Nhà báo một thời, nghề báo một đời

23/06/2017 8:01 AM

(Chinhphu.vn) - Trong số nhật báo Anh ngữ Saigon Times (Saigon Times Daily) đầu tiên xuất bản ngày 2/10/1995 có một bức tranh biếm của cố họa sĩ nổi tiếng Chóe, ở góc dưới của trang 2 về nạn ngập nước trong thành phố với cái tựa “nghề mới” (new job).

Các nhà báo một thời và CTV (từ phải ): Trần Ngọc Châu, Võ Như Lanh (c), Trần Minh Đức (Ba Lãn), Huỳnh Quý, GS Lý Chánh Trung (C), Kim Hạnh, Dương Đình Thảo (c), Nam Đồng (kỷ niệm 15 năm báo Tuổi trẻ - 2/9/1990).

Đó là nghề “chèo xe” (không phải chèo ghe), rất buồn cười.

Hai mươi hai năm qua, nếu tranh biếm này đăng lại, thì, có khi còn “thời sự” hơn những cái “thời sự” hiện nay.

Nếu nhìn vào trang báo ngày 2/10/1995 và xem đó là một phiên bản của cuộc sống cách đây 20 năm thì mọi thứ đều như còn mới.

Tất nhiên, trên tờ Saigon Times Daily cuộc sống thường nhật bây giờ được phản ánh dưới nhiều phiên bản thú vị và chuyên nghiệp hơn.

Các đồng nghiệp trẻ cũng tự tin hơn. Ví dụ bây giờ họ tự viết tin bằng tiếng Anh, không cần biên tập viên Mỹ, Anh hay Úc hiệu đính nữa. Cách đây 22 năm, chúng tôi phải vất vả chạy xin phép để có người nước ngoài làm hiệu đính, vì sợ mình viết tiếng Anh chỉ có người Việt đọc và hiểu thôi (!). Trên trang nhất số Daily đầu tiên chủ tịch UBND TPHCM trong thư ngỏ có viết: “Người ta nói với tôi tiếng Anh của Saigon Times là Việt nam, không sao…” Ông đã khích lệ chúng tôi.

Bây giờ thì không ai còn bận tâm góp ý về “văn” nữa. Cái mà độc giả mong muốn muôn đời vẫn vậy: thông tin. Thật ra là sự thật. Còn ngôn ngữ vẫn chỉ là phương tiện chuyển tải mà thôi.

Gần đây, tôi có một đồng nghiệp người Mỹ là anh Eric Orlander, nguyên CFO của FBNC, từng làm việc ở Trung Quốc 20 năm, nhất định phải nhờ tôi đặt mua dài hạn dùm tờ Daily (và Weekly). Câu nói của anh: “Ở đây biết lấy tin ở đâu?”. Tôi tưởng anh khen, nhưng nghĩ mãi một lúc, mới biết anh chê báo chí mình nghèo. Lẽ ra 20 năm qua Việt Nam mình phải có nhiều hơn các tờ báo ngày tiếng Anh, chứ không phải chỉ có Saigon Times Daily và Vietnam News. Tuy vậy, khi đi máy bay thấy người nước ngoài cầm tờ Daily trên tay hoặc chăm chú đọc, thì tôi vẫn bất ngờ hạnh phúc, muốn khoe: “Tôi từng viết cho tờ báo này.” Và thật ích kỷ: mong Saigon Times Daily không có cạnh tranh. Và chúng ta vẫn cần nhiều hơn những tờ báo tiếng Anh trên mạng. Nhà báo cách mạng phải là nhà báo… mạng trong thời đại công nghiệp 4.0.

Năm ngoái, tại diễn đàn đầu tư nước ngoài do tạp chí Forbes tổ chức, CEO của Amata lên diễn đàn, nói: “Cách đây 20 năm chúng tôi rất được ưu đãi. Còn bây giờ người Việt Nam ngày càng thông minh hơn.” Chữ “thông minh” này cũng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dùng khi gặp các doanh nhân Mỹ khi ông thăm Hoa Kỳ cuối tháng 5 qua. Đại ý ông nhắc rằng doanh nhân Mỹ vốn rất thông minh, nên dù có đầu tư hay buôn bán với Việt Nam, thì dân Mỹ vẫn được hưởng lợi hơn. “Tôi hi vọng các bạn sẽ báo cáo với Tổng thống Trump như thế, để ông ấy yên tâm.”

Khi tờ Saigon Times Daily ra đời, mục đích đầu tiên không gì khác hơn là cung cấp thông tin về một thành viên chính thức mới của Asean, để thu hút dòng vốn nước ngoài như một trong những nguồn lực xây dựng đất nước sau nhiều năm dài chiến tranh và cấm vận.

