Kết nối các DN thực phẩm Việt với 300 nhà mua hàng lớn trong nước và quốc tế

16/04/2025 5:29 PM

(Chinhphu.vn) - Triển lãm Quốc tế ngành Lương thực, Thực phẩm TPHCM lần thứ 4 năm 2025 – HCMC FOODEX 2025 với chủ đề: “Sản phẩm tự nhiên - xanh - bền vững”, triển lãm quy tụ gần 400 đơn vị, tổ chức và những thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm của TPHCM, các tỉnh, thành và các quốc gia đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia; hơn 300 người mua trong nước và quốc tế đến từ 15 quốc gia.

Kết nối các DN thực phẩm Việt với 300 nhà mua hàng lớn trong nước và quốc tế- Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy tham quan một gian hàng tại HCMC FOODEX 2025. Ảnh: VGP/Lê Anh

Triển lãm– HCMC FOODEX 2025 chính thức khai mạc sáng ngày 16/4 tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC), TPHCM.

HCMC FOODEX 2025 giới thiệu đa dạng các sản phẩm nông sản, sản phẩm chế biến chuyên sâu, sản phẩm gia vị, phụ gia thực phẩm, đồ uống, máy móc và các lĩnh vực liên quan trong ngành lương thực, thực phẩm với nhiều thương hiệu lớn tham gia như: Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri), Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Công ty CP Thực phẩm Bình Tây, Công ty CP Thực phẩm Cholimex, Công ty CP Nosafood, Công ty CP Long Sơn, Công ty CP Sữa Ba Vì...

Không chỉ quy tụ những tên tuổi lớn trong ngành thực phẩm, HCMC FOODEX 2025 chào đón nhiều doanh nghiệp lần đầu tham gia, mang đến những giải pháp đột phá trong thiết bị, vật liệu, bao bì đóng gói và công nghệ chế biến và những giải pháp tiên tiến trong xử lý nước thải, bảo vệ môi trường.

Phát biểu tại sự kiện, bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, nhóm ngành lương thực thực phẩm hiện chiếm khoảng 15% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, là một trong 04 ngành công nghiệp trọng yếu ưu tiên phát triển của Thành phố.

Nhiều chính sách hỗ trợ ngành thực phẩm

TPHCM đã và đang triển khai nhiều chính sách và chiến lược để thúc đẩy ngành chế biến lương thực thực phẩm phát triển như ban hành Quyết định 4700/QĐ-UBND ngày 23 tháng 10 năm 2024 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành chế biến lương thực thực phẩm TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kết nối các DN thực phẩm Việt với 300 nhà mua hàng lớn trong nước và quốc tế- Ảnh 2.

Nhiều DN lương thực, thực phẩm lớn của TPHCM tham dự HCMC FOODEX 2025. Ảnh: VGP/Lê Anh

Trong quý 1 năm 2025, kinh tế TPHCM đang tiếp tục phục hồi mạnh mẽ; cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng hơn 7,5% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2020 đến nay. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng Thành phố đạt khoảng 316.600 tỷ đồng, tăng 14,2%, cho thấy sức mua và nhu cầu tiêu dùng nội địa tiếp tục tăng cao.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu Thành phố vẫn còn nhiều thách thức trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn nhiều phức tạp ảnh hưởng đến Việt Nam. 

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, lãnh đạo Thành phố cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp với việc triển khai nhiều giải pháp thiết thực và quyết liệt để hỗ trợ doanh nghiệp như đẩy mạnh thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, kết nối nguồn vốn hỗ trợ…

Kết nối các DN thực phẩm Việt với 300 nhà mua hàng lớn trong nước và quốc tế- Ảnh 3.

HCMC FOODEX 2025 là cơ hội để DN các địa phương đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Ảnh: VGP/Lê Anh

Triển lãm HCMC FOODEX 2025 là hoạt động thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần giới thiệu tổng thể sự phát triển năng động của ngành công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm TPHCM, quảng bá các sản phẩm có chất lượng và doanh nghiệp có thương hiệu uy tín trong ngành lương thực thực phẩm, thúc đẩy các cơ hội hợp tác kinh doanh và thu hút nguồn lực đầu tư hiệu quả.

Với chủ đề: "Sản phẩm tự nhiên - xanh - bền vững", triển lãm quy tụ gần 400 đơn vị, tổ chức và những thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm của TPHCM, các tỉnh thành và các quốc gia đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia; hơn 300 người mua trong nước và quốc tế đến từ 15 quốc gia xác nhận tham quan và giao thương tại Triển lãm.

Theo ban tổ chức, dự kiến, trong thời gian 4 ngày làm việc, Triển lãm dự kiến sẽ thiết lập hơn 1.000 cuộc hẹn kết nối. Mỗi cuộc kết nối đều được sắp xếp dựa trên nhu cầu kinh doanh của các đơn vị, đảm bảo mức độ phù hợp và tối đa hóa kết quả kinh doanh.

Bên cạnh đó, có thể kể đến một số hoạt động nổi bật khác trong khuôn khổ triển lãm như hội thảo, tọa đàm về phát triển bền vững trong sản xuất thực phẩm và nông sản; Chương trình kết nối giao thương với các hệ thống phân phối hiện đại và các sàn thương mại điện tử, hoạt động livestream bán hàng. Các hoạt động tham quan nhà máy của các nhà mua hàng quốc tế.

Lê Anh

Top