành hàng không, các công ty trong ngành hàng không có thể trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, từ đó tìm giải pháp, xây dựng chiến lược, kế hoạch cho phát triển hàng không trong thời gian tới, Triển lãm quốc tế HKVN sẽ là sự kiện chính thống được tổ chức lần thứ 3 tại TPHCM, dự diễn ra từ ngày 11 - 13/10/2023.
Minh Thi