Giảm thiểu rác thải sinh hoạt bằng mô hình kinh tế tuần hoàn
(Chinhphu.vn) - TPHCM thải ra khoảng 9.500 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày. Lượng rác khổng lồ trên chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, chiếm đến 69%. Trong khi đốt, ủ phân compost và tái chế chỉ chiếm 31%, trong đó tái chế nhựa chỉ chiếm 1%.
Theo số liệu của VECA, một đơn vị phát triển ứng dụng thu gom rác thải, thì mỗi ngày tại TPHCM tiêu thụ 2.674 tấn giấy, 1.900 tấn nhựa các loại. Nhưng khối lượng giấy thu gom được chỉ khoảng 40% tương đương trên 1.000 tấn, và nhựa được thu gom khoảng 500 tấn với tỉ lệ tái chế khoảng 27%. Số còn lại đang bị bỏ chung vào rác thải sinh hoạt.
Để giảm khối lượng chất thải rắn chôn lấp, từ năm 2008, TPHCM đã triển khai chương trình phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Hiện chương trình đã nhân rộng ở cả 24 quận, huyện và TP. Thủ Đức.
Tuy nhiên, theo đánh giá, chương trình trên chưa mang lại hiệu quả. Giai đoạn 2008-2015, có 6 quận huyện thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn nhưng tỉ lệ đạt yêu cầu chỉ khoảng 20%.
TPHCM đã có chính sách hỗ trợ cho người dân phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, những chính sách đã có chưa đủ độ hấp dẫn nhằm thúc đẩy người dân tự giác tham gia. Trong khi đó, cơ chế thúc đẩy xã hội hoá công tác thu gom, tái chế, xử lý chất thái rắn sinh hoạt còn thiếu, chưa thu hút được các nguồn lực đầu tư.
Để có cơ sở thực tiễn tham mưu cho UBND TPHCM giải quyết các vấn đề trên, Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM đã triển khai Đề tài Nghiên cứu đề xuất giải pháp phát triển tái chế chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Thành phố.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, tại TPHCM, hầu như không có đề tài, dự án nào liên quan trực tiếp đến lĩnh vực tái chế chất liệu từ quá trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Ngay cả chính sách thúc đẩy tái chế cũng chưa được quan tâm. Ngoài ra, Thành phố chưa có quy hoạch, bố trí không gian phù hợp với ngành nghề sản xuất, tái chế phế liệu từ phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Trong khi đang có nhiều quy định nghiêm cấm, hạn chế ngành nghề tái chế phế liệu từ phân loại rác thải sinh hoạt tại các khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất…
Ông Sỹ đề xuất TPHCM phải nhanh chóng quy hoạch không gian phát triển công nghiệp tái chế, song song với mô hình thí điểm triển khai phát triển kinh tế tuần hoàn đối với một số loại phế liệu, từ đó chuẩn bị về mặt nguồn lực, chính sách, thể chế liên quan.
Cùng quan điểm với PGS.TS Phùng Chí Sỹ, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM cho rằng, quỹ đất dành cho xử lý chất thải tại TPHCM đang rất thấp so với các đô thị khác như TP. Hà Nội.
Theo kinh nghiệm từ nhiều quốc gia, mô hình kinh tế tuần hoàn mới là giải pháp toàn diện để nâng cao hiệu quả quản lý chất thái rắn sinh hoạt, nhất là với những đô thị có lượng rác sinh hoạt khổng lồ như TPHCM. Trong đó đẩy mạnh các hoạt động tái chế ngay từ khi hình thành sản phẩm thông qua các quy định về thiết kế sản phẩm, thay vì tập trung vào tái sử dụng, tân trang trong nền kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần giảm thiểu lượng rác thải phát sinh.
Ông Phạm Bình An cho rằng các quy định hiện nay chưa cụ thể, khá mơ hồ, do vậy cần phải xây dựng kế hoạch hành động về kinh tế tuần hoàn trong quản lý tái chế rác thải sinh hoạt. Đây cũng là một trong những hướng phát triển bền vững mà TPHCM hướng tới, được nêu cụ thể trong Đề án "Phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030".
Trong 51 chương trình, đề án trọng điểm của TPHCM theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố có riêng một đồ án Quy hoạch xử lý chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, TPHCM phấn đấu đến năm 2025 đạt một số chỉ tiêu, như: 80% hộ gia đình thực hiện phân loại rác tại nguồn; 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý, trong đó tối thiểu 80% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu hồi, tái chế, làm phân compost và đốt thu hồi năng lượng.
Băng Tâm