Nhiều bất ổn tại khu đô thị ĐH Quốc gia TPHCM
(Chinhphu.vn) - An ninh bất ổn, trộm cắp lộng hành, mất vệ sinh môi trường… là những vấn đề đang được báo động tại khu đô thị ĐH Quốc gia TPHCM (ĐHQG).
Ông Nguyễn Công Mậu, Phó Bí thư Đảng ủy ĐHQG TPHCM cho rằng: Ngồi ngay hồ nước trước nhà điều hành ĐHQG có bảo vệ mà vẫn bị cướp xe gắn máy là không thể chấp nhận được. |
Nhiều bất ổn…
Theo báo cáo tại hội nghị về an ninh, trật tự tại khu đô thị ĐHQG TPHCM tổ chức ngày 24/3 vừa qua, hiện ở đây có gần 45.000 sinh viên, giảng viên, cán bộ nhân viên và bà con sinh sống, lao động và học tập (khoảng 2.000 hộ dân với khoảng gần 5.000 nhân khẩu).
Ngoài ra, xung quanh ĐHQG còn có các Trường ĐH Nông lâm TPHCM, Trường ĐH An ninh và Trường ĐH học Thể dục thể thao. Trong đó, có tới hơn 29.000 sinh viên, tuy nhiên có khoảng 2.000 sinh viên lưu trú tại các nhà trọ lấn chiếm trong khu vực. Dân cư ở các khu trọ này chủ yếu là tạm trú, làm nghề tự do, buôn bán thuộc diện phải di dời trong quy hoạch ĐHQG nên vấn đề vệ sinh môi trường, an ninh trật tự chưa được đảm bảo.
Theo Trung tâm Quản lý Phát triển đô thị ĐHQG, Khu đô thị được xây dựng trên diện tích 643,7 hecta tại Thủ Đức - Dĩ An theo mô hình một khu đô thị đại học hiện đại đầu tiên của cả nước. Thế nhưng đến nay diện tích các khu đất đã thu hồi mặt bằng nhưng chưa xây dựng công trình lại trở thành những khu hoang vắng như khu thể dục thể thao, khu các viện nghiên cứu, khoa y, khoa địa chất dầu khí, khoa kiến trúc xây dựng… Đây là những nơi dễ xảy ra cướp giật, trộm, cắp tài sản, sử dụng trái phép chất ma túy, tụ tập ăn nhậu gây mất mỹ quan, vệ sinh môi trường và an ninh trật tự.
Ông Trần Nam, Phó phòng Hành chính tổng hợp trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết hiện 1/2 đất của nhà trường bị dân cư chiếm ở, cho thuê nhà trọ và dẫn đến nhiều vấn đề như: trộm cắp đồ, các đối tượng trà trộn lôi kéo sinh viên bán hàng đa cấp, tội phạm cũng ẩn náu để hoạt động… nên sinh viên luôn cảm thấy bất an…
Trong khi đó, khu vực Trường ĐH Kinh tế Luật không những xảy ra cướp giật mà còn có hiện tượng những kẻ biến thái “khoe hàng”, bảo vệ không thể nào can thiệp kịp thời. Đại diện Trường ĐH Kinh tế Luật cho rằng, đường vành đai đi từ ký túc xá đến trường rất xa mà không có đèn đường là nguyên nhân chính dẫn đến những sự việc trên.
Còn theo đại diện Công an Phường Linh Trung, Quận Thủ Đức, trên địa bàn có 22.000 người cư trú, trong đó 95% là sinh viên. “Trong năm qua phường có 56 vụ trộm cắp thì trong đó 1/3 xảy ra ở khu phố 6: cướp tài sản, cướp xe gắn máy ngay tại trụ thẻ ATM của Thư viện Trung tâm, cướp xe ngay trước tòa nhà Điều hành ĐHQG. Khu vực tuy gắn camera nhưng chưa hoạt động được” đại diện Công an phường Linh Trung cho biết.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Tại hội nghị, các đại biểu dự cho rằng cần có nhiều biện pháp đồng bộ để tìm hướng khắc phục tình trạng phức tạp về an ninh ở khu đô thị ĐHQG. Đại úy Phạm Mạnh Cường, Đội phó đội phong trào, Công an Thị xã Dĩ An (Bình Dương) cho rằng công tác giáo dục tư tưởng, sàng lọc để sinh viên có sức “đề kháng” tốt để phòng ngừa trước các hiện tượng tiêu cực về tư tưởng, an ninh là điều cần làm trước tiên. Ngoài ra, cũng nên tiến hành xã hội hóa việc gắn camera để khi có sự vụ thì có cơ sở dữ liệu để cơ quan công an điều tra.
Về phía ĐHQG TPHCM, ông Nguyễn Công Mậu, Phó Bí thư Đảng ủy cho rằng: “Để xảy ra những bất ổn trên, các bên có liên quan cần nhanh chóng họp, kiểm điểm xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, việc trộm cắp ngay trong khuôn viên thư viện, ngồi ngay hồ nước trước Nhà điều hành ĐHQG có bảo vệ mà vẫn bị cướp xe gắn máy là không thể chấp nhận được”.
PGS-TS Nguyễn Kim Quang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên cho rằng, thực trạng mất an ninh, trộm cắp, mất vệ sinh môi trường… tồn tại trong môi trường giáo dục là đáng lo ngại. “Nếu sinh viên không có “sức đề kháng” tốt thì sẽ bị tác động không tốt đến các tri thức trong tương lai. Tuy nhiên, thực trạng của Khu đô thị ĐHQG đan xen và giáp ranh với nhiều địa bàn muốn có giải pháp căn cơ và triệt để thì phải có các cấp cao hơn cùng phối hợp thì mới hiệu quả”, ông Quang nói.
Nguyên Nguyễn