Những ngày không thể quên - Bài 1: Làm đủ cách để an dân

02/02/2022 2:19 PM

(Chinhphu.vn) - TPHCM những ngày này nhộn nhịp người ngược xuôi, cuộc sống đang hối hả trở lại khi tết đến, xuân về. Từ đỏ, cam, vàng và giờ là “vùng xanh” với phố phường đông đúc, thế nhưng, ký ức về những ngày “ai ở đâu ở yên đó” đã khắc sâu vào tâm trí mỗi người. Thành phố dần hồi sinh, người dân nương nhau đứng dậy, như cách đã làm mấy tháng trước đây.

Những ngày không thể nào quên: Bài 1 - Làm đủ cách để an dân - Ảnh 1.

Lãnh đạo Phường 28, quận Bình Thạnh luôn khuyến khích các khu phố, tổ dân phố bảo vệ “vùng xanh” trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp - Ảnh: VGP/Khởi Minh

"Mua giúp nhà tôi 5 ổ bánh mỳ, một ký bún tươi, một trái dừa cúng, giấy tiền vàng bạc cúng ông bà…". Hai ngày giáp tết Tân Sửu 2021, các thành viên trực chốt chống dịch tại Phường 28, quận Bình Thạnh thường xuyên nhận những tờ giấy nhờ đi chợ do người dân trong khu vực cách ly gửi ra. Tết năm đó, họ đón Giao thừa ngoài đường và kiêm luôn nhiệm vụ lo nhu yếu phẩm suốt hai tuần liền cho dân. Lý do là vì ngay ngày 27 tháng Chạp, trên địa bàn phường xuất hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, cũng là ca đầu tiên của quận. Thay vì đón xuân bên gia đình, tất cả lực lượng được huy động tham gia chống dịch, tìm mọi cách để an dân.

Khó mấy cũng lo

Ngồi trong phòng làm việc với đủ loại giấy tờ cần ký để sớm triển khai gói hỗ trợ mới cho các gia đình có F0, F1 trên địa bàn, ông Mai Quang, Chủ tịch UBND Phường 28, quận Bình Thạnh nhớ lại thời điểm cách đây một năm. Lúc đó, dù chỉ có một trường hợp nhiễm COVID-19 nhưng Phường 28 phải dăng giây phong tỏa với bán kính 100 mét, tổng cộng gần 500 hộ dân. Thay vì được vui chơi, thăm thú đó đây hay tụ tập bạn bè ngày tết, các hộ gia đình trong khu phong tỏa được yêu cầu chấp hành nghiêm quy định cách ly. Vì dân ở nhà 24/24 nên ai cần gì, bộ máy phục vụ công tác phòng chống dịch sẽ giúp tới cùng.

Giáp tết lại bị phong tỏa, nhiều gia đình chưa kịp sắm sửa gì. Thấy xót, ông Quang dặn dò từng thành viên túc trực tại các chốt tìm mọi cách hỗ trợ, không để dân bí bách vì thiếu nhu yếu phẩm. "Ggiao thừa năm ngoái là kỷ niệm đáng nhớ với tôi và nhiều cán bộ, nhân viên trong phường. Bốn chốt chặn được lập nhằm đảm bảo người dân chấp hành nghiêm các quy định cách ly. Tổ đi chợ giúp dân tiếp nhận các thông tin, cố gắng hết công suất đáp ứng nhu cầu thiết yếu. Anh em gọi về nhà báo sẽ đón tết tại cơ quan, nghe thương lắm nhưng biết sao được, dịch giã thì sự an toàn của người dân là trên hết. Mình sao cũng được nhưng cố gắng vun vén cho người dân khu phong tỏa cái tết bình an", ông Quang kể lại.

Năm ngoái, tết của gia đình ông Quang đến trễ 14 ngày. Vậy mà, được đâu mấy tuần bình yên, TPHCM bùng phát dịch đợt 4, mọi thứ lại vào guồng, cho đến tận bây giờ. Thế nhưng, chính kinh nghiệm cùng tinh thần cùng dân chống dịch suốt mùa Nnguyên đán trước đó đã giúp lãnh đạo Phường 28 bình tĩnh xử lý rốt ráo nhiều vấn đề phát sinh trong giai đoạn kế tiếp.

