Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân trải lòng kỷ niệm xúc động về cha
(Chinhphu.vn) - GS.TS Nguyễn Thiện Nhân đã chia sẻ kỷ niệm xúc động về cha mình, cố GS. TSKH. AHLĐ Nguyễn Thiện Thành trong lễ ra mắt sách “Giáo sư Nguyễn Thiện Thành, người chiến sĩ, người thầy thuốc anh hùng” (Nxb Quân Đội Nhân dân và BV Thống Nhất phối hợp xuất bản) tại TP Hồ Chí Minh.
![]() |
GS. TS Nguyễn Thiện Nhân trải lòng kỷ niệm xúc động về cha mình – Cố GS. TSKH. AHLĐ Nguyễn Thiện Thành. Ảnh: VGP/Phương Dy |
3 lần nói “Không”
GS Nguyễn Thiện Nhân kể, cha mình, GS Nguyễn Thiện Thành tham gia cách mạng, ngoài chữa bệnh thì ông còn tham gia đào tạo y tá và bác sĩ. Ông đi kháng chiến ở chiến trường miền Trung, ông được giao nhiệm vụ đào tạo y tá. Sau đó, ông tham gia đào tạo bác sĩ ở miền Bắc và năm 1966 thì ông vào Nam, đào tạo bác sĩ ở miền Tây. Kết thúc chiến tranh, ông lại tham gia đào tạo chuyên khoa lão khoa ở BV Thống Nhất.
Ngay từ những năm 1946, khi còn ở chiến trường miền Trung, ôngđã bắt đầu quan tâm biên soạn sách, nghiên cứu y học. Đến năm 1947, ở chiến khu 9, ông bắt đầu xuất bản những cuốn sách đầu tiên tại trường y tá Trưng Trắc. Trong hơn 50 năm, ông viết hơn 35 cuốn sách, nhưng chỉ viết sách chữa bệnh để bảo vệ sức khỏe. Ngoài ra, dù không có chuyên môn dược, ông vẫn tham gia nghiên cứu về thuốc, ông đã làm filatov và caclutan. Có thể nói, cái gì cần cho xã hội, bệnh nhân thì ông làm.
GS Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ rằng, rất tự hào về cha mình khi có tới 3 lần, GS Nguyễn Thiện Thành nói “Không” với những điều kiện thuận lợi cho cá nhân.
Lần thứ nhất, ông từ chối học bổng sang Pháp học vì ông không được học nghề y mà ông mong muốn; lần nói không thứ 2 đó là khi Liên Xô để nghị ông ở lại làm Tiến sĩ nhưng ông từ chối, và nói rằng ông muốn về với quê hương miền Nam để chăm lo cho sức khỏe đồng bào và lần thứ 3 là sau năm 1975, khi có ý kiến đề xuất ông ra làm Thứ trưởng Bộ y tế, nhưng ông cũng cho rằng ở lại bệnh viện Thống Nhất để phục vụ bệnh nhân cũng rất quan trọng và ý nghĩa.
Những lần may mắn của cha
Chợt nhớ ra kỷ niệm vui, GS Nhân nghẹn ngào: Trong cuộc đời của cha tôi cũng có nhiều cái may mắn. Đó là thời gian mà ông không may bị chảy máu dạ dày, năm 1946 khi đang ở miền Trung. Sau đó, bác Vũ Văn Cần cho phép ông ra ngoài Bắc chữa bệnh, nhưng không có phương tiện nên phải đi bộ.
“Trên đường ra bắc, ông gặp Thiếu tướng Nguyễn Sơn là Tư lệnh Quân khu 5. Nếu không gặp tướng Nguyễn Sơn, không có sự giúp đỡ về lương thực ăn đường và xe thì chắc ông không ra được đến miền Bắc vì bệnh dạ dày của ông lúc đó rất nặng. Đấy là cái may đầu tiên trong cuộc đời ông, nhưng cũng từ đó ông phải chung sống với bệnh dạ dày và đã nhiều lần phải phẫu thuật”, GS Nhân nhớ lại kỷ niệm về cha.
Một may mắn khác, đó là lúc ông đi tàu không số, cả 3 lẫn xuất phát đều gặp tàu địch phải quay trở lại nhưng ông vẫn không sao, thậm chí trước khi đi đã làm lễ truy điệu nhưng cuối cùng ông vẫn đi đến nơi về đến chốn.
Cái may nữa, mà theo GS Nhân là ở những nơi GS Nguyễn Thiện Thành công tác trong cuộc đời, ông đều được những người cấp trên và những người đồng nghiệp hết lòng cộng tác, chia sẻ.
Ngoài ra, khi ở trong rừng, B52 ném bom vùi hầm mà ba má ông trú ẩn, lúc đó hai người đã nắm tay nhau để chuẩn bị đi về thế giới bên kia, nhưng thật may mắn là sau đó được đồng đội tìm thấy.
Nói về tình yêu của ba má trong kháng chiến, GS Nguyễn Thiện Nhân tự hào: “Ba tôi quen với má từ chiến trường. Thời gian ở chiến trường, ba bị bệnh dạ dày rất nặng ăn uống rất khó khăn, nếu không có má chăm sóc thì ba khó mà sống được trong chiến trường”.
Cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư Nguyễn Thiện Thành là một quá trình phấn đấu liên tục, cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp Cách mạng của dân tộc, cho sự phát triển của ngành y tế Quân đội và y tế nhân dân. Giáo sư Nguyễn Thiện Thành đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: 16 huân, huy chương, danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc. Năm 1980, Phó Tiến sỹ Nguyễn Thiện Thành được Nhà nước phong tặng học hàm Giáo sư, ngay trong đợt phong học hàm đầu tiên của Nhà nước. Năm 1985, Giáo sư được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Năm 1989, Giáo sư Nguyễn Thiện Thành được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân. |
Phương Dy