Lao động nghèo mong chờ gói hỗ trợ mới

23/06/2021 4:19 PM

(Chinhphu.vn) - Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thực hiện quy định giãn cách xã hội của TPHCM, nhiều lao động nghèo (bán vé số, xe ôm, hàng rong…) trên địa bàn đang mong chờ chính quyền Thành phố nhanh chóng triển khai gói hỗ trợ mới để hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn, sớm vượt qua đại dịch.

Chú Đào Văn Hưng, làm nghề chạy xe ôm, kiến nghị chính quyền tinh giản thủ tục để người dân tiếp cận gói hỗ trợ dễ dàng hơn. Ảnh: VGP/Nguyễn Kim

Cô Nguyễn Thị Lướt, quê Quảng Ngãi, làm nghề mua đồng nát cho biết rất vui nếu được nhận hỗ trợ từ chính quyền trong mùa dịch.

“Hồi năm ngoái, ông chủ nhà làm hết thủ tục nên tôi nhận được 1 triệu đồng. Đợt này ông chủ bán nhà cho người khác thì không biết có nhận được nữa không, tôi không biết chữ nên giấy tờ, thông tin cũng không rành”, cô Lướt chia sẻ.

Cô Lướt và chồng hiện đang thuê trọ với giá 1,5 triệu đồng/tháng. Trước kia, mỗi ngày cô kiếm được hơn 100.000 đồng từ việc mua đồng nát nhưng nay các quán hàng nghỉ bán nên cô chỉ kiếm được mấy chục nghìn.

“Chồng tôi đi làm phụ hồ mà dịch bệnh nên bữa làm bữa nghỉ, còn tôi cũng cố gắng để lo chi phí cho gia đình rồi gửi tiền về quê để anh trai chăm sóc mẹ già. Mùa dịch này, nếu được chính quyền quan tâm hỗ trợ sớm, chúng tôi rất mừng”, cô Lướt nói thêm.

Còn đối với chị Nguyễn Thị Kim Yến, người bán vé số dạo tại Quận 10, những ngày này chị hy vọng bán được nhiều vé số để có tiền trang trải cuộc sống trong mùa dịch. 

“Quê tôi ở Cần Thơ, cả hai vợ chồng lên đây hơn 1 năm nay để bán vé số kiếm sống. Vợ chồng tôi đi bán ngoài đường nên cũng không biết thông tin về gói hỗ trợ nhưng nếu được nhận, chúng tôi mừng lắm vì dịch bệnh nên thu nhập chẳng được bao nhiêu”, chị Yến hào hứng. 

Cô Nguyễn Thị Lướt, quê Quảng Ngãi vẫn tất bật mưu sinh trong mùa dịch COVID-19. Ảnh: VGP/Nguyễn Kim

Hay với cô Đinh Thị Thảo (71 tuổi), ngụ quận Tân Bình, từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, cô cũng nghỉ bán sữa đậu nành để ở nhà phòng, chống dịch bệnh theo đúng khuyến cáo của Thành phố.

Khi được đề cập đến gói hỗ trợ mà Thành phố dự kiến triển khai, cô Thảo rất mừng và hy vọng sẽ nhận được tiền hỗ trợ trong thời gian sớm nhất. “Đợt 1 tôi thấy nhiều người làm nghề xe ôm ở tổ tôi được nhận hỗ trợ còn đợt 2 thì không biết cụ thể như thế nào nhưng nếu có tiền thì rất vui vì dịch này tôi nghỉ bán nên không có thu nhập gì, ai cho gì là mừng”, cô Thảo nói.

Còn chú Đào Văn Hưng, làm nghề chạy xe ôm tại quận Tân Bình cho rằng, việc người dân tiếp cận để nhận gói hỗ trợ còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. “Những người buôn gánh bán bưng cuộc sống rất khó khăn, nhiều lúc chính quyền hỗ trợ có 1 triệu đồng nhưng yêu cầu phải về quê chứng thực giấy tờ, thủ tục. Quá trình người dân di chuyển, chi phí còn nhiều hơn tiền hỗ trợ nên nhiều người cũng bỏ ngang. Có gói hỗ trợ thì tốt nhưng thủ tục phải đơn giản để ai cũng tiếp cận được. Bản thân tôi nếu được nhận cũng rất vui”, chú Hưng nói.

Trong đợt đầu tiên, gia đình chú Hưng có làm giấy tờ xin nhận hỗ trợ nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hỗ trợ.

Chị Nguyễn Thị Kim Yến mời khách mua vé số trên đường Cách Mạng Tháng 8, Quận 10. Ảnh: VGP/Nguyễn Kim

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TPHCM, qua điều tra, số người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bị giảm sâu thu nhập hoặc không có thu nhập do thực hiện giãn cách xã hội chủ yếu là: Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ vé số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ); làm công việc thuộc các lĩnh vực, ngành nghề phải tạm ngừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND TPHCM khoảng 230.000 người.

Dự kiến, tại kỳ họp HĐND diễn ra ngày 24 và 25/6 tới, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TPHCM sẽ trình một gói hỗ trợ mới, trong đó có nhóm đối tượng nói trên. Theo đó, mức hỗ trợ được đề xuất 1,5 triệu đồng/người/lần. Như vậy, số tiền ngân sách cần có để thực hiện gói hỗ trợ này là 345 tỷ đồng.

Nguyễn Kim

Top