Nâng chất lượng nguồn nhân lực trước thềm hội nhập

05/09/2015 10:21 AM

(Chinhphu.vn) - Chỉ còn ít tháng nữa, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập, cho phép việc dịch chuyển lao động, dịch vụ, đầu tư, vốn và hàng hóa giữa 10 nước thành viên ASEAN diễn ra một cách tự do hơn.

Với thị trường lao động TPHCM, theo các chuyên gia, đang có hai “điểm nghẽn” và nếu chúng ta vẫn còn hững hờ thì cơ hội sẽ trôi đi, chỉ còn lại thách thức.

Lắp ráp hàng điện tử tại Công ty Nissei (ảnh chỉ mang tính minh họa) Ảnh: VIỆT DŨNG

Sẽ xáo trộn thị trường lao động

AEC cho phép tự do dịch chuyển lao động thuộc 8 ngành nghề: Nha sĩ, bác sĩ, điều dưỡng, kiến trúc, kỹ sư, kế toán, giám sát viên và du lịch. Ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm WTO TPHCM (Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM), nhận xét: Tuy chỉ chiếm số lượng rất nhỏ (1%) trong tổng số lực lượng lao động, nhưng 8 nhóm ngành nghề trên là những công việc có mức lương cao. Nếu không đáp ứng được yêu cầu, lao động Việt Nam có thể “thua” ngay trên sân nhà bởi những lao động có kỹ năng, có ngoại ngữ, có tác phong chuyên nghiệp từ nước ngoài tràn vào. Điều đó đồng nghĩa, những việc làm béo bở, có mức lương cao sẽ bị mất vào người lao động nước ngoài. Ngược lại, các doanh nghiệp trong nước cũng có thể phải đối mặt với thách thức “chảy máu chất xám” khi lao động tay nghề cao của Việt Nam tự do di chuyển, sẵn sàng hướng tới các doanh nghiệp ở nước ngoài.

Một vấn đề khác cũng chưa được thật sự chú ý đến là tương lai của nhóm lao động có tay nghề trung bình và tay nghề thấp. Ông Phạm Bình An cho biết thêm, nhu cầu lao động có kỹ năng luôn tăng; lao động giá rẻ chỉ là lợi thế ngắn hạn, lợi thế sẽ không còn nếu không phát triển nhanh. Lao động Việt Nam có số lượng đứng thứ 3 trong khu vực và đang trong thời kỳ dân số vàng. Nhưng nếu qua thời kỳ dân số vàng (1970 - 2020) mà vẫn nghèo thì người lao động sẽ đối diện thực trạng già và… không giàu. Đây là bi kịch không ai mong muốn với bao bài toán an sinh xã hội đặt ra. Trong khi đó, điểm yếu của lao động Việt Nam lại… nhiều: Kỹ năng và tính kỷ luật yếu; tỷ trọng lao động có chuyên môn thấp; tính sáng tạo ở mức trung bình trong khu vực; ngoại ngữ kém; đào tạo đại học nặng về lý thuyết, kết nối với doanh nghiệp thấp (chỉ 3%)…

Theo nhiều chuyên gia, cơ cấu lao động TPHCM đang bị mất cân đối. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thảo (Đại học Kinh tế TPHCM) nhận định, nguồn nhân lực thành phố đang rơi vào tình trạng “đại học hóa”, không cân đối giữa đào tạo và sử dụng về trình độ, về ngành nghề. Theo Thạc sĩ Lưu Đình Vinh (Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM), năng suất lao động và kỹ năng lao động của người Việt Nam còn thấp. Hai hạn chế này là hai “điểm nghẽn” trong hội nhập.

Làm gì để tránh thua thiệt?

Dẫn chứng thực tế đang có tới 76% doanh nghiệp Việt Nam không biết và không hiểu gì về cộng đồng kinh tế ASEAN, ông Phạm Bình An cho rằng, thông tin về hội nhập đến với doanh nghiệp rất ít và không chuyên sâu; hiểu biết của chính quyền địa phương, của doanh nghiệp còn hạn chế. “Cơ hội không còn nhiều. Nếu vẫn đứng ngoài cuộc chơi thì… cơ hội trôi đi, thách thức còn lại”, ông Phạm Bình An cảnh báo.

Trước tình trạng đa số người dân lao động và cả các doanh nghiệp chưa biết nhiều đến AEC, ông Lưu Đình Vinh đề nghị, ngay lập tức cần tuyên truyền về AEC cho người dân thành phố, nhất là người lao động - chủ thể quan trọng nhất và chịu ảnh hưởng nhiều nhất của quá trình hội nhập. Tiến sĩ Hồ Bá Thâm, nguyên Trưởng ban Triết học - Chính trị học, Viện Nghiên cứu xã hội TPHCM, tin tưởng nếu doanh nghiệp, nhà nước cùng người lao động quyết liệt hơn trong tự thay đổi chính mình, vượt lên chính mình thì tình hình cạnh tranh nguồn nhân lực Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng sẽ tốt hơn, ít bị trả giá trên sân nhà và sân khách hơn. Vấn đề là có giải pháp nào? Theo TS Hồ Bá Thâm, trước mắt, cần tìm hiểu và tập hợp số nhân lực, người lao động đang thất nghiệp, nhất là người đã qua đào tạo cơ bản, để tập trung bồi dưỡng kỹ năng mềm, kỹ năng nghề nghiệp và cả ngoại ngữ trong một thời gian ngắn, giúp họ có thể tham gia thị trường lao động trong và ngoài nước. Đây là giải pháp nhanh nhất, tiết kiệm và đỡ lãng phí nguồn nhân lực nhất, giảm bớt tình trạng thất nghiệp và cũng dễ thực hiện nhất. TPHCM nói riêng và cả nước nói chung cần có giải pháp nâng cao năng suất lao động, giúp người lao động có khả năng cạnh tranh với lao động các nước. Giải pháp căn cơ là phải xây dựng nền giáo dục thực học.

Thạc sĩ Lưu Đình Vinh mong muốn, thành phố có những chương trình mang tính đột phá về việc dạy ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên; đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, giáo dục tinh thần hăng say lao động, có trách nhiệm và tự hào về nghề nghiệp của mình. Làm sao để mỗi học sinh, sinh viên ý thức được giá trị của con người được khẳng định qua những sản phẩm đóng góp cho xã hội chứ không phải là những tấm bằng. Với người học, cần xác định học để đi làm, trang bị cho mình vốn kiến thức, trình độ ngoại ngữ và kỹ năng cần thiết; người đang đi làm nên chủ động nâng cao trình độ, kỹ năng làm việc toàn diện hơn, tự tin tham gia thị trường lao động quốc tế.

Theo SGGP

Top