Người dân có thể đặt lịch đi chợ qua tổng đài

19/07/2021 3:18 PM

(Chinhphu.vn) - Nhằm tiết kiệm thời gian, hạn chế việc tập trung đông người trong mùa dịch, chợ Bình Thới (Quận 11) triển khai mô hình “Tổng đài tự động đặt lịch đi chợ” để phục vụ người dân trên địa bàn.

Các quầy hàng của chợ Bình Thới được trang bị màn chống giọt bắn để đảm bảo an toàn. Ảnh: VGP/Nguyễn Kim

Hàng hóa dồi dào phục vụ người dân

Sau những ngày đóng cửa để thực hiện công tác phòng, chống dịch như khử khuẩn, xét nghiệm, truy vết …, một số chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM như chợ Bình Thới, chợ Phú Thọ (Quận 11), chợ Nguyễn Tri Phương (Quận 10) đã mở cửa hoạt động trở lại để phục vụ nhu cầu của người dân và giúp giảm áp lực cho các hệ thống phân phối.

Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, các chợ truyền thống kiểm soát chặt chẽ lượng người ra vào để đảm bảo an toàn. Nguồn hàng tại các chợ (đồ tươi sống, rau củ quả…) luôn dồi dào, đảm bảo chất lượng phục vụ nhu cầu của người dân trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội.

Việc số lượng đầu mối cung cấp hàng hóa những ngày qua bị hạn chế, quá trình vận chuyển khó khăn, do đó mức giá tại các chợ truyền thống cao hơn trước mùa dịch nhưng vẫn đảm bảo bình ổn để phục vụ người dân.

Trong sáng 19/7, lượng người đến chợ Bình Thới (Quận 11) khá đông nhưng các quầy hàng vẫn đa dạng hàng hóa, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng.

Trưởng Ban Quản lý chợ Bình Thới (Quận 11) Nguyễn Bá Tùng cho biết, chợ hoạt động từ 4h sáng 12h trưa, trong đó 4h đến 5h là khoảng thời gian các tiểu thương dọn hàng, từ 5h đến 11h là thời gian người dân đi chợ, sau 11h chợ không tiếp nhận người để tiến hành dọn dẹp, vệ sinh.

“Trong một thời điểm, chợ không tiếp nhận quá 100 người để kiểm soát và đảm bảo việc giãn cách. Trong mỗi thẻ đi chợ đều có mã QR, khi có vấn đề sẽ trích xuất dữ liệu, dễ dàng xác định được các đối tượng liên quan”, ông Tùng cho hay.

Khung cảnh mua bán tại chợ Phú Thọ (Quận 11), người dân và tiểu thương đều chấp hành nghiêm biện pháp phòng dịch. Ảnh: VGP/Nguyễn Kim

Chợ Bình Thới có tổng cộng gần 600 sạp hàng, đến thời điểm này còn gần 300 sạp hàng đang hoạt động. Chợ cũng áp dụng mô hình “ngày bán ngày nghỉ” để đảm bảo việc giãn cách trong mùa dịch.

“Việc mở cửa chợ truyền thống là hợp lý để giảm áp lực cho các siêu thị. Người dân vào chợ cũng được kiểm soát chặt nên mình cũng an tâm, nói chuyện thì thông qua màn chống giọt bắn”, anh Châu Văn Cường, tiểu thương chợ Bình Thới nói.

Tại chợ Phú Thọ (Quận 11), khoảng 10 tiểu thương đang duy trì hoạt động buôn bán để phục vụ người dân, chủ yếu là các mặt hàng tươi sống và rau củ quả. Theo ghi nhận, lượng người vào chợ chỉ rải rác và đều thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang.

