Món quà âm nhạc tặng mẹ của nhạc sĩ Trần Long Ẩn

04/03/2019 5:18 PM

(Chinhphu.vn) - Không gì có thể thể hiện được tình cảm hiệu quả bằng một khúc hát chân tình, sâu sắc và ngọt ngào. Âm nhạc cũng là một món quà tuyệt vời mà nhạc sĩ Trần Long Ẩn dành tặng người mẹ trong ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn (thứ 2, bên trái) trong Lễ trao giải thưởng âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam (khu vực phía Nam) năm 2018. Ảnh - VGP/Bình Nguyên

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn còn có bút danh là Đoàn Công Nhân, sinh ngày 29/9/1943 ở Huỳnh Kim, Nhơn Hòa, An Nhơn, Bình Định. Năm 1966, ông từ quê nhà vào Sài Gòn học Đại học Văn khoa và tham gia phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”. Trong đó, tác phẩm Người mẹ Bàn Cờ do ông sáng tác là bài hát được quần chúng cả nước biết đến nhiều nhất. Ca khúc của Trần Long Ẩn vừa da diết tình cảm, vừa phảng phất tính triết học.

Một bước ngoặt trong đời, ngày 17/4/1972, Trần Long Ẩn cùng Nguyễn Văn Sanh rời Sài Gòn ra vùng giải phóng. Đối với ông, những năm tháng ở vùng giải phóng là khoảng thời gian quý báu, để lại nhiều kỷ niệm, ấn tượng sâu đậm. Ở chiến khu hai năm, đầu tháng 4/1974, Trần Long Ẩn được ra miền Bắc học tập.

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn chia sẻ, trước năm 1975, những sáng tác của ông còn non nớt về mặt kỹ thuật, ra miền Bắc mới  bắt đầu được học bài bản. Và sau ngày thống nhất, ông tiếp tục học đại học sáng tác tại Nhạc viện TPHCM, từ đó sáng tác càng dồi dào. Đến nay, Trần Long Ẩn có trên 100 tác phẩm, đáng chú ý có các bài: Tình đất đỏ miền Đông, Đàn sáo Hậu Giang, Đi qua vùng cỏ non, Một đời người một rừng cây, Đêm thành phố đầy sao, Xin làm người hát rong, Trên mảnh đất tình người…

Kỷ niệm không bao giờ quên, đó là cuối năm 1971, Trần Long Ẩn về thăm quê và người thân ở Bình Định, nhưng để giữ bí mật, ông không cho ai biết dự định ra vùng giải phóng của mình, kể cả người mẹ thân yêu. Sau đó mẹ anh đã tốn nhiều công sức, thời gian, kể cả tiền bạc đi tìm đứa con trai đi biệt tích, nhưng chẳng thấy tăm hơi. Sau ngày giải phóng, hai mẹ con mới gặp lại nhau.

“Mỗi mùa xuân sang mẹ tôi già thêm một tuổi, mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa mẹ càng gần…”, mỗi khi nghe được giai điệu bài hát Mừng tuổi mẹ của Trần Long Ẩn, chúng ta lại bồi hồi xúc động nhớ về mẹ - hình ảnh người mẹ tóc bạc phơ, da nhăn nheo, ánh mắt đau đáu trông về phía đàn con thơ. Với giai điệu bài hát nhẹ nhàng sâu lắng như lời tâm sự sâu kín, như tiếng ru hời của mẹ, như lời tâm tình gọi mời hãy trở về với quê hương xứ sở, hãy hát lên tiếng hát của chính con tim mình.

Hiện Trần Long Ẩn là Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chủ tịch Hội Âm nhạc TPHCM, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học, Nghệ thuật TPHCM. Ông cũng đã vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (2007), với cụm tác phẩm: Hát trên đường tranh đấu (1971), Tình đất đỏ miền Đông (1976), Một đời người một rừng cây (1981), Ba anh em người lính trẻ, Tín hiệu trái tim (1997).

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn hiện đã ngoài 70 tuổi, nhưng ông vẫn miệt mài giảng dạy, sáng tác. Người mẹ Bàn Cờ, Mừng tuổi mẹ hay ca khúc Hoàng hôn rơi vừa được ông sáng tác, thì hình ảnh người mẹ không chỉ là mạch nguồn cảm hứng bất tận trong dòng chảy âm nhạc mà còn là miền rung động sâu thẳm trong trái tim của mỗi người con có mẹ.

Cuối những năm 60 của thế kỷ 20, nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã cùng với các “nhạc sĩ sinh viên” như Trương Quốc Khánh, Tôn Thất Lập, Nguyễn Văn Sanh, Nguyễn Nam, Trần Nhật Nam ... cùng nhau xuống đường và “hát cho đồng bào tôi nghe”… Phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” đã lan ra các địa phương khác như Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, An Giang, Quy Nhơn, Đà Lạt, Phan Thiết...

Và không chỉ vang lên tại các địa phương trong nước, tiếng hát tranh đấu còn bay xa hơn, vượt ra khỏi Việt Nam, tạo làn sóng phản chiến mạnh mẽ, cuốn hút nhiều thanh niên trí thức tiến bộ ở nhiều nước trên thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân ta.

Bình Nguyên

Top