Những nét độc đáo trong văn hóa Kiều
(Chinhphu.vn) - Cùng với các hoạt động kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du (1765-2015) đang diễn ra trên khắp cả nước, Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM phối hợp cùng Công ty CP Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam đã tổ chức tuần triển lãm về Nguyễn Du.
Truyện Kiều không chỉ là một kiệt tác văn chương được nhiều thế hệ người Việt yêu thích mà đã từ lâu đã trở thành một hiện tượng văn hóa dân gian.
Theo ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, hoạt động kỷ niệm có ý nghĩa rất quan trọng đối với không chỉ ngành xuất bản trong nước mà còn có ý nghĩa vinh danh văn hóa đọc, cái đẹp của ngôn ngữ, cũng như chiều sâu về tư tưởng của Đại thi hào Nguyễn Du. Các tác phẩm của ông có sức ảnh hưởng mạnh mẽ qua nhiều thế kỷ, mà đặc biệt là sức sống của Truyện Kiều thể hiện qua các nghiên cứu, biên khảo, chú thích của nhiều lớp học giả xưa và nay, như: Trần Trọng Kim, Tản Đà, Đào Duy Anh, Trương Tửu,…
Ông Lê Hoàng cho biết, hiện nay ở TPHCM cũng có nhiều bản sách nghiên cứu rất có giá trị về Nguyễn Du được lưu giữ bởi các nhà sưu tầm như Nguyễn Đình Đầu, Nguyễn Quảng Tuân, linh mục Nguyễn Hữu Triết hay nhà nghiên cứu Vũ Hà Tuệ. Tất cả các bản sách này đều được giới thiệu tại tuần lễ và mở cửa tự do cho công chúng yêu sách tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM.
“Thủ tướng Chính phủ mới đây cũng đã chỉ đạo về ngày sách Việt Nam và riêng tại TPHCM thì cũng duy trì định kỳ hai năm một lần tổ chức hội sách cấp thành phố. Đặc biệt là tới đây thì chính quyền thành phố còn dành hẳn một con đường Nguyễn Văn Bình (Q.1) để xây dựng Đường sách thành phố. Tất cả đều thể hiện quyết tâm cũng như nỗ lực chung của đất nước trong khơi dậy truyền thống học hành và văn hóa đọc”, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho biết thêm.
![]() |
Tuần lễ triển lãm về đại thi hào Nguyễn Du đã thu hút sự quan tâm của giới học thuận, nghiên cứu tại TPHCM. Ảnh: VGP/Phương Dy |
Theo ông Bùi Xuân Đức, Giám đốc Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM, việc thư viện thành phố đứng ra đồng tổ chức tuần triển lãm kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du sẽ là dịp để đông đảo người yêu sách thành phố có dịp giao lưu, tham gia bình thơ, ngâm thơ và vịnh Kiều.
Ông Đức nhìn nhận, ý thức bảo tồn các giá trị văn hóa của tiền nhân, nhất là các sách vở xưa cũ đã được nhiều thế hệ người Việt coi trọng. Trong những năm gần đây, các tác phẩm của Nguyễn Du và đặc biệt là Truyện Kiều đã trở thành một phần không thể thiếu trong mỗi tủ sách gia đình. Nhiều CLB học thuật, bói Kiều, lẩy Kiều cũng đã trở thành một nét văn hóa thú vị, độc đáo.
Nhà nghiên cứu Phạm Đan Quế đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu các nét văn hóa độc đáo này với bài nói chuyện “Những nét độc đáo trong văn hóa Kiều”. Theo nhà nghiên cứu này, nét sáng tạo quý giá nhất của Truyện Kiều là ở chỗ, Nguyễn Du đã đưa tiếng mẹ đẻ vào văn chương thành văn rất tự nhiên, góp phần làm giàu cho ngôn ngữ thi ca nước Việt ở cuối thế kỷ XVIII. Nét văn hóa độc đáo ấy được gìn giữ và phát huy ngay cả khi chữ Hán đang ngự trị cho thấy rằng văn hóa Việt có một truyền thống văn hiến lâu đời và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, vượt qua sự đồng hóa hay ảnh hưởng tiêu cực của các văn hóa ngoại lai từ bên ngoài.
Ông Thanh Hoa, Chủ nhiệm CLB Sài Gòn Thi Hội (Trung tâm Văn hóa TPHCM) thì bày tỏ cảm nhận Truyện Kiều như là một cuốn tiểu thuyết kinh điển bằng thơ phản ánh con người, mối quan hệ giữa con người, hoàn cảnh và những xung đột xã hội thời cụ Nguyễn Du còn sống và trải nghiệm. Theo ông Hoa, tập thơ dù đã trải qua hơn hai trăm năm tồn tại, được cả dân tộc đón đọc, thưởng thức, bình phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng và cho đến nay vẫn còn sức sống vô cùng mạnh mẽ và thể hiện nhiều nét văn hóa truyền thống tinh tế, độc đáo và sáng tạo của người Việt qua tiến trình lịch sử.
Kéo dài từ ngày 17 đến hết 25/11, tuần triển lãm còn có các hoạt động như nói chuyện về “Những nét độc đáo trong văn hóa Kiều”; bình thơ, ngâm thơ vịnh Kiều; diễn trích đoạn “Thúy Kiều - Kim Trọng”...
Phương Dy