Hỗ trợ DN Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của DN Đức

17/02/2023 3:30 PM

(Chinhphu.vn) - Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK) sẽ tiếp tục hỗ trợ các DN Việt Nam thông qua các khóa huấn luyện và các chương trình tư vấn, giao lưu với các DN Đức trong thời gian tới. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh giao thương giữa doanh nghiệp hai quốc gia trong thời gian tới.

Hỗ trợ DN Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của DN Đức - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC phát biểu tại hội thảo “Nâng cao năng lực canh tranh vào thị trường Đức thông qua điều luật thẩm định chuỗi cung ứng” - Ảnh: VGP/Lê Anh

Ngày 17/2 tại TPHCM, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp cùng Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK) tổ chức hội thảo "Nâng cao năng lực cạnh tranh vào thị trường Đức thông qua điều luật thẩm định chuỗi cung ứng". Sự kiện thu hút  200 đại biểu đại diện các doanh nghiệp Việt Nam và Đức tham dự.

Chương trình nhằm giới thiệu "Điều luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức" có hiệu lực từ năm 2023. Điều luật buộc các doanh nghiệp (DN) Đức phải kiểm soát những rủi ro cho con người và môi trường có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong suốt chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều luật này là một thách thức, đồng thời cũng là cơ hội để các DN Việt khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặ biệt thu hút sự quan tâm từ khách hàng Đức tiềm năng.

Nhiều DN Đức tìm nhà cung ứng tại Việt Nam

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Sang, Trưởng Phòng Đại diện Incubator – AHK Việt Nam nhấn mạnh, trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam thu hút sự chú ý của nhiều nước, đặc biệt là Đức. AHK Việt Nam nhận được ngày càng nhiều yêu cầu tìm nhà cung ứng tại Việt Nam trong thời gian gần đây.

Theo ông Sang, cùng với vị trí địa lý được xem như "cửa ngõ" khu vực ASEAN vốn đang phát triển rất năng động, Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư bởi chi phí nhân công rẻ, khả năng tuân thủ lao động cao, thị trường tăng trưởng liên tục trong nhiều năm liền cũng như cơ chế thu hút đầu tư thông thoáng.

Đặc biệt, Việt Nam là nền kinh tế mở, với nhiều hiệp định thương mại được ký kết, trong đó có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Điều này giúp Việt Nam nhận được sự quan tâm từ các nhà đầu tư châu Âu nói chung và Đức nói riêng, nhằm tận dụng các lợi thế mà EVFTA mang lại. Nhiều DN FDI đang muốn đa dạng chuỗi cung ứng cũng chọn Việt Nam là điểm đến.

Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC nhận định, trong những năm qua quan hệ thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và EU nói chung và giữa Việt Nam với Đức nói riêng có bước phát triển mạnh mẽ. Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu  Âu. 

Hỗ trợ DN Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của DN Đức - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Ngọc Sang, Trưởng Phòng Đại diện Incubator – AHK Việt Nam cho biết, nhiều DN Đức tìm nhà cung ứng tại Việt Nam - Ảnh: VGP/Lê Anh

Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Đức trong năm 2022 đạt hơn 8,9 tỷ USD, tăng 23% so với năm trước đó và cũng là cửa ngỏ để hàng hóa Việt Nam đi các thị trường khác của châu Âu. Tuy nhiên để đạt được những hiệu quả nhất định, DN Việt Nam phải chấp hành các điều kiện khắt khe trong quy trình sản xuất và xuất khẩu đến các thị trường khó tính như EU nói chung và Đức nói riêng. Đặc biệt là điều luật thẩm định chuỗi cung ứng (LkSG) mới có hiệu lực từ năm 2023 của Đức.

Nâng cao tiêu chuẩn sản xuất để tham gia chuỗi cung ứng

Đề cập đến vấn đề này, bà Lanh Huyền Như, quản lý Dự án chuỗi cung ứng bền vững tại Việt Nam, đã cung cấp những thông tin cần thiết liên quan đến nội dung của điều luật thẩm định chuỗi cung ứng (LkSG) và ý nghĩa của điều luật đối với DN Việt.

Bà Như cho biết, mục tiêu của đạo luật LkSG của Đức nhằm cải thiện công tác bảo vệ các quyền con người trong chuỗi cung ứng toàn cầu và ngăn chặn những hành vi xâm phạm. Ví dụ như cấm những chất có hại cho con người và môi trường, chống phân biệt đối xử, trả lương phù hợp và thời gian làm việc đúng mức.

Đạo luật này cũng yêu cầu các DN Đức xây dựng một cơ chế quản lý rủi ro hiệu quả và phù hợp cho các chuỗi cung ứng của mình và lồng ghép cơ chế đó vào tất cả những chu trình sản xuất, kinh doanh.

Ông Juan Maties Garcia, Đặc trách khu vực châu Á Thái Bình Dương – Công ty TÜV Rheinland Vietnam, đã chia sẻ góc nhìn từ phía chuyên gia kiểm định đối với các yêu cầu của thị trường Đức để các DN Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN Đức. Theo đó, các DN sản xuất Việt Nam cần có các quy định và tiêu chuẩn rõ ràng trong hệ thống quản lý chất lượng chuỗi cung ứng và cải tiến liên tục với hệ thống quản lý chung đó, phân công rõ ràng người chịu trách nhiệm với chuỗi cung ứng; các DN Việt Nam cũng phải có quy trình khiếu nại trong sản xuất để đáp ứng yêu cầu khi đơn vị đối tác kiểm tra. Cùng với đó, các DN cần công bố minh bạch các chính sách, luật liên quan môi trường sản xuất và lao động.

Theo các chuyên gia, muốn tham gia sâu hơn vào thị trường khó tính như EU nói chung và Đức nói riêng cũng như tận dụng được các lợi thế mà hiệp định EVFTA mang lại, không cách nào khác, các DN Việt Nam cần đổi mới máy móc, không ngừng nâng cao tiêu chuẩn và chất lượng sản phẩm, sản xuất theo hướng xanh và bền vững.

Lê Anh

Top