Khi dịch bệnh căng thẳng nhất, việc đảm bảo an sinh xã hội được địa phương này đặt lên hàng đầu bên cạnh giải pháp phủ vaccine rộng khắp. Chủ tịch UBND Phường 28, quận Bình Thạnh cho hay, cảm động nhất là dân thấu hiểu nên cùng sẻ chia: "Vì dân không thể đi đâu, nhiều người kinh tế khó khăn vô cùng nên cực mấy chúng tôi cũng tìm mọi nguồn để hỗ trợ bà con. Nhu yếu phẩm phải đủ thì bà con mới an tâm ở nhà, chung tay chống dịch. Mừng là dù dịch bệnh kéo dài, F0 rất nhiều nhưng bà con không phải chịu đói hay quá cùng cực. Điều chúng tôi tâm đắc nhất chẳng phải thành tích này kia mà ngay trong mùa dịch vẫn kịp làm đường, lo chuyện điện và nước sạch cho các hộ dân. Giờ thì mọi thứ đang dần ổn rồi, tết này sẽ an tâm hơn".

Với hơn 64.000 dân, phường Linh Trung, TP. Thủ Đức là một trong những địa phương chịu tổn thất nặng nề trong đợt dịch thứ 4. Ngày 30/5/2021, phường ghi nhận ca F0 đầu tiên. Tiếp theo đó là chuỗi ngày phong tỏa khó khăn chồng chất. Từ phong tỏa khu vực đến phong tỏa khu phố và sau cùng là phong tỏa nguyên phường, ai cũng lo. Ban đầu ngày vài ca, xong lên vài chục ca, cao điểm có ngày hơn 100 ca F0. Theo ông Trần Quốc Hưng, Chủ tịch UBND phường Linh Trung, cái khó lớn nhất trong giai đoạn cao điểm là cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân.

Ngay lập tức, 6 tổ mua thực phẩm giúp dân được thành lập tại các khu phố. Thông qua các nhóm Zalo kết nối từng hộ, người dân đặt đơn và nhận hàng ngay tại cửa nhờ sự hỗ trợ của các tình nguyện viên. Riêng khu phố 6 và đường 18 khu phố 5 còn có thêm hệ thống chợ lưu động vì ở đây không có siêu thị hay cửa hàng tiện lợi. "Lúc dịch lên cao điểm, người dân phải ở nhà trong thời gian dài, điều tôi sợ nhất là dân bị đói. Một người dân không có gạo ăn, không có thức ăn là lỗi của chính quyền. Vậy nên, ngoài chính sách chung, phường tìm đủ cách vận động các nơi để có thêm nguồn nhu yếu phẩm hỗ trợ bà con. May mắn là rất nhiều người chung tay, chúng tôi lo được cho người dân khá đủ đầy", ông Hưng cho biết.

Những ngày không thể nào quên: Bài 1 - Làm đủ cách để an dân - Ảnh 2.

Phường Linh Trung, TP. Thủ Đức tìm mọi cách để đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm trong suốt đợt giãn cách xã hội cho người dân - Ảnh: VGP/Khởi Minh

Sát sao chống dịch

Là phường đầu tiên của TP. Thủ Đức được công nhận "vùng xanh" và duy trì đến tận hôm nay, thế nhưng, ngay cả khi đường phố nhộn nhịp trở lại, lãnh đạo phường An Lợi Đông vẫn duy trì các kênh tuyên truyền cộng đồng nhằm giúp người dân luôn nâng cao cảnh giác với dịch COVID-19. Chủ tịch UBND phường Nguyễn Như Thành cho biết, bên cạnh nhóm An Lợi Đông trực tuyến, từ đầu mùa dịch đến nay, ông chủ động liên kết và tham gia vào mười mấy nhóm trực tuyến của cư dân tại các khu chung cư trên địa bàn để theo dõi sát sao tình hình và hỗ trợ kịp thời cho những tình huống khẩn cấp.

Riêng trong cao điểm đợt dịch vừa qua, cùng lúc ông Thành phải tương tác, nhận thông tin, xử lý vấn đề trong mấy chục nhóm trò chuyện trên Zalo. Mỗi ngày trung bình nhận 2.000 tin nhắn và vô số cuộc gọi, nhiều lúc cảm thấy áp lực nhưng chưa bao giờ Chủ tịch phường dám để điện thoại hết pin hay tắt máy. Có đêm đang ngủ thấy điện thoại báo có tin nhắn mới, anh lật đật ngồi dậy mở xem và xử lý công việc ngay, chẳng đợi trời sáng. Anh nói, trong lúc dân cần giúp mình lại vắng mặt thì có lỗi vô cùng.

