Nhiều trường đại học ở TPHCM đưa ra phương thức tuyển sinh
(Chinhphu.vn) - Ngay sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, mùa tuyển sinh đại học (ĐH) chính thức bắt đầu. Cùng với kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT, ngày càng có nhiều trường và thí sinh tìm kiếm thêm các phương thức xét tuyển phù hợp khác để có cơ hội vào đại học, đúng năng lực và mục tiêu phát triển cá nhân.

ĐH Hoa Sen đưa ra 4 phương thức xét tuyển trong kỳ tuyển sinh 2025. Ảnh: VGP/MT
Thạc sĩ Đoàn Ngọc Duy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen cho biết: "Kỳ thi tốt nghiệp là một phương thức đánh giá toàn diện năng lực học tập của các em học sinh trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, trong nhiều năm qua các trường ĐH đã có thêm nhiều phương thức xét tuyển như điểm đánh giá năng lực, kết quả học bạ…Điều này giúp các em học sinh tìm được phương thức xét tuyển phù hợp với mình. Việc chọn ngành học hay trường học không chỉ dựa vào điểm thi, mà còn là sự chủ động nhận diện khả năng và ước mơ của bản thân".
Theo Thạc sĩ Đoàn Ngọc Duy, nhiều trường đã chủ động triển khai xét tuyển đa phương thức, giúp người học có nhiều lựa chọn vào ĐH.
Ngay sau khi có kết quả kỳ thi tốt nghiệp PTTH năm 2025, ĐH Hoa Sen đưa ra 4 phương thức xét tuyển gồm: Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 2025; Xét học bạ THPT; Xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM và ĐH Quốc gia Hà Nội; Xét tuyển theo kết quả học tập kết hợp phỏng vấn hoặc theo đề án riêng.
Điểm sàn theo phương thức xét tuyển kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ở mức từ 15-17 điểm; điểm sàn theo phương thức xét tuyển kết quả học bạ Trung học phổ thông: 18 điểm trở lên với 3 hình thức xét điểm: Xét tuyển trên Kết quả học bạ 3 học kỳ Trung học phổ thông; xét tuyển trên Kết quả Học bạ Trung học phổ thông theo tổ hợp 3 môn và xét tuyển trên Kết quả học bạ 6 học kỳ Trung học phổ thông
Điểm sàn theo phương thức Điểm thi Đánh giá năng lực ĐH Quốc Gia TPHCM: 600 điểm và ĐH Quốc gia Hà Nội đạt từ 67 điểm (Điểm quy đổi về thang điểm 30 của Bộ GD&ĐT là 15 điểm) và điểm sàn xét tuyển bằng hình thức phỏng vấn cùng Hội đồng ngành, phương thức tuyển thẳng do trường Đại học Hoa Sen quy định đạt từ 18 điểm trở lên (thang điểm 30).
"Trường không còn là nơi "xét tuyển - giảng dạy - tốt nghiệp" theo lối mòn, mà trở thành không gian học tập sáng tạo, có sự kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp, hội nghề nghiệp và các đối tác quốc tế. Nhà trường chú trọng chất lượng đào tạo, trải nghiệm học tập và khả năng thích ứng nghề nghiệp - những yếu tố quyết định thành công của người học trong tương lai", Phó Hiệu trưởng Đoàn Ngọc Duy cho biết.