Chợ Bình Thới kiểm soát chặt chẽ người ra vào chợ. Ảnh: VGP/Nguyễn Kim
Người dân được yêu cầu sát khuẩn trước khi vào chợ Nguyễn Tri Phương (Quận 10). Ảnh: VGP/Nguyễn Kim

Người dân có thể đặt lịch đi chợ qua tổng đài

Để đảm bảo an toàn, bên cạnh các biện pháp phòng, chống dịch như khai báo y tế, đo thân nhiệt, sát khuẩn, một số chợ truyền thống đưa ra những mô hình hiệu quả, phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh.

Tại chợ Bình Thới, theo kế hoạch trong ngày 20/7 sẽ triển khai mô hình “Tổng đài tự động đặt lịch đi chợ”. Thông qua số tổng đài 028 3622 2988, người dân có thể đặt lịch đi chợ để hạn chế thời gian xếp hàng.

“Đây là tổng đài tự động để bạn đặt lịch đi chợ nhằm hạn chế tập trung đông người và chỉ phục vụ người dân cư trú gần chợ. Hãy đi chợ gần nhà để hạn chế thời gian ra đường không cần thiết. Bạn cần đặt lịch hẹn và đến đúng giờ hẹn để được vào chợ mua hàng”, nội dung cuộc gọi của tổng đài.

Trong trường hợp chưa đăng ký số điện thoại, tổng đài thông tin “Bạn đang dùng số điện thoại gọi đến chưa đăng ký với chợ Bình Thới để vào chợ. Vui lòng dùng số khác mà gia đình bạn đã đăng ký với chợ để thực hiện cuộc gọi đặt lịch đi chợ. Nếu gia đình bạn chưa đăng ký số điện thoại để đi chợ, vui lòng liên hệ Ban Quản lý chợ theo số điện thoại 0902415829 để đăng ký. Xin cảm ơn”.

Theo đó, tổng đài sẽ xếp lịch từ 6h - 11h mỗi ngày, 10 phút/30 người. Số gọi trước xếp trước, lịch trong ngày đã đầy thì xếp qua ngày tiếp theo. Tổng đài chỉ xếp lịch cho những số điện thoại đã liên kết với Web quản lý, mỗi số di động được đăng ký đi chợ 2 ngày/lần. Người dân sau khi đăng ký thành công sẽ được tổng đài gửi tin nhắn xác nhận đến số di động.

Đặc biệt, tổng đài cho phép hủy lịch nếu lịch hẹn chưa hết hạn và tự động gọi nhắc nhở đi chợ trước 30 phút so với lịch.

Hàng hóa tại chợ truyền thống dồi dào để phục vụ người dân trong mùa dịch. Ảnh: VGP/Nguyễn Kim

Ông Nguyễn Bá Tùng - Trưởng Ban Quản lý chợ Bình Thới (Quận 11) cho biết, việc triển khai mô hình đặt lịch đi chợ qua tổng đài sẽ giúp người dân và phía Ban Quản lý tiết kiệm thời gian, công sức, đặc biệt đảm bảo việc giãn cách trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.

“Khi người dân đặt lịch, tổng đài sẽ thực hiện khai báo y tế, lưu trữ thông tin và xếp lịch cho người dân”, ông Tùng thông tin.

Theo Sở Công Thương TPHCM, trên địa bàn Thành phố có khoảng 50/237 chợ đang hoạt động. Hiện tại một số chợ truyền thống cũng triển khai mô hình bán trực tuyến như chợ Phú Lâm, chợ Minh Phụng, chợ Bình Tây, chợ Tân Hoà Đông, chợ Phước Thạnh…

Dự kiến, trong tuần sau, chợ Kiến Thành (quận Bình Tân), chợ Xã Tây (Quận 5), chợ Phú Định, chợ Minh Phụng (Quận 6), chợ Nhật Tảo (Quận 10), chợ Bà Lát, chợ Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh), chợ Hóc Môn (huyện Hóc Môn), chợ Cầu Kinh, chợ Ấp 3 (huyện Nhà Bè)… sẽ mở cửa hoạt động trở lại để phục vụ người dân.

Nguyễn Kim

Top