Khi còn làm chủ tịch tỉnh, ông Nguyễn Xuân Phúc cũng thường đến thăm các nhà báo kinh tế tại Saigon Times Club (tức Câu lạc bộ doanh nhân Sài gòn thuộc Thời Báo Kinh tế Sài gòn) và đã sử dụng hiệu quả “nguồn lực” này khi tổ chức sự kiện xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam tại đây. Hôm đó các nhà đầu tư và nhà báo được mời một bữa trưa đặc sản Quảng Nam mà ông đã chở từ Hội An vào. Khu công nghiệp Điện Nam-Diện Ngọc thành công bây giờ có lẽ là một trong những quả ngọt từ nỗ lực lặng lẽ chân tình đó.

Nói đến “nguồn lực” lại nhớ Saigon Times Daily những ngày đầu: không hiểu sao vào tháng 10/1995 lại có nhiều khách hàng quảng cáo, kể cả các đồng nghiệp ở Bangkok Thái Lan như Bangkok Post và Thailand Times. Nhưng “khách hàng” mà tôi muốn cảm ơn khi nhớ lại thời “khởi nghiệp” gian nan của báo tiếng Anh là Ông Liu Ti - giám đốc văn phòng kinh tế và văn hóa Đài Bắc tại TPHCM. Ông đã vận động nhiều công ty Đài Loan đăng quảng cáo trên tờ Saigon Times Daily để chứng tỏ Đài Loan là nhà đầu tư số 1 vào Việt Nam lúc đó.

Cũng có chút kỷ niệm vui với bài “Thư ngỏ” trong số báo đầu mà tôi nhắc ở trên. Người viết là Chủ tịch TPHCM, sau này là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Ông đưa ra thông điệp về một thứ tiếng Anh dễ hiểu, có thể chuyển tải thông tin về Việt Nam ra thế giới. Trên thực tế, ông là “bạn đọc trung thành” của tờ Saigon Times Daily. Có lần, ông đã gọi tôi đến gặp để trao đổi về một từ tiếng Anh trong bản tin đề cập tới chủ trương của thành phố.

Tờ báo tiếng Anh đầu tiên của TPHCM sau năm 1975 là thành viên của Saigon Times Group - nhóm báo kinh tế và đối ngoại của thành phố lớn nhất nước - mà Tổng biên tập là cố nhà báo Võ Như Lanh. Anh là người cùng thời với các lãnh đạo thành phố lúc đó.

Mới đây có cuộc gặp của cựu nhân viên báo Tuổi Trẻ, tôi được mời phát biểu “ôn cố tri tân”, thì tôi chỉ nói: “Báo Tuổi Trẻ thành công nhờ không khí tranh luận nội bộ mà cố Tổng biên tập Võ Như Lanh tạo cảm hứng. Nhưng bây giờ tôi rất muốn tranh cãi với anh Lanh cũng không được… Ông chọn sự im lặng miên viễn rồi.”

Trước khi làm Tổng biên tập Saigon Times Group, anh Lanh là Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ. Ông là nhà báo luôn “bùng nổ” hoặc luôn biết cách thắp lên ngọn nến yêu nghề ở những người cộng sự. Tôi nhớ có lần tại cuộc họp báo hàng tháng tại Dinh Thống Nhất với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi mọi người phát biểu rằng Thủ tướng đã sâu sát chỉ đạo từng vụ việc tiêu cực báo chí nêu, thì anh Lanh đứng lên: Thưa Thủ tướng, việc chỉ đạo như thế là rất đặc biệt, nhưng tôi nghĩ Thủ tướng có rất nhiều việc lớn hơn về đường lối… Lúc đó, cố Thủ tướng cười nói đại ý: Tôi hiểu ý đồng chí Lanh, tôi sẽ sửa, nhưng với tình hình như hiện nay nếu Thủ tướng làm như vậy thì chỉ là làm “điển hình” để các cấp phải làm theo, phải thay đổi…

Sự thay đổi ghê gớm nhất của thời gian đã thổi tắt đi ngọn nến Võ Như Lanh cách đây hai năm.

Nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam, với vài dòng chữ này, tôi lại chỉ muốn thắp lên lại ngọn nến đó, để tưởng nhớ về một trong những đồng nghiệp, một nhà báo cách mạng với đúng nghĩa của tính từ này.

Hôm qua (19/6/2017) khi những đồng nghiệp cũ gặp nhau và đưa hình (post) buổi gặp lên facebook, thì có một lời bình (comment), của ai đó: “Chúc các nhà báo một thời.”

Và, tự nhiên, tôi đã viết ngay phản hồi: “Nhà báo một thời, nghề báo một đời.”

Thật ra câu này Tổng biên tập Võ như Lanh đã “tặng” tôi trong bữa tiệc tiễn tôi về hưu cách đây nhiều năm.

Hôm nay tôi vẫn viết đó, anh Lanh ơi!

Trần Ngọc Châu

Nguyên Phó Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn,
Phụ trách báo Anh ngữ Saigon Times

Top