Môi trường TPHCM đang chịu nhiều sức ép

24/08/2016 7:16 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 24/8, Sở TN&MT TPHCM tổ chức Hội thảo báo cáo hiện trạng môi trường TPHCM giai đoạn từ năm 2011 đến 2015.

Môi trường TPHCM đang chịu nhiều sức ép do gia tăng dân số và quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh. Ảnh VGP/Phan Hoàng

Tại hội thảo, PGS-TS Phùng Chí Sỹ - Giám đốc Trung tâm Công nghệ môi trường TPHCM cho biết, những năm gần đây, cùng với đà tăng trưởng kinh tế, môi trường TPHCM đang phải gánh chịu nhiều sức ép. Nguyên nhân chính là do gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa và ảnh hưởng từ việc phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ…

Về môi trường nước, TPHCM có mạng lưới sông ngòi kênh rạch phát triển. Sông Đồng Nai-Sài Gòn cùng với 5 hệ thống kênh rạch: Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Tham Lương-Vàm Thuật, Tân Hóa-Lò Gốm, Tàu Hủ-Bến Nghé và kênh Đôi-kênh Tẻ là thủy hệ chính của Thành phố.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, cơ quan chức năng Thành phố ghi nhận chất lượng nước mặt ở hầu hết các khu vực cấp nước trên sông Sài Gòn và khu vực khác trên địa bàn Thành phố đang có chiều hướng suy giảm nghiêm trọng. Tác nhân gây ô nhiễm chủ yếu là chất hữu cơ và vi sinh.

Kết quả quan trắc từ năm 2011 đến 2015 cho thấy, các chỉ tiêu đánh giá môi trường tại các vị trí cấp nước của TPHCM (TSS, Coliform, E.Coli) đều không đạt tiêu chuẩn. Đáng lo ngại là trong năm 2015, toàn bộ các thông số thu được đều vượt ngưỡng cho phép rất nhiều lần.

Không chỉ ô nhiễm nguồn nước, chất lượng môi trường không khí tại TPHCM cũng đang là vấn đề cần đặc biệt quan tâm.

Theo Sở TN&MT TPHCM, môi trường không khí trên địa bàn Thành phố hiện nay ô nhiễm chủ yếu là do bụi lơ lửng và mức ồn do các hoạt động giao thông. Số liệu quan trắc được tại 10 vị trí giao thông trọng điểm cho thấy có đến 64,96% số liệu bụi quan trắc và 85,40% số liệu mức ồn vượt đã vượt quá quy chuẩn an toàn.

Cũng theo Sở TN&MT TPHCM, ngoài những vấn đề nêu trên, hiện nay nguồn tài nguyên rừng, biển, đa dạng sinh học tại Thành phố đang suy giảm do khai thác, sử dụng quá mức. Quá trình đô thị hóa làm tăng tỷ lệ bê tông gây suy thoái và ô nhiễm mặt đất, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người dân.

Về công tác quản lý, bảo vệ môi trường, trong giai đoạn 2011-2015, các cơ quan chức năng TPHCM đã tập trung hoàn thiện hệ thống quản lý nước thải, chất thải rắn; đầu tư, nâng cấp các cơ sở hạ tầng, khu xử lý chất thải tập trung để cải thiện môi trường…

Tuy nhiên, cơ quan chức năng TPHCM cũng nhìn nhận dù đã có nhiều nỗ lực nhưng việc bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố thực tế vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại.

Trong đó, số lượng cán bộ môi trường cấp thành phố còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu khối lượng công việc. Một số lãnh đạo địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, phó mặc trách nhiệm cho Thành phố.

Bên cạnh đó, Thành phố cũng chưa hoàn chỉnh mạng lưới quan trắc chất lượng các thành phần môi trường. Nhiều dự án môi trường cấp bách như: nạo vét kênh Rạch Dừa tại quận 12, công trình thủy lợi kênh Tam Tân chậm tiến độ triển khai.

Ngoài ra, lượng nước thải phát sinh từ sinh hoạt và sản xuất hiện chưa được thu gom và xử lý triệt để. Rác thải sinh hoạt hàng ngày hơn 7.000 tấn nhưng biện pháp xử lý chủ yếu vẫn là chôn lấp... ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường Thành phố.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp cấp bách nhằm khắc phục, kéo giảm mức độ ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thành phố.

Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới Thành phố cần tập trung chỉ đạo các ban, ngành, quận huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường; có chế tài xử phạt đủ mạnh để ngăn ngừa, xử lý nghiêm các cơ sở có hành vi gây ô nhiễm.

Bên cạnh đó, cần đưa nội dung bảo vệ môi trường vào quy hoạch, kế hoạch phát triển KTXH của địa phương. Các dự án, công trình đầu tư xây dựng mới bắt buộc phải thực hiện nghiêm các quy định bảo vệ môi trường.

Một số ý kiến lại cho rằng, Thành phố cần tăng cường đầu tư vào các dự án môi trường cấp bách, trọng điểm trên địa bàn, đồng thời phải có thêm cơ chế, chính sách ưu đãi để đẩy mạnh xã hội hoá, huy động các nguồn lực tham gia bảo vệ môi trường Thành phố…

Phan Hoàng

Top