"Họa sĩ Huỳnh Phương Đông - Một đời sáng tạo nghệ thuật"

19/04/2014 10:20 PM

Sáng ngày 19-4, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM đã khai mạc triển lãm "Họa sĩ Huỳnh Phương Đông - Một đời sáng tạo nghệ thuật". Đây là hoạt động được tổ chức nhân kỷ niệm 39 năm Ngày giải phóng miền Nam (30-4) và cũng là sự tri ân đối với người họa sĩ lão thành nhân dịp ông tròn 90 tuổi.

"Ngày vui lịch sử", họa sĩ Huỳnh Phương Đông sáng tác năm 1975
"Đồng đội trên đất thép Củ Chi", sáng tác năm 2011

Hơn 100 ký họa, 60 tác phẩm, 10 tranh cổ động và 7 tượng của họa sĩ trưng bày tại triển lãm chỉ là một phần rất nhỏ trong kho tàng khổng lồ gồm trên 20.000 tranh, ký họa của ông giúp người xem hiểu thêm, hiểu sâu hơn những giá trị mà họa sĩ đã dành trọn cả cuộc đời để sáng tạo ra. Ông cũng chia sẻ triển lãm lần này thể hiện công sức gần 70 năm lao động miệt mài của mình, Trong 70 năm ấy, hết 30 năm diễn ra trong khói lửa chiến tranh xâm lược, ngót 40 năm trong hòa bình xây dựng đất nước. Các tác phẩm về chiến tranh là tấm lòng, tình cảm của ông với nhiều mối băn khoăn đối với cuộc sống chiến đấu của dân tộc, đất nước. Xem tranh Huỳnh Phương Đông, người ta thấy cả chất thơ của cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam, nói đúng hơn đó là chất anh hùng ca ở mảnh đất thành đồng tổ quốc. Ông rất tự hào mình đã lựa chọn con đường nghệ thuật để phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp cách mạng.

Họa sĩ Huỳnh Phương Đông tên thật là Huỳnh Công Nhãn, sinh năm 1925 tại Bình Hòa, Gia Định. Ông tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Thực hành Gia Định (1945); Trường Trung cấp Mỹ thuật khóa I (1957- 1959); Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam khóa III (1959 - 1964); hội viên ngành hội họa Hội Mỹ thuật Việt Nam từ 1957. Các giải thưởng tiêu biểu đã được Nhà nước trao tặng như: giải nhất Cuộc vận động vẽ tranh cổ động thống nhất đất nước 1976 cho tác phẩm “Chung một ngọn cờ”, giải nhất triển lãm mỹ thuật TP 1979 cho bộ ký họa Côn Đảo và Ba Son, giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007 cho bộ ba tác phẩm “Trận La Ngà, Trận Ấp Bắc, trận Bình Giã”…Ở tuổi 90, ông vẫn không ngày nào không cầm bút. Có lẽ với ông, sống là sáng tạo nghệ thuật, còn sống là còn vẽ. Ngay cả khi nằm trên giường bệnh ông vẫn luôn nghĩ tới tác phẩm, bố cục từng tranh, làm sao nhanh hết bệnh để được vẽ tiếp. Những sáng tạo của ông đã góp phần cho sự phát triển của mỹ thuật hiện đại Việt Nam và cũng là những trang sách viết bằng hình ảnh sinh động về lịch sử đấu tranh kiên cường vì độc lập, vì hòa bình và hạnh phúc của nhân dân ta.

Minh Dung

 

Top