“Không ảnh Sài Gòn” của Giản Thanh Sơn
(Chinhphu.vn) - Nhà báo - nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn đã dành trọn những năm tháng tươi trẻ nhất của cuộc đời mình cho nghề nghiệp. Nhiều người vẫn gọi Giản Thanh Sơn là nhà báo, nhiếp ảnh gia, nghệ sĩ và phóng viên quốc tế, nhưng danh xưng không làm nên hào quang, con người giản dị này vẫn lặng lẽ nuôi dưỡng niềm say mê thực sự, đó là lưu giữ những khoảnh khắc thường nhật của cuộc sống.
Sông Sài Gòn - Bức ảnh đoạt giải đặc biệt với tên gọi "Công trình lịch sử", chụp trong ngày lay dặt và lắp đặt các đốt hầm vượt sông Sài Gòn, tháng 3/2010. Ảnh: Giản Thanh Sơn |
40 năm làm nghề, Giản Thanh Sơn đã bốn lần được xác lập kỷ lục quốc gia với những bộ ảnh khá độc đáo của mình. Anh đã từng tác nghiệp tại hơn 85 quốc gia trên thế giới, tham dự nhiều hội nghị thượng đỉnh tại Liên Hợp Quốc, Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN - Hoa Kỳ tại New York, các hội nghị quốc tế tại Peru, Chile, Nhật Bản, Nga, Venezuela, Cuba, Mông Cổ, Áo, Hy Lạp, Arap Saud và phi Châu...
Như một chú ong miệt mài với việc tìm hoa lấy mật, nhà báo, nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn (hiện là phóng viên chuyên trách của Chủ tịch nước), đã từng tạo ấn tượng với công chúng bởi những tác phẩm báo chí qua những cuộc triển lãm có một không hai như "Chân dung chính khách", "Việt Nam nhìn từ không trung", "Biến đổi khí hậu Việt Nam và Thế giới nhìn từ không trung", " Dấu ấn hội nhập", "Không ảnh đảo và bờ biển Việt Nam"...
Nói về Giản Thanh Sơn, ký giả Lê Công Sơn của báo Thanh Niên viết: "20 năm qua, bằng những cảm xúc chân thật của một trái tim ngập tràn lòng yêu thương thành phố, Giản Thanh Sơn đã chắt lọc lại qua ống kính nghệ thuật tất cả những hình ảnh đẹp nhất, tuyệt vời nhất về Sài Gòn…Anh kể: “Trước đây, mỗi khi có dịp bay qua những vùng ngoại thành: Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè, Thủ Đức nhìn thành phố vẫn còn thưa vắng, nhà cửa lụp xụp. Bây giờ thấy công trình xây dựng ồ ạt, nhà máy, vùng công nghiệp, khu dân cư, biệt thự mọc lên san sát…càng cảm thấy tự hào và mong thành phố sẽ liên tục phát triển hơn nữa”.
Giản Thanh Sơn với đôi mắt từ trên không trung luôn dõi nhìn về TP.HCM để bây giờ anh đang gấp rút cho ra đời cuốn sách đặc biệt “Khám phá Sài Gòn từ không trung” như hôm nay là cuộc triển những tác phẩm tiêu biểu trích từ quyển sách này . Tác phẩm như một đứa con tinh thần tuyệt vời, kết quả viên mãn của bao đêm trăn trở, dành nhiều tình cảm và nỗi niềm qua những khung hình, góc máy đẹp mà Giản Thanh Sơn muốn dành cho Thành phố thân yêu của mình. Một mảng không gian xanh phố, lối kiến trúc xưa thấp thoáng sau những ngôi nhà và dòng người tất bật trên phố nhẹ nhàng, sâu sắc như chính con người anh.
Cứ như thế, ”Khám phá Sài Gòn từ không trung” của Giản Thanh Sơn đẹp như bức tranh thủy mặc đưa người xem từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Các bức ảnh như có hồn bước ra từ hơi thở của đời sống thực lúc thời khắc bấm máy tuyệt vời nhất, tạo mối lương duyên giữa nhiếp ảnh gia tài hoa và Sài Gòn nhìn từ không trung mà không dễ ai làm được, ngoài Giản Thanh Sơn.
Lâm Tuyền - ký giả của báo Lao Động cho rằng, Giản Thanh Sơn là một người dễ xúc động. Thi thoảng gặp anh, được anh chia sẻ những bức ảnh mới nhất, tôi lại thấy đôi mắt anh rưng rưng, nhất là những hôm anh khoe những bức ảnh chụp từ không trung – biển đảo quê mình, hay TPHCM.
40 mươi năm làm báo, gần 20 năm đeo đuổi lối chụp riêng của mình, nhờ sự hỗ trợ đặc biệt của Sư đoàn Không quân 370 và Trung đoàn trực thăng 917với nhiều loại phi cơ, Giản Thanh Sơn giờ đã sở hữu được một gia tài đồ sộ về hình ảnh tổ quốc nhìn từ không trung, đã lia máy xuống và bắt được những khoảnh khắc đẹp đẽ lạ lùng.
Sự khoáng đạt của tầm cao trong những bức ảnh của Giản Thanh Sơn luôn khiến người xem xao xuyến. Xao xuyến vì cảm nhận được một tình yêu bất tận với quê hương của Giản Thanh Sơn, nhất là thành phố Hồ Chí Minh, nơi chốn, như anh thú nhận, yêu như yêu bà mẹ hiền hậu của mình.
Đừng hỏi Giản Thanh Sơn, anh ngồi trên máy bay loại gì, với ai, máy bay bay với vận tốc bao nhiêu, ở độ cao bao nhiêu, dùng máy ảnh loại gì để có thể ghi được gương mặt thành phố, mỗi lần mỗi khác vậy. “Cùng một nơi chốn, nhưng mỗi lần bay, mỗi lần bấm máy, là tôi lại một lần rung động khác nhau. Sài Gòn của tôi, của bạn, của tất cả chúng ta, bao yêu thương trìu mến, bao đổi thay tốt đẹp…”
Sài Gòn, khu vực Hội trường Thống Nhất ngắm từ trên không trung khác hẳn với khi được nhìn ngang, nhìn dọc, hay nhìn từ…dưới nhìn lên, đó là một Sài Gòn với những chấm đỏ – mái của những ngôi nhà, thắm như những nụ hoa. Tươi và ấm vậy, sao không yêu cho được, Sài Gòn?
Trần Hoàng Danh