Môi trường, an toàn thực phẩm khiến TPHCM khó xây dựng nông thôn mới
(Chinhphu.vn) - Nhiều đại diện các huyện, xã của TPHCM cho biết, thực hiện các tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm đang là điểm khó trong việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố. TPHCM: Vốn xây dựng nông thôn mới đạt 34.348 tỷ đồng
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP/Thu Lê |
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm - phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của TPHCM, diễn ra chiều 5/7, nhiều đại diện các huyện, xã của thành phố cho biết, thực hiện các tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm (tiêu chí 17) đang là điểm khó. Hiện nay, mới có 24/56 xã đạt tiêu chí này, nhiều xã đã đạt 18/19 tiêu chí cũng bày tỏ khó khăn trong vấn đề môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cụ thể, việc kiểm soát và quản lý xả thải tại các lưu vực kênh, rạch khu vực nông thôn còn khó khăn do hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu hệ thống thu gom, tiêu thoát nước. Ngoài ra, quá trình đô thị hóa nhanh, gây áp lực cho việc xử lý chất thải sinh hoạt. Vẫn còn nhiều tình trạng xả rác ngoài đường, các bãi rác tự phát ven đường.
Vẫn còn tình trạng các hộ gia đình (nhất là các hộ từ nơi khác đến thuê đất sản xuất), cơ sở sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ chưa ý thức được tầm quan trọng của kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường. Đầu tư xử lý chất thải trong sản xuất sẽ làm tăng chi phí, giá thành sản phẩm vì vậy nhiều cơ sở, hộ dân sản xuất chưa quan tâm thực hiện nội dung này; công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm chưa được thường xuyên, triệt để.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, các tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm theo bảng điểm hiện nay rất khó để đạt được, tuy nhiên, Sở đã có những hướng dẫn cụ thể, đồng thời tổ chức buổi họp với các huyện, xã và sở ngành liên quan để giải quyết vướng mắc bởi mỗi huyện, xã cần có giải pháp khác nhau.
“Như tại huyện Bình Chánh, với đặc thù địa bàn rộng, nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, ngành nghề ô nhiễm, lại giáp ranh kênh rạch chằng chịt với các tỉnh khác, sở tiếp nhận thông tin phản ánh từ năm 2018, cũng đã tổ chức cuộc họp và đi khảo sát thực tế, từ đó cấp danh sách chuẩn nguồn thải để kiểm tra”, bà Mỹ cho biết.
Đồng thời, Sở đang tiếp tục làm việc với các tỉnh giáp ranh như Tây Ninh, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu… ra cơ chế phối hợp, thường xuyên họp bàn để giải quyết vướng mắc về ô nhiễm. Các tỉnh lân cận cũng đã ra những biện pháp kiểm soát ô nhiễm, yêu cầu các khu công nghiệp cải tạo nâng cấp hệ thống xử lý chất thải.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đánh giá qua 6 tháng đầu năm 2019, 5 huyện và các xã đã có nhiều nỗ lực so với năm 2018. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm tập trung thực hiện quyết liệt hơn nữa. Phấn đấu tới Quý 1/2020 tất cả các xã, huyện phải hoàn thành nông thôn mới.
Với những chỉ tiêu còn yếu như môi trường, an toàn thực phẩm, trường học, giao thông, các huyện, xã và sở ngành phải tăng cường, phối hợp để đưa ra hướng tháo gỡ, báo cáo Văn phòng điều phối và UBND Thành phố để kịp thời đưa ra giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Bên cạnh đó, đồng chí Lê Thanh Liêm nhấn mạnh, cần tăng cường công tác kiểm tra giám sát quá trình thực hiện nông thôn mới, phát huy vai trò cộng đồng dân cư, các đoàn thể, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát và dân thụ hưởng”.
“Chúng ta cố gắng, quyết liệt hoàn thành các tiêu chí. Tuy nhiên đây không phải là kết quả cuối cùng mà chỉ đánh giá mức độ làm việc trong từng giai đoạn. Các tiêu chí chương trình sẽ càng lúc càng nâng lên theo mức độ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đây là một tiến trình và cần sự cố gắng không ngừng nghỉ của các huyện, xã, các sở ban ngành và toàn thành phố”, Phó Chủ tịch Lê Thanh Liêm khẳng định.
Thu Lê