Hội nghị Thành ủy TPHCM lần thứ 10: Đến năm 2015 đáp ứng nhà ở lưu trú cho khoảng 100.000 công nhân

10/07/2012 4:50 PM

(HCM CityWeb)- Ngày 3-7, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM (khóa IX) khai mạc dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM. Hội nghị thảo luận dự thảo Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đánh giá tình hình kinh tế - xã hội TP 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2012.

Khai mạc Hội nghị Thành ủy TPHCM lần thứ 10

Trong dự thảo Chương trình hành động của Thành ủy từ nay đến năm 2020, TPHCM sẽ tập trung nguồn lực vào 5 lĩnh vực trọng tâm là: Hạ tầng giao thông; hạ tầng đô thị; hạ tầng thủy lợi, chống ngập nước và ứng phó biến đổi khí hậu; hạ tầng y tế; hạ tầng giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ. Những mục tiêu cụ thể cũng được thống nhất tại hội nghị. Trong đó, phấn đấu đến hết năm 2015, tổng chiều dài đường làm mới đưa vào sử dụng là 210km, đưa vào sử dụng 50 cây cầu; đến năm 2015, diện tích nhà ở bình quân đầu người là 17m²/người, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 140.000 sinh viên (60% nhu cầu), nhà ở lưu trú cho khoảng 100.000 công nhân (50% nhu cầu). Đến năm 2020, diện tích nhà ở bình quân đầu người nâng lên 19,8m²/người, chỗ ở cho khoảng 230.000 sinh viên, nhà ở lưu trú cho khoảng 200.000 công nhân, quỹ nhà tái định cư khoảng 30.000 căn, quỹ nhà ở xã hội khoảng 10.000 căn...

Đánh giá tình hình KT-XH TP 6 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2012, TP duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, hợp lý. Tổng sản phẩm nội địa ước đạt gần 288.600 tỷ đồng, tăng 8,1%; chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 giảm 0,43% so với tháng trước; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 56.000 tỷ đồng, tăng 10,2% so cùng kỳ. Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, chủ động, quyết liệt thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, phòng bệnh, giải quyết tốt việc khám chữa bệnh cho nhân dân; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…

Hôm nay 4-7, hội nghị tiếp tục làm việc.

 

 

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín: Sử dụng hiệu quả các nguồn vốn

Hiện nhu cầu vốn của TPHCM đầu tư trong 5 lĩnh vực quan trọng: Hạ tầng giao thông; hạ tầng đô thị; hạ tầng thủy lợi, chống ngập nước và ứng phó với biến đổi khí hậu; hạ tầng y tế; hạ tầng giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ là rất lớn, trên 30 tỷ USD (nhu cầu bình quân từ 3 - 4 tỷ USD/năm). Do đó, TPHCM phải tìm nhiều nguồn đầu tư khác nhau từ nguồn ngân sách, ODA, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, từ các thành phần kinh tế và trong dân…

Một trong các giải pháp quan trọng là TPHCM tiếp tục hoàn thiện chính sách để thu hút mạnh và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Trong đó sử dụng hợp lý và hiệu quả vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, ưu tiên bố trí vốn đầu tư các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm theo quy hoạch. TPHCM sẽ tranh thủ tối đa các nguồn viện trợ phát triển (ODA) để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quy mô lớn.

 

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà: Gỡ rào cản do chính chúng ta đặt ra
 
 
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) còn rất nhiều việc cần phải làm. Tuy nhiên, TP và các cấp chính quyền cần tháo gỡ các rào cản do chính chúng ta đặt ra, không chỉ thủ tục hành chính mà còn cả cách hành xử trong quá trình DN thực hiện các thủ tục đó về các vấn đề liên quan đến thuế, hải quan, giấy phép… Trong điều kiện khó khăn hiện nay, nếu chính quyền làm được điều này là nguồn động viên rất lớn cho DN. Đây là cách hỗ trợ thực tế nhất, sát thực nhất, nên cần phải cải cách trong từng cấp chính quyền, từng chuyên viên trong bộ máy.

Vốn rất cần, nhưng lúc này DN đang cần hơn là nguồn tiêu thụ sản phẩm. Nếu hàng hóa bán được, sản xuất kinh doanh được thì DN mới có nhu cầu vay vốn. Còn hàng bán không được, tồn kho thì chẳng ai vay vốn sản xuất để tăng thêm hàng tồn. Để giải quyết khó khăn về hàng tồn, tất nhiên DN phải chịu trách nhiệm về thị trường rồi, nhưng còn thị trường do đầu tư công tạo ra cần phải quan tâm tính toán.
 
Theo tôi, việc tạo ra thị trường bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước trong giai đoạn hiện nay là hết sức quan trọng. để kích thích tiêu dùng trong nhân dân, cần đẩy mạnh giải ngân các dự án nhà nước. Từ nay đến cuối năm, TP phải giải ngân hết số tiền các dự án đã ghi vốn. Cả trung ương đến địa phương đều phải đẩy mạnh việc thực hiện các dự án, có như vậy mới phát triển được thị trường cho DN.
 

 

 

 
 
 

 

(SGGP)

Top