Nhiều khó khăn, thách thức trong quy hoạch, quản lý đất đai tại TPHCM

14/05/2024 3:00 PM

(Chinhphu.vn) - Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, Thành phố đã tập trung thực hiện quy hoạch sử dụng đất; thực hiện chuyển đổi số trong quản lý đất đai; đổi mới công tác tài chính đất đai; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất… Tuy nhiên, với nhiều khó khăn, thách thức cả khách quan, lẫn chủ quan, công tác này vẫn còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao.

Nhiều khó khăn, thách thức trong quy hoạch, quản lý đất đai tại TPHCM- Ảnh 1.

Các đồng chí chủ trì Hội thảo - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Ngày 14/5, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Thành ủy TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học "Quản lý đất đai trên địa bàn TPHCM: Thực trạng và giải pháp".

GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Trưởng Tiểu ban Kinh tế, Hội đồng Lý luận Trung ương; ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM và ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì hội thảo.

Hội thảo nhằm góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về "tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" và Luật Đất đai 2024.

Theo GS.TS Tạ Ngọc Tấn, trong suốt quá trình đổi mới, Đảng ta đã không ngừng phát triển nhận thức về tầm quan trọng của đất, về yêu cầu hoàn thiện quản lý khoa học và sử dụng đất hiệu quả trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Những quan điểm, chủ trương, định hướng về giải quyết vấn đề đất đai trong các nghị quyết của Đảng đã từng bước được hoàn thiện, thể chế hóa và cụ thể hóa phù hợp với đòi hỏi thực tiễn của từng giai đoạn xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Nhiều khó khăn, thách thức trong quy hoạch, quản lý đất đai tại TPHCM- Ảnh 2.

Theo GS.TS Tạ Ngọc Tấn, ở nhiều nơi, việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; tệ tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai chậm được đẩy lùi - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Theo đó, chính sách, pháp luật về đất đai đã có nhiều đổi mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn, từng bước tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý và sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả hơn…

Nguồn lực đất đai được khai thác, sử dụng hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường; góp phần giải quyết những vấn đề xã hội, tạo sự bình đẳng hơn giữa các chủ thể sử dụng đất.

Nguồn lực đất đai ngày càng được quản lý, sử dụng phù hợp với phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần to lớn vào phát triển đất nước nói chung và từng địa phương trong đó có TPHCM nói riêng.

Tuy nhiên, GS.TS Tạ Ngọc Tấn nhìn nhận, thực tiễn phát triển đất nước nói chung và tại TPHCM nói riêng những năm qua cho thấy, ở nhiều nơi, việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; tệ tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai chậm được đẩy lùi, thậm chí gia tăng; số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều và phức tạp; thị trường bất động sản phát triển thiếu lành mạnh, chưa bền vững và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; đất đai vẫn chưa được khai thác, sử dụng thực sự hiệu quả để trở thành nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước...

Vì vậy, mục đích của Hội thảo lần này nhằm đánh giá khách quan thực trạng công tác quản lý đất đai ở TPHCM trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ Thành phố; chỉ rõ thành tựu, hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân và đề xuất kiến nghị giải pháp hoàn thiện.

Nhiều khó khăn, thách thức trong quy hoạch, quản lý đất đai tại TPHCM- Ảnh 3.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Hồ Hải, nhiều khó khăn, thách thức cả khách quan, lẫn chủ quan nên công tác quy hoạch, quản lý đất đai trên địa bàn vẫn còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Công tác quản lý, sử dụng đất luôn được TPHCM quan tâm

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Hồ Hải, TPHCM là một đô thị đặc biệt, là trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội của khu vực và của cả nước. Diện tích tự nhiên của Thành phố là 2.095 km2; chiếm 0,63% diện tích của cả nước và dân số tính cả thường trú và tạm trú khoảng gần 14 triệu người với mật độ dân số cao nhất cả nước. Do đó, công tác quản lý và sử dụng đất đai luôn được Đảng bộ và chính quyền Thành phố luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thường xuyên, liên tục.

Theo đó, Thành ủy TPHCM đã ban hành Chương trình hành động số 38 để thực hiện Nghị quyết số 18; UBND Thành phố triển khai thực hiện Đề án "Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TPHCM".

Thành phố cũng đã tập trung thực hiện quy hoạch sử dụng đất; thực hiện chuyển đổi số trong quản lý đất đai; đổi mới công tác tài chính đất đai; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất… Tuy nhiên, với nhiều khó khăn, thách thức cả khách quan, lẫn chủ quan, công tác này vẫn còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao.

Vì vậy, ông Nguyễn Hồ Hải bày tỏ, trong quá trình triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, Thành phố luôn mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, tạo điều kiện của Trung ương, sự hỗ trợ kịp thời của các bộ, ban, ngành và các tỉnh, thành phố bạn.

Tại hội thảo, các đại biểu, các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học thảo luận, đánh giá những thành tựu, hạn chế, rút ra nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm về công tác quản lý đất đai.

Đồng thời kiến nghị, đề xuất các phương hướng, giải pháp, góp phần đưa ra các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đất đai và quản lý đất đai phù hợp phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong tình hình mới.

Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM nhìn nhận, trong quy hoạch của Thành phố, cần có thêm đất cho công viên, cây xanh và quản lý tốt hành lang sông Sài Gòn. Các khu công nghiệp lạc hậu trước đây cũng cần chuyển hướng sang phát triển công nghệ cao, công nghệ xanh".

Ngoài ra, bà Thảo cũng cho rằng Thành phố cần tăng cường quản lý đất đai theo hướng số hóa, công khai, minh bạch. Các cơ quan, đơn vị cần tăng cường kiểm soát quyền lực trong quản lý đất đai, gắn liền với thanh tra, kiểm soát để tránh vấn đề tham nhũng, lãng phí.

Còn PGS.TS Phùng Quốc Hiển, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng việc sử dụng, phân loại đất đai tại TPHCM đang bị mất cân đối và thiếu cân bằng. Thành phố đang thiếu đất cho giao thông, nhà ở xã hội, y tế, giáo dục, công nghiệp công nghệ cao, thiếu dự án lớn để tạo điều kiện bứt phá.

Anh Thơ

Top