Khoanh vùng đỏ, mở rộng vùng xanh trên bản đồ COVID-19

22/07/2021 9:00 AM

(Chinhphu.vn) - Trong buổi họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TPHCM vào chiều ngày 21/7, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Phan Văn Mãi chia sẻ sự chuyển hướng trọng tâm trong thời gian tới, theo đó cùng với bao vây thu hẹp vùng đỏ thì Thành phố bảo vệ và mở rộng vùng xanh là rất cần thiết.

Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi chủ trì cuộc họp - Ảnh: TTO

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc tình hình dịch trên địa bàn Thành phố đã đạt đỉnh dịch chưa? Tình huống nào cho Thành phố trong những ngày sắp tới? Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Phan Văn Mãi cho biết, những ngày qua số ca nhiễm vẫn tăng cao, Thành phố chưa đạt đỉnh dịch và tình hình còn diễn biến phức tạp trong vài ngày tới.

Trong ba kịch bản đề ra, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ cho rằng Thành phố đang ở kịch bản thứ hai, tức là tiếp tục Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và thậm chí phải tăng cường thêm biện pháp siết chặt hơn. Trong cuộc họp ngày 20/7, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên đã đề cập đến vấn đề này.

Thành phố cũng đã chuẩn bị các giải pháp cho Chỉ thị 16 tăng cường, trong đó tập trung tuyên truyền, vận động, giám sát để người dân thực hiện giãn cách xã hội triệt để hơn, giãn cách nhà với nhà, người với người trong gia đình, hạn chế tối đa tiếp xúc lây lan mầm bệnh trong cộng đồng.

Các khu vực nguy cơ cao, đông dân cư như khu nhà trọ chưa bảo đảm việc giãn cách, Thành phố sẽ tính toán, có biện pháp giãn cách phù hợp, nhằm bảo đảm mật độ ít tiếp xúc.

Song song với đó, Thành phố tập trung cao cho việc phân tầng quản lý, chăm sóc, điều trị F0. Ngành y tế Thành phố đã đề ra mô hình phân tầng. Tầng thứ nhất, test nhanh kháng nguyên dương tính (nghi nhiễm) sẽ tạm chờ ở phường, xã, thị trấn. Sau khi có kết quả PCR nếu không triệu chứng, không bệnh nền sẽ cách ly tập trung tại cơ sở để theo dõi, chăm sóc. Theo số liệu thống kê, nhóm này khoảng 70% ca nhiễm.

Tầng hai là nhóm ca nhiễm có triệu chứng, cần điều trị, chủ yếu tại bệnh viện quận, huyện.

Tầng ba là nhóm ca nhiễm có triệu chứng, có bệnh nền cần điều trị ở tuyến cao hơn. Có thể một phần điều trị tại bệnh viện quận, huyện.

Cuối cùng, tầng 4 là nhóm bệnh nặng. Thành phố có 4 bệnh viện đã được tập trung trang thiết bị và nguồn nhân lực điều trị cho nhóm này, làm sao hạn chế tỉ lệ tử vong thấp nhất.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Phan Văn Mãi, việc phân tầng giúp giảm tải cho ngành y tế, đồng thời sẽ mạch lạc trong quản lý, theo dõi, chăm sóc điều trị.

Cùng với các biện pháp trên, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh, Thành phố sẽ tăng cường việc bảo đảm cung ứng hàng hoá, lương thực thực phẩm thiết yếu, đặc biệt là khu vực phong toả, cho các nhóm dân cư khó khăn. 

Song song với các biện pháp giãn cách xã hội triệt để, phân tầng theo dõi điều trị bệnh, ông Mãi nhấn mạnh, Thành phố sẽ bảo vệ và mở rộng vùng xanh trên bản đồ COVID-19 trên địa bàn. Trước đây, Thành phố tập trung nhiều cho khu vực nguy cơ cao, nhưng sắp tới sẽ mở ra các hoạt động để bảo vệ vùng xanh, vùng an toàn, dần củng cố mở rộng thêm. Thành phố sẽ giữ Cần Giờ là mảng xanh. Với khu trung tâm sẽ bằng nhiều cách, giãn cách, rà soát, xét nghiệm bóc tách F0 để chuyển hoá thêm nhiều mảng xanh trên bản đồ.

Đây là sự chuyển hướng trọng tâm trong thời gian tới, theo đó, cùng với bao vây thu hẹp vùng đỏ thì việc bảo vệ và mở rộng vùng xanh là rất cần thiết.

Đánh giá TPHCM đang đối diện với kịch bản thứ hai, đó là tiếp tục Chỉ thị 16 và có biện pháp tăng cường ở một số địa bàn phải siết chặt hơn nữa. Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ cho biết Thành phố phấn đấu thời gian còn lại thực hiện Chỉ thị 16 cùng với 19 tỉnh, thành phố trong khu vực, sẽ về đích cùng với các địa phương trong nỗ lực khống chế dịch.

Về vấn đề sản xuất an toàn, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh, sản xuất rất quan trọng với Thành phố, là công ăn việc làm của hàng triệu con người, là phát triển kinh tế-xã hội, là câu chuyện nếu không duy trì sẽ đứt gãy thị trường nội địa và xuất khẩu, sau này kết nối lại rất khó và Thành phố rất quan tâm điều này. TPHCM cũng đang triển khai quy định sản xuất an toàn “ba tại chỗ” hoặc “hai địa điểm - một cung đường” tuy nhiên quá trình chuẩn bị chưa kỹ, có nơi áp dụng ba tại chỗ nhưng chưa an toàn và Thành phố đã làm việc lại với HEPZA, các hiệp hội để tìm ra cách thức an toàn nhất để sản xuất.

Tuy nhiên, hơn ai hết, doanh nghiệp phải thấy được nhu cầu an toàn là thiết thực với chính mình. TPHCM sẽ tiếp tục điều chỉnh để có biện pháp an toàn nhất tổ chức sản xuất. “Cần chuẩn bị về chỗ ở bảo đảm sản xuất trong thời gian dài, không ảnh hưởng đến sức khoẻ, tâm lý của người lao động. Vấn đề không phải chuẩn bị cho 10 ngày hay 2 tuần mà có thể lâu dài cho hết năm nay”, ông Mãi nêu vấn đề và nhấn mạnh việc bảo đảm sản xuất an toàn không thể gượng ép vì gượng ép sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn.

Đối với cung ứng hàng hoá an toàn, ông Phan Văn Mãi cho biết các chợ đầu mối Thủ Đức, Hóc Môn mở lại điểm trung chuyển hàng hoá và một số chợ truyền thống mở lại thì phải bảo đảm an toàn. Do vậy phải có các biện pháp phòng dịch.

Trong những ngày tới, Thành phố tiếp tục điều chỉnh để khởi động mở lại các chợ truyền thống an toàn. Ông Mãi thông tin, sau khi kiểm tra thực tế một số chợ truyền thống, điều kiện giãn cách chưa được tốt, vẫn còn nguy cơ. Phải giãn cách và 5K triệt để nhằm mở lại chợ để cung ứng hàng hoá nhưng không để tình trạng mở lại rồi trở thành ổ dịch mới.

Thành phố khuyến khích các thành phần kinh tế có những hình thức cung ứng hàng hoá đảm bảo an toàn. Hiện TPHCM nhận được một số đề xuất của các hiệp hội, chuỗi cung ứng với cách làm rất sáng tạo, đưa hàng đến nhiều địa bàn mà vẫn bảo đảm an toàn.

Băng Tâm

Top