Hỗ trợ ngành thủy sản vượt khó, phấn đấu đạt mục tiêu xuất khẩu đề ra

10/09/2024 8:37 PM

(Chinhphu.vn) - Hội Thủy sản Việt Nam nỗ lực hỗ trợ các tỉnh phía bắc giảm thiểu thiệt hại, phục hồi lại sản xuất. Đồng thời, ngành thủy sản sẽ đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận gần hơn với nhiều khách hàng tiềm năng.

Hỗ trợ ngành thủy sản vượt khó, phấn đấu đạt mục tiêu xuất khẩu đề ra- Ảnh 1.

Aquaculture Vietnam 2024 mang lại nhiều cơ hội cho ngành thủy sản Việt Nam. Ảnh: VGP/AL

Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam (Vinafis) Nguyễn Việt Thắng cho biết, đến thời điểm này, ngành thủy sản đã có tổng giá trị xuất khẩu đạt khoảng 6,3 tỷ USD trong số 9,5 tỷ USD mục tiêu đề ra cho cả năm 2024. Tuy nhiên, những thiệt hại và ảnh hưởng từ cơn bão số 3 vừa qua hiện gây khó khăn cho việc thực hiện phần còn lại.

Ông Thắng cho biết, hiện nay, các ngành chức năng và Hội Thủy sản Việt Nam nỗ lực hỗ trợ các tỉnh phía bắc giảm thiểu thiệt hại, phục hồi lại sản xuất. Đồng thời, ngành thủy sản sẽ đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận gần hơn đến tệp khách hàng mục tiêu và quảng bá, gia tăng mức độ nhận diện thương hiệu, gia tăng giá trị cho mặt hàng thủy sản Việt Nam.

Hội Thủy sản Việt Nam cũng lưu ý các tỉnh, thành phía nam về dự báo thời tiết diễn biến phức tạp trong thời gian tới, cần có phương án đảm bảo sản xuất và xuất khẩu.

Chia sẻ tại buổi họp báo giới thiệu Triển lãm quốc tế chuyên ngành thủy sản tại Việt Nam - Aquaculture Vietnam 2024, dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng 10/2024, TS. Lê Thanh Lựu, Giám đốc Trung tâm hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) cho biết, ngành thủy sản Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là biến đổi khí hậu gây ra nhiệt độ tăng, thời tiết cực đoan, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động nuôi trồng.

Bên cạnh đó là vấn đề giá đầu vào tăng trong khi giá sản phẩm không ổn định, công nghệ nuôi trồng chưa kịp thích ứng với biến đổi khí hậu. Áp lực giảm phát thải khí nhà kính đòi hỏi thay đổi phương thức sản xuất.

Để thích ứng với những biến đổi của thị trường và đảm bảo sự phát triển bền vững, theo TS Lê Thanh Lựu, ngành nuôi trồng thủy sản cần tập trung vào một số giải pháp chính như: Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế; phát triển thị trường thông qua việc tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới và nâng cao giá trị thương hiệu cho thủy sản Việt Nam. Cùng với đó, hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm và tiếp cận công nghệ mới cũng là một hướng đi quan trọng.

Aquaculture Vietnam 2024: Cơ hội cho ngành thủy sản Việt Nam

Theo Ban tổ chức, Aquaculture Vietnam 2024, là một sự kiện toàn diện giúp khách tham quan có thể tiếp cận toàn bộ chuỗi giá trị chăn nuôi thủy sản từ lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt cho đến chế biến.

Aquaculture Vietnam 2024 sẽ quy tụ hơn 100 đơn vị trưng bày và thu hút khoảng 4.000 khách tham quan từ hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ có thế mạnh về thủy sản.

Bên cạnh chương trình triển lãm, rất nhiều thông tin chuyên ngành sẽ được chia sẻ đến khách tham dự tại chuỗi chương trình hội thảo được tổ chức tại Triển lãm Aquaculture Việt Nam 2024, nơi các chuyên gia hàng đầu từ các doanh nghiệp, trường Đại học và Hiệp hội mang đến những kiến thức và kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản.

Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam (Vinafis) Nguyễn Việt Thắng cho biết, với tầm nhìn phát triển bền vững ngành thủy sản, thời gian qua, Chính phủ cùng các cơ quan ban ngành, địa phương đã chủ động triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người nuôi trồng, như cung cấp tín dụng ưu đãi, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ giống, và phát triển hạ tầng. Song song đó, các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế biển và chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư nước ngoài cũng đã tạo ra những cơ hội mới cho ngành thủy sản.

Anh Lê

Top