Điểm sàn năm nay của ĐH Nguyễn Tất Thành không chênh lệch nhiều so với năm 2024. Ảnh: VGP/MT
Phương thức xét tuyển đa dạng: Nhiều cơ hội cho các em học sinh
Còn tại ĐH Nguyễn Tất Thành, điểm sàn năm nay không chênh lệch nhiều so với năm 2024. Cụ thể, ngành Y khoa và Răng Hàm Mặt có mức điểm sàn là 22 điểm theo phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT, 23 điểm theo phương thức xét tuyển học bạ. Bên cạnh đó, với phương thức xét tuyển điểm thi đánh gia năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM và Hà Nội cũng ghi nhận ở mức từ 600 điểm đến 650 điểm và 75 điểm đến 85 điểm ở cả 2 ngành học này.
Ngoài ra, trong nhóm ngành sức khỏe còn các mức điểm sàn như: 21 điểm theo phương thức xét tuyển điểm thi đánh giá năng lực đối với ngành Dược học và Y học cổ truyền, hai ngành này cũng có mức điểm sàn theo phương thức xét tuyển học bạ THPT là 22 điểm.
Riêng điểm phương thức xét tuyển điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM và Hà Nội cũng ghi nhận mức điểm lần lượt là 570 điểm và 70 điểm. Các ngành còn lại thuộc khối sức khỏe như Y học dự phòng, Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng cũng có các mức điểm sàn là 19 điểm cho phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT và học bạ, 550 điểm cho phương thức xét tuyển điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM và 70 điểm đối với bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội.
Riêng 2 ngành Luật và Luật kinh tế mức điểm sàn là 18 điểm cho phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT và 18.5 điểm cho phương thức xét tuyển học bạ.
Các ngành còn lại của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có mức điểm sàn là 15 điểm cho phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT và 18 điểm cho phương thức xét tuyển học bạ, 550 điểm cho phương thức xét tuyển điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM và 70 điểm đối với bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội.
TS.Trần Ái Cầm, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng khuyên các em cũng cần tỉnh táo và cân nhắc kỹ trong việc chọn ngành, chọn trường. Đừng chỉ chạy theo xu hướng, mà hãy ưu tiên ngành nghề phù hợp với năng lực, đam mê và xu hướng phát triển của xã hội. Đồng thời, đặt nguyện vọng 1 vào các ngành và trường mình yêu thích để đảm bảo cơ hội trúng tuyển sớm nhất.

Đông đảo thí sinh, phụ huynh đến HIU tìm hiểu cách thức đăng ký xét tuyển vào HIU, sáng ngày 17/7. Ảnh: VGP/MT
Ngày 16/7, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (HIU) cũng công bố điểm sàn xét tuyển đối với các phương thức xét tuyển.
Cụ thể, đối với phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và phương thức xét tuyển kết hợp giữa điểm thi tốt nghiệp THPT với học bạ lớp 12 (1 môn học bạ + 2 môn thi tốt nghiệp THPT) là 15 điểm, áp dụng xét tuyển cho tất cả các ngành đào tạo bậc đại học chính quy thuộc các nhóm ngành
Nếu xét bằng kết quả học bạ, thí sinh phải có tổng điểm trung bình ba môn ở lớp 12 đạt 18 điểm (tổng tổ hợp 3 môn lớp 12) hoặc trung bình cả năm lớp 12 đạt từ 6 điểm trở lên. Với phương thức thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM hoặc V-SAT, trường nhận hồ sơ từ 15 điểm (quy đổi về thang điểm 30).
Riêng các ngành thuộc khối Sức khỏe, ngưỡng điểm đầu vào xét học bạ theo tổ hợp 3 môn đối với ngành Y khoa, Răng - Hàm - Mặt là 24 điểm (yêu cầu học lực giỏi); Y học cổ truyền, Dược từ 22,5 điểm (yêu cầu học lực giỏi) và các ngành còn lại từ 19,5 điểm (yêu cầu học lực khá) bao gồm: Điều dưỡng, Hộ sinh, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Kỹ thuật hình ảnh y học; từ 18 điểm (không ràng buộc học lực) cho 2 ngành: Dinh Dưỡng, Y tế công cộng.
Có thể thấy rõ xu hướng chung của giáo dục ĐH hiện nay, tuyển sinh không còn là cuộc đua điểm số đơn thuần, mà là quá trình đánh giá tổng hòa giữa năng lực, mục tiêu học tập và chiến lược phát triển cá nhân của người học. Các trường ĐH ngày nay chủ động xây dựng một hệ sinh thái giáo dục toàn diện, từ tuyển chọn, đến đồng hành cùng người học trong suốt quá trình học tập.
Minh Thi