Nghệ sĩ bức xúc vì nạn vi phạm bản quyền âm nhạc

11/03/2023 9:24 PM

(Chinhphu.vn) - Ca nhạc sĩ Phạm Khánh Hưng, NSƯT Kim Tiểu Long và nhiều nghệ sĩ bức xúc khi nhiều năm trời để các bạn trẻ hát nhạc miễn phí nhưng khi các nghệ sĩ chia sẻ lại sản phẩm âm nhạc của mình trên kênh Youtube của mình lại bị cảnh báo “Vi phạm bản quyền”.

Nghệ sĩ bức xúc vì nạn vi phạm bản quyền âm nhạc - Ảnh 1.

Ca nhạc sĩ Phạm Khánh Hưng bức xúc vì câu chuyện bản quyền. Ảnh: TÁM SÀI GÒN

Bản quyền âm nhạc: Câu chuyện chung của nhiều nghệ sĩ

Ca nhạc sĩ Phạm Khánh Hưng là tuổi thơ của rất nhiều thế hệ yêu nhạc. Hơn 10 năm không hoạt động nghệ thuật ở Việt Nam nhưng ngày trở về anh vẫn được sự yêu mến của khán giả. Hàng loạt ca khúc do Phạm Khánh Hưng sáng tác nhanh chóng lọt vào những bảng xếp hạng uy tín. Anh nổi tiếng với những bản hit: Vì sao thế, Người ra đi vì đâu, Không cần phải hứa đâu em,…

Tuy nhiên mới đây, trong buổi ra mắt báo chí và khán giả ngày trở lại, khi được hỏi về câu chuyện bản quyền, ca nhạc sĩ Phạm Khánh Hưng rất bức xúc.

"Mười mấy năm nay tôi không làm youtube, tôi về Việt Nam chia sẻ nhạc của mình lên kênh youtube của chính mình Phạm Khánh Hưng official lại bị vi phạm bản quyền. Trời ơi, nhạc của tôi mà. Tôi vi phạm cái gì? Hỏi ra mới biết, người khác đã làm bản quyền nhạc của tôi rồi". Phạm Khánh Hưng cho biết sau khi trừ đi chi phí sản xuất, anh sẽ dành lợi nhuận từ âm nhạc để chung tay sẻ chia cùng những khó khăn của các nghệ sĩ lớn tuổi neo đơn …

Đại diện ca nhạc sĩ Phạm Khánh Hưng nhấn mạnh dù không muốn nhưng Phạm Khánh Hưng sẽ làm việc với luật sư để làm rõ chuyện bản quyền.

Liên quan đến câu chuyện bản quyền, trước đó, NSƯT Kim Tiểu Long cũng từng bức xúc vì bị "đánh gậy bản quyền".  Rất nhiều lần nam nghệ sĩ hát giao lưu cùng người hâm mộ nhưng những clip sau đó đều bị tắt hết tiếng, "mở lên thấy nhép miệng không". Karaoke anh tự làm nhạc, đưa lên youtube cũng bị cảnh báo vi phạm bản quyền.

Anh lấy ví dụ bài "Kiếp này kiếp sau" do ca nhạc sĩ Tô Tài Năng sáng tác, sau đó bán độc quyền cho anh. Nam nghệ sĩ nhấn mạnh anh không ngăn cấm các bạn trẻ hát nhưng điều anh bức xúc là nhạc nền đó là nhạc độc quyền của anh, anh đầu tư chỉnh sửa, cuối cùng anh hát lại bị cấm, báo vi phạm bản quyền. "Nhạc tôi phối tôi hát, hình ảnh của tôi cũng vi phạm luôn. Cuối cùng rồi tôi phải làm sao...", NSƯT Kim Tiểu Long chia sẻ.

Câu chuyện bản quyền không chỉ khiến ca nhạc sĩ Phạm Khánh Hưng, NSƯT Kim Tiểu Long bức xúc mà đã từng được nhiều nhạc sĩ phản ánh. Trước đó, năm 2021, nhạc sĩ Giáng Son từng bức xúc lên tiếng về chuyện mình bị "đánh gậy bản quyền" với ca khúc "Giấc mơ trưa" mà chính chị là tác giả. Chị khẳng định bản thân chị không ký độc quyền tác phẩm này cho bất cứ ai hay tổ chức nào.

Nghệ sĩ bức xúc vì nạn vi phạm bản quyền âm nhạc - Ảnh 2.

Luật sư Phan Vũ Tuấn - Đoàn Luật sư TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TPHCM

Quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng là quyền tài sản thuộc độc quyền của tác giả

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, Luật sư Phan Vũ Tuấn, Đoàn Luật sư TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TPHCM cho biết theo quy định của Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành (Luật SHTT), thì quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng là một trong những quyền tài sản thuộc độc quyền của tác giả.

Điều này có nghĩa là ai muốn biểu diễn, trình bày một ca khúc trước công chúng thì phải có nghĩa vụ xin phép tác giả hoặc người được tác giả ủy quyền. Ngoại trừ các trường hợp tác giả sáng tác theo hợp đồng (lao động, dịch vụ …) theo Điều 39 Luật SHTT hoặc chuyển nhượng quyền tác giả theo Điều 41 Luật SHTT, thì lúc này tác giả sẽ không đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả.

Đối với một hành vi xâm phạm quyền tác giả, chủ thể quyền tác giả có thể áp dụng biện pháp hành chính để yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước xử lý bằng các chế tài hành chính như phạt tiền, dỡ bỏ bản sao bản ghi âm, ghi hình vi phạm hoặc khởi kiện để yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm, bồi thường thiệt hại.

Tuy nhiên, theo như luật sư Phan Vũ Tuấn đã phân tích ở trên, để xác định một trường hợp biểu diễn tác phẩm đang thuộc độc quyền của người khác có phải là hành vi xâm phạm hay không đòi hỏi phải xem xét, đánh giá rất nhiều vấn đề có liên quan.

"Để các yêu cầu của mình được xem xét, người khởi kiện phải chứng minh được quyền của mình đối với tác phẩm, thông qua các hợp đồng đã ký kết với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả, chứng minh hành vi biểu diễn của người bị kiện là không hợp pháp và xâm phạm quyền lợi của mình. Khả năng thắng kiện hay không trong bất kỳ vụ kiện nào đều phụ thuộc vào quá trình chứng minh của các đương sự và đánh giá của thẩm phán giải quyết vụ án trên cơ sở các quy định pháp luật", Luật sư Phan Vũ Tuấn nói.

Huy Phạm

Top