Triển khai hỗ trợ nhanh tạo động lực cho nhiều hoàn cảnh khó khăn

22/07/2021 6:00 PM

(Chinhphu.vn) - Nhiều lao động tự do (bán vé số, xe ôm, hàng rong…) vui mừng khi được cán bộ phường đến tận nhà trao tiền hỗ trợ trong mùa dịch COVID-19. Việc triển khai gói hỗ trợ nhanh chóng đã tạo động lực để nhiều hoàn cảnh khó khăn vượt qua dịch bệnh.

Bà Nguyễn Thị Cẩm Hà, cán bộ Phường 21, quận Bình Thạnh trao tiền hỗ trợ tận nhà cho chị Lâm Bảo Châu. Ảnh: VGP/Nguyễn Kim

Trong những ngày TPHCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh nhiệm vụ phòng, chống dịch, các quận, huyện đang gấp rút triển khai gói hỗ trợ 886 tỷ đồng của Thành phố để hỗ trợ các đối tượng khó khăn, chịu tác động bởi dịch COVID-19.

Tại Phường 21, quận Bình Thạnh, công tác triển khai gói hỗ trợ được tiến hành nhanh chóng, đảm bảo mục tiêu công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Hoạt động chi trả tiền hỗ trợ được thực hiện theo nhiều hình thức, đối với các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn được cán bộ phường trao tận nhà, một số khác thông qua khu phố để nhận.

Chị Lâm Bảo Châu (58 tuổi), ngụ Phường 21 bất ngờ khi được cán bộ phường xuống tận nhà trao 1,5 triệu đồng tiền hỗ trợ, chị Châu hiện đang sống với mẹ già 80 tuổi bị bệnh nặng. Trước kia, chị làm nghề lượm ve chai nhưng do bị tai nạn nên việc đi lại vô cùng khó khăn.

Khi Thành phố thực hiện Chỉ thị 16, chị Châu phải tạm ngừng công việc khiến cuộc sống của hai mẹ con chị trở nên bấp bênh, thiếu thốn, mọi chi phí ăn uống, sinh hoạt đều trông cậy vào sự hỗ trợ của các mạnh thường quân trong xã hội.

Chú Nguyễn Văn Lộc, làm nghề bán vé số được nhận 1,5 triệu đồng tiền hỗ trợ trong mùa dịch COVID-19. Ảnh: VGP/Nguyễn Kim

Cách đó một vài căn nhà, chú Nguyễn Văn Lộc (63 tuổi) không giấu được sự vui sướng khi nhận tiền hỗ trợ trong mùa dịch. Chú Lộc quê Hải Phòng, theo người thân vào TPHCM sinh sống từ lúc nhỏ, trước đây chú làm nghề bán vé số nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên phải tạm ngưng công việc.

“Được phường trao tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng, tôi rất biết ơn”, chú Lộc chia sẻ.

Tại phường Cầu Kho, Quận 1, nhiều cán bộ phường cũng đang gấp rút các công đoạn để chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động khó khăn. Ngoài điểm nhận trực tiếp tại trụ sở UBND phường, cơ quan này bố trí thêm nhiều điểm tại khu phố để tránh việc tập trung đông người. Riêng những hộ gia đình khó khăn, phường cử cán bộ trực tiếp xuống nhà thăm hỏi, trao tiền hỗ trợ.

Cùng chung niềm vui với nhiều lao động nghèo trong mùa dịch, 6 người cùng quê Phú Yên, đang thuê trọ trong một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Văn Cừ, phường Cầu Kho, Quận 1 rất xúc động khi nhận tiền hỗ trợ từ chính quyền địa phương.

Phòng trọ có tổng cộng 7 người cùng sinh sống nhưng do một người làm mất chứng minh nhân dân nên không được nhận tiền hỗ trợ, với tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, 6 thành viên còn lại đã bỏ ra mỗi người 200.000 đồng để san sẻ và động viên người còn lại cùng vượt qua mùa dịch.

Được biết, 7 thành viên phải chi trả 6 triệu đồng tiền thuê trọ mỗi tháng. Từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, cuộc sống của những người con xa quê trở nên eo hẹp, phải nhờ đến sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, tổ chức, đoàn thể trong xã hội.

Bảy người bán vé số sinh sống tại phường Cầu Kho, Quận 1 vui mừng khi được hỗ trợ trong mùa dịch. Ảnh: VGP/Nguyễn Kim

Ngày 21/7, trao đổi với phóng viên, ông Phan Ngọc Quý - Phó Chủ tịch UBND Phường 14, quận Tân Bình cho biết, phường tiếp nhận hơn 2.600 người đăng ký nhận tiền hỗ trợ, tuy nhiên sau quá trình rà soát, xét duyệt còn hơn 1.000 đối tượng được nhận tiền hỗ trợ.

Đến thời điểm này, Phường 14 đã chi trả tiền hỗ trợ COVID-19 cho gần 600 trường hợp và đang chờ kinh phí của quận để tiếp tục phát cho những người còn lại.

Tại Phường 13, quận Tân Bình, công tác chi trả tiền hỗ trợ được phường triển khai từ ngày 9-15/7/2021. Ông Nguyễn Khắc Nguyên - Chủ tịch UBND Phường 13 cho biết, phường có khoảng 1.800 người được nhận tiền hỗ trợ, trong đó đã chi trả cho 1.169 trường hợp và đang tiếp tục chi trả bổ sung cho các hộ còn lai. 

Trong gói hỗ trợ 886 tỷ đồng của TPHCM, có 230.000 người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 được hỗ trợ với mức 50.000 đồng/ngày, chi trả 1 lần. Tổng kinh phí dự kiến cho nhóm đối tượng này khoảng 230 tỷ đồng.

Nguyễn Kim

Top