Giải pháp nào để nâng cạnh tranh cho doanh nghiệp TPHCM
(Chinhphu.vn) - "Diễn đàn năng lực cạnh tranh doanh nghiệp cấp tỉnh 2024" diễn ra ngày 9/7 tại TPHCM, nhiều ý kiến từ các chuyên gia cho rằng, TPHCM vẫn là nơi lý tưởng cho các doanh nghiệp (DN) đặt trụ sở và tổ chức hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, Thành phố cần đẩy mạnh xây dựng hạ tầng xanh, hạ tầng số, nhất là dữ liệu số dùng chung cho các doanh nghiệp.
Năng lực cạnh tranh của DN Thành phố suy giảm
Thông tin báo cáo phân tích năng lực cạnh tranh doanh nghiệp TPHCM năm 2023 cho thấy, mặc dù TPHCM vẫn dẫn đầu cả nước về giá trị tuyệt đối ở nhiều chỉ tiêu, nhưng quy mô và kết quả hoạt động của lực lượng DN nói riêng, các kết quả kinh tế nói chung của TPHCM đang chậm lại một cách tương đối so với bình quân chung của cả nước.
Thêm vào đó, so với các đô thị trung tâm trong khu vực Đông Á và Đông nam Á, khả năng cạnh tranh của lực lượng DN Thành phố, nhất là các DN dẫn đầu, là khá khiêm tốn.
TS. Huỳnh Thế Du, Giảng viên Đại học Indiana Hoa Kỳ, thành viên Viện Sáng kiến Việt Nam nhận định rằng tốc độ tăng trưởng của TPHCM đang chậm lại so với bình quân chung của cả nước. Cùng với đó, "sức khỏe" của các DN cũng đáng lo ngại.
Cụ thể, Thành phố không có doanh nghiệp nào trong 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam theo xếp hạng của Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (VNR500). Giá trị vốn hóa thị trường của các công ty niêm yết có xu hướng đi xuống rõ rệt…
Ngoài ra, các chỉ số về năng suất lao động và thu nhập bình quân đầu người của TPHCM giảm so với các Thành phố trong khu vực.
Theo đánh giá của TS Huỳnh Thế Du, nguyên nhân khiến cho năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp TPHCM giảm sút cả về "chất" và "lượng" đến từ tất cả các yếu tố, bao gồm chiến lược hoạt động của chính lực lượng DN chưa rõ ràng và hoạt động còn chưa hiệu quả; trình độ phát triển cụm ngành còn khá khiêm tốn, thiếu vắng sự liên kết, tương hỗ…
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội lương thực, thực phẩm TPHCM cho rằng, điểm yếu của đa phần các DN nhỏ và vừa là điểm yếu tài chính; có một số báo cáo tài chính thực sự chưa minh bạch, điều này làm cho khả năng tiếp cận các nguồn vốn tín dụng của DN sẽ bị hạn chế nhiều. Cùng với đó, hiện nay DN sản xuất còn nhỏ lẻ, điều kiện thay đổi đầu tư, đổi mới công nghệ theo tình hình phát triển hiện nay thì chưa đạt được theo yêu cầu.
Điều quan trọng nhất đó là sự liên kết của các DN còn lỏng lẻo, bản thân DN quen thuộc mạnh ai nấy làm. "DN trong hiệp hội, sự chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm với nhau mặc dù có nhưng rất là ít giữa các DN với nhau" bà Chi chia sẻ.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa), cho rằng, những ngành sản xuất truyền thống của Việt Nam, như sản xuất đồ gỗ, chúng ta có thể tự tin có một chuỗi cung ứng mạnh. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh so sánh với các nước có chuỗi cung ứng tương tự thì chúng ta không mạnh bằng. DN chúng ta thiếu những nghiên cứu chuyên sâu để phân tích, nắm được nhu cầu thị trường, điều này cho thấy, trong năng lực cạnh tranh thì khả năng ra chiến lược là không mạnh.
Ông Phương cũng chỉ ra, về quản trị, DN Việt Nam thường mạnh về kỹ thuật nhưng không mạnh về thương mại, mạnh về sản xuất, nhưng không mạnh về thiết kế. Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ nhân sự của DN Việt Nam so với các DN FDI, thậm chí so với các DN cùng ngành vẫn còn những khoảng cách.
Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN
Từ thực tế trên, theo TS Huỳnh Thế Du, để nâng sức cạnh tranh cho DN TPHCM thì việc đầu tiên là bản thân DN phải có chiến lược kinh doanh và tầm nhìn rõ ràng.
Tiếp đến, các hiệp hội ngành nghề, các tổ chức đại diện hỗ trợ liên kết cần xác định lại vai trò then chốt trong việc cung cấp thông tin về xu hướng thị trường, tiến bộ công nghệ, sự phát triển của ngành.
Cùng với đó thì các tổ chức tài chính, đặc biệt là ngân hàng thương mại có thể đóng vai trò đầu mối và liên kết với các Hiệp hội ngành hàng tạo thành hệ sinh thái, hỗ trợ nguồn vốn tín dụng cho DN.
Về phía chính quyền, TPHCM cần tạo cơ chế và hỗ trợ để các tổ chức hợp tác, phối hợp hiệu quả. Thêm đó, TPHCM có thể dành nguồn ngân sách để hỗ trợ các tổ chức hợp tác, phối hợp cung cấp những dịch vụ dùng chung.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Lý Kim Chi đề xuất, cần có sự hỗ trợ từ chính quyền, tạo ra các chính sách thuận lợi và định hướng rõ ràng cho DN, trong đó các Hiệp hội, Hội sẽ đóng vai trò trung gian để kết nối DN với chính quyền giải quyết các vấn đề.
"Những DN như Vinamilk và Vifon có tiềm năng trở thành DN toàn cầu, nhưng cần sự hỗ trợ từ nhà nước để phát triển mạnh mẽ hơn. Như vậy TPHCM nên cung cấp các chính sách có lợi và tạo ra các nhóm DN lớn để dẫn dắt những DN nhỏ hơn"- bà Chi nói.
Ở góc độ vĩ mô, nhiều ý kiến từ các chuyên gia cho rằng, TPHCM cũng cần chú trọng hơn nữa phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông kết nối các trung tâm kinh tế và cửa ngõ liên thông với các tỉnh, thành trong khu vực nhằm tạo thuận lợi cho DN giảm các chi phí như logictics.
Quan trọng hơn, Thành phố cần dành nguồn ngân sách hợp lý để xây dựng hạ tầng xanh, hạ tầng số, nhất là dữ liệu số dùng chung cho các doanh nghiệp.
Về phía DN TPHCM cần gia tăng tính chủ động và nội lực nội sinh của mình để bắt kịp xu hướng phát triển mới như phát triển kinh tế xanh, kinh tế số…
Anh Lê