Nhóm ngành trọng yếu đã có đơn hàng cho cả năm

13/07/2021 12:00 PM

(Chinhphu.vn) - Bất chấp dịch bệnh, tổng sản phẩm trên địa bàn TPHCM 6 tháng đầu năm 2021 ước tăng 5,46% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này chủ yếu đến từ sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, giúp nối lại chuỗi sản xuất cho các nhóm ngành trọng yếu của Thành phố.

Bất chấp dịch bệnh, Bidrico xuất khẩu thành công sản phẩm nước giải khát vào thị trường Nhật Bản. Ảnh: VGP/Băng Tâm

Đơn hàng nhiều

Ngay trước thời điểm TPHCM ghi nhận ca nhiễm đầu tiên trong đợt dịch thứ 4 thì Công ty CP Gỗ Đức Thành làm thủ tục xuất khẩu nhiều lô hàng gỗ đi châu Âu. Đến thời điểm đó, doanh nghiệp đã hoàn thành trên 70% kế hoạch đơn hàng của cả năm 2021. Bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch HĐQT Gỗ Đức Thành cho biết, công ty đang làm không hết việc do đã nhận nhiều đơn hàng xuất khẩu và lúc này chủ động ngưng nhận thêm đơn hàng mới.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) tự tin nói đến việc xuất khẩu thành công sang các thị trường khó tính. Tháng 3/2021, lần đầu tiên Bidrico xuất khẩu các dòng sản phẩm nước giải khát vào thị trường Nhật Bản và đang duy trì kim ngạch khoảng 70.000 USD/tháng. Vì vậy, trong bối cảnh thị trường nội địa bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, doanh nghiệp vẫn đang tăng trưởng tốt nhờ đơn hàng xuất khẩu.

“Những thị trường khó tính như Nhật Bản khi đã kết nối thành công thì chúng tôi nhất định phải giữ. Lúc này dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng cũng phải tổ chức sắp xếp để duy trì sản xuất, giữ đơn hàng”, CEO của Bidrico chia sẻ và cho biết ngoài việc viên tuân thủ 5K như một quy tắc bắt buộc với tất cả cán bộ nhân viên thì doanh nghiệp chủ động thực hiện test nhanh cho người lao động.

Kể từ khi làn sóng dịch thứ 4 bùng phát, Bidrico đã 5 lần tiến hành test nhanh cho người lao động nhằm tầm soát, phát hiện sớm nếu có ca nhiễm trong công nhân. “Chúng tôi test nhanh luân phiên các bộ phận, trong đó đặc biệt tăng tần suất test nhanh với nhóm nhân viên thị trường. Khu vực sản xuất đã có sự phân chia, hướng dẫn bộ phận nào làm việc tại khu vực của mình, tuyệt đối không tiếp xúc với các bộ phận khác. Nhà xưởng phun khử khuẩn hàng ngày… Tất cả nhằm giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm, giữ nhịp sản xuất”, ông Hiến cho biết.

Duy trì sản xuất để không đánh mất thị trường

Cơ khí cũng đóng góp vào con số tăng trưởng 11,7% bốn nhóm ngành trọng yếu của TPHCM trong những tháng đầu năm 2021.

Ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội Cơ khí Thành phố, đồng thời là Chủ tịch HĐTV Công ty Cơ khí Duy Khanh cho biết, hiện có 70% doanh nghiệp hội viên đã triển khai phương án cho công nhân ăn, ở, sản xuất tại chỗ, hạn chế thấp nhất người lao động đi lại.

