Grab Việt Nam: GrabTaxi được hoạt động trên toàn quốc
(Chinhphu.vn) - Grab tiếp tục khẳng định việc tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, mang lại phương thức kết nối di chuyển hiện đại, tiện lợi cho người dân.
Grab cùng với Uber trước đây đã tạo ra sự khác biệt trong phương thức đi chuyển tại Việt Nam. Ảnh: VGP/Nam Đàn |
Sau khi bị “tuýt còi” từ Bộ Giao thông vận tải về việc Grab mở rộng GrabCar tại một số tỉnh thành, mới đây hãng này thông báo dịch vụ GrabTaxi đã được phép hoạt động trên toàn quốc.
Đã đăng ký với Bộ Công thương
Liên quan đến việc triển khai dịch vụ kết nối cho xe taxi (dịch vụ GrabTaxi) mà Grab đang triển khai, đại diện Công ty Grab cho hay, dịch vụ này giúp mang đến cho người tiêu dùng và các đối tác taxi tại địa phương một phương thức kết nối hiện đại, tiện lợi và hiệu quả.
Bên cạnh GrabCar, GrabBike và GrabExpress, thì GrabTaxi là một trong những dịch vụ được tích hợp trong ứng dụng Grab đã được đăng ký với Bộ Công thương là ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử có phạm vi hoạt động trên toàn quốc và được hoạt động hoàn toàn hợp pháp theo quy định của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử.
Dịch vụ GrabTaxi không can thiệp vào giá cước cũng như cách vận hành, quản lý xe và tài xế của các đơn vị taxi. Giá cước GrabTaxi hiển thị trên ứng dụng Grab chỉ để hành khách tham khảo, được ước tính dựa trên giá cước theo kilomet của các đơn vị taxi và quãng đường dự kiến. Khách hàng sẽ trả đúng số tiền hiển thị trên đồng hồ tính cước của xe taxi sau khi kết thúc chuyến đi.
Đối với việc triển khai thí điểm xe hợp đồng điện tử (dịch vụ Grab Car), Grab Việt Nam khẳng định luôn tuân thủ đầy đủ và nghiêm túc các quy định tại Quyết định số 24/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải. Grab chỉ cung cấp dịch vụ Grab Car cho các đơn vị vận tải có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và phương tiện của các đơn vị đó có phù hiệu “xe hợp đồng” cấp bởi Sở Giao thông vận tải của các tỉnh, thành phố nằm trong phạm vi thí điểm. Chúng tôi không cung cấp dịch vụ GrabCar cho các đơn vị vận tải và phương tiện tại các địa phương không thuộc đề án thí điểm.
Cuộc đua chưa có điểm dừng
Trước đó, ngày 19/10/2015, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép Bộ Giao thông vận tải triển khai thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016. Theo đó, việc thí điểm được thực hiện tại 5 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh.
Có 9 đơn vị tham gia thí điểm gồm Công ty TNHH GrabTaxi (Grab Car), Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (V.CAR), Công ty cổ phần Vận tải 57 Hà Nội (Thanh Cong Car), Công ty cổ phần Sun Taxi (S.CAR), Công ty cổ phần Phát triển Thương mại và Du lịch quốc tế Ngôi Sao (VIC.CAR), Công ty Cổ phần Hợp tác đầu tư và Phát triển (HOME CAR), Công ty TNHH Uber Việt Nam (Uber), Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh (Mai Linh Car), Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Linh Trang (LB.Car).
Thời gian thực hiện thí điểm từ tháng 1/2016 đến tháng 1/2018). Ở các địa phương triển khai thí điểm đã phản đối Uber, Grab khi cho rằng, hoạt động của Uber, Grab cạnh tranh không lành mạnh, trốn thuế. Trong quá trình sửa Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Bộ Giao thông vận tải vẫn tiếp tục việc thí điểm tại 5 địa phương nói trên.
Đáng lưu ý, vừa qua Uber chính thức bán lại quyền khai thác khu vực Đông Nam Á cho Grab. Với thương vụ này, Grab hiện đang “thống trị” taxi công nghệ tại Việt Nam. Tuy nhiên, các hãng taxi truyền thống cũng đang nỗ lực cải thiện để tăng sức cạnh tranh, thu hút hành khách.
Đơn cử, mới đây tại TPHCM, Aber - ứng dụng gọi xe thông minh trên nền tảng công nghệ 4.0 được phát triển bởi nhóm kỹ sư người Việt du học tại Châu Âu trên nền tảng công nghệ của Đức, vừa chính thức ra mắt và vận hành với các dịch vụ như Aber bike (xe ôm công nghệ), Aber car (taxi công nghệ), Aber truck (xe giao hàng, xe tải), Aber travel (trải nghiệm du lịch cùng Aber), Aber business (xe doanh nghiệp) và Aber express (dịch vụ giao hàng).
Trong khi đó, Grab vừa được Toyota “rót” 1 tỷ USD nhằm đưa Grab tiến gần hơn đến tầm nhìn trở thành nền tảng di động một điểm đến (one-stop) tại Đông Nam Á.
Và trong diễn biến hiếm hoi đối với taxi truyền thống trong nước, hãng taxi Mai Linh cũng vừa ra thông báo cho biết sẽ hợp tác với Tập đoàn Willer (Nhật Bản) để cùng sáng tạo ra các giá trị mới trong hoạt động vận tải hành khách - du lịch tại Việt Nam.
Nam Đàn