Tại Công ty Cơ khí Duy Khanh, ông Đỗ Phước Tống chia sẻ, những ngày này công ty xác định phương châm “mỗi người hãy nhìn người khác như một F0 chưa được phát hiện để giữ khoảng cách”. Theo đó, công ty đã thực hiện biện pháp nhận diện công nhân ra vào nhà máy thành hai nhóm: Nhóm ở lại công ty sẽ được mang thẻ xanh (60% công nhân ở lại nhà máy), nhóm đi - về mỗi ngày sẽ mang thẻ vàng và thẻ đỏ. Để bố trí cho công nhân ở lại nhà máy, Duy Khanh cũng như hơn 200 doanh nghiệp ngành cơ khí của Thành phố đang phát sinh thêm chi phí phòng dịch. Tuy nhiên, theo ông Tống, chi phí bỏ ra lúc này không phải là vấn đề nghiêm trọng, nỗi lo lớn nhất là để lây nhiễm trong nhà máy dẫn đến ngưng sản xuất.

Ngành này đóng góp khoảng 3% vào GRDP của Thành phố, doanh số chưa lớn, nhưng theo ông Đỗ Phước Tống, những năm qua các doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực đổi mới công nghệ, sản phẩm, tìm kiếm khách hàng nên đến nay cơ bản đã tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều đơn vị hiện đang làm hàng khuôn mẫu kỹ thuật cao, các linh kiện cho nhà máy và đang chạy đua sản xuất để kịp đơn hàng cho nhà nhập khẩu nên bây giờ nếu để đứt gãy thì đối tác sẽ chuyển hướng sang các quốc gia khác, rất khó kết nối lại.

“Những khách hàng từ Mỹ, châu Âu (EU), Nhật, Hàn Quốc rất quan trọng, bằng giá nào cũng phải giữ, như vậy thì phải duy trì sản xuất”, ông Tống nhấn mạnh.

Cùng quan điểm tận dụng sự phục hồi của các thị trường lớn, các doanh nghiệp thuộc Hội Dệt May Thêu Đan TPHCM đang liên kết, sẵn sàng chia sẻ đơn hàng để các hội viên kịp thời giao hàng cho đối tác. Trong 6 tháng đầu năm, dệt may đứng thứ 3 về giá trị kim ngạch xuất khẩu của Thành phố, đạt 1,6 tỷ USD.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TPHCM cho biết, tăng trưởng xuất khẩu thời gian qua là nhờ đơn hàng đến từ các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản. Trong 6 tháng đầu năm nay, các thị trường này phục hồi ở những sản phẩm phổ thông như quần tây, áo thun, sơ mi, trong khi những mặt hàng thời trang, áo vest lại giảm. Đây là điểm khác biệt về nhu cầu thị trường so với trước dịch.

“Một số thị trường cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam cũng đang đối mặt với dịch bệnh, nhà máy của họ đóng cửa nên đơn hàng dịch chuyển về Việt Nam. Đến quý III, đơn hàng tương đối và một số doanh nghiệp đã ký đơn hàng cho quý IV”, ông Hồng cho biết.

Cuối tháng 5, đợt dịch thứ 4 bắt đầu tác động đến hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố. Tuy nhiên, các thành viên của Hội Dệt May Thêu Đan đã sớm có phương án hỗ trợ, chia sẻ đơn hàng để đảm bảo kịp thời gian giao hàng. Ngay thời điểm quận Gò Vấp giãn cách theo theo Chỉ thị 16, các doanh nghiệp trong Hội đã có phương án hỗ trợ sản xuất cho các đơn vị như X28, X22 trong quận Gò Vấp.

Để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, Sở Công Thương TPHCM đề xuất lãnh đạo TPHCM nghiên cứu thành lập 7 trung tâm logistics tại Long Bình, Cát Lái, Linh Trung, Khu Công nghệ cao, Tân Kiên, Hiệp Phước, Củ Chi với tổng diện tích 623 ha để tăng cường kết nối tỉnh, thành, nhằm nâng cao năng suất trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu. Đồng thời làm trung tâm phân phối, hỗ trợ cho hệ thống bán lẻ và Thương mại điện tử nội thành, kéo giảm ùn tắc giao thông.

Ngoài ra, còn có 2 trung tâm logistics sẽ được rà soát, triển khai bổ sung gồm: Khu đất 150 ha ở xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn và khu đất 64 ha tại cảng Phú Định.

Băng Tâm

Top