"Thời điểm giãn cách người dân ai cũng ở nhà, mình có treo băng rôn người dân cũng đâu đọc được. Vậy nên chúng tôi tăng cường tuyên truyền thông tin, video clip cảnh báo, hướng dẫn… thông qua các nhóm zalo để người dân nắm rõ. Hiện tại, tôi vẫn theo dõi sát sao công tác phòng chống dịch tại các khu chung cư và tuyên truyền liên tục vì sợ người dân vui mừng quá mà quên cảnh giác với COVID-19. Nhờ kênh kết nối này mà thời gian qua tôi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và những phản ánh, bức xúc của người dân để chỉ đạo, xử lý kịp thời. Cũng thông qua kênh này, phường đã nhắc nhở, xử phạt nhiều trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, giúp người dân, các ban quản trị, ban quản lý các chung cư chấp hành nghiêm hơn", ông Thành kể lại.

Những ngày không thể nào quên: Bài 1 - Làm đủ cách để an dân - Ảnh 3.

Phường An Lợi Đông là địa phương đầu tiên của TP Thủ Đức được công nhận “vùng xanh” - Ảnh: VGP/Khởi Minh

Phường An Lợi Đông có khoảng 3.000 dân nhưng điều may mắn là nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng, tinh thần tự giác của người dân cùng cách kiểm tra, xử phạt rất nghiêm từ phía chính quyền, số ca nhiễm COVID-19 chưa đến 20 người, không có trường hợp tử vong. Siết lại ý thức người dân đi cùng với việc xúc tiến phủ vaccine là cách làm mang lại hiệu quả cao cho địa phương này. Ban đầu, phường được bố chích tiêm vaccine chung cùng với hai địa phương khác. Nhận thấy tình hình khá phức tạp, lãnh đạo phường chủ động đề xuất hướng tiêm khác và được chấp thuận.

Nhờ vậy dù khởi động chậm nhưng cuối cùng An Lợi Đông lại nằm trong top dẫn đầu về tỉ lệ tiêm phòng dịch COVID-19. Với những trường hợp không đồng ý tiêm vaccine, phường cố gắng tuyên truyền, thuyết phục và cuối cùng đã thành công.

Tăng tốc xét nghiệm và tiêm vaccine cho người dân trong cao điểm dịch là giai đoạn tốn nhiều công sức nhưng mang lại kết quả khả quan nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 của phường 28, quận Bình Thạnh. Phường Linh Trung, TP. Thủ Đức, nơi tập trung nhiều công nhân, lao động thuê trọ và sinh viên cũng coi đây là giải pháp cần triển khai tối ưu khi số lượng các ca nhiễm cộng đồng ngày càng tăng. Ông Hưng cho hay, cao điểm mỗi ngày phường Linh Trung lấy mẫu cho khoảng 50.000 người dân. Phường bố trí 15 điểm lấy mẫu, hoạt động hết công suất với mong muốn sớm tách F0 ra khỏi cộng đồng. Thời điểm đó, các khu thu dung trên địa bàn đều quá tải, ông Hưng phải liên hệ khu vực lân cận, bố trí đưa người dân đi cách ly, điều trị.

Tính đến nay phường Linh Trung có hơn 4.300 người nhiễm COVID-19, đa phần các ca đã khỏi bệnh. Xuyên suốt đỉnh dịch, có khi ngày xuất hiện 100 ca F0 cộng đồng nhưng điều may mắn là số người không qua khỏi rất ít (10 người). Ngay khi nhận vaccine, phường chủ động tiêm ngay cho người dân. Điều đặc biệt là các khu phong tỏa được phường ưu tiên tiêm vaccine trước. "Phong tỏa lúc đó 14, có khi 21 ngày do đó người dân rất bí bách trong sinh hoạt, công việc cũng như vấn đề lương thực, thực phẩm. Phường được đồng ý với đề xuất này nên lập tức tiến hành. Cứ khu nào có F0, F1 nhiều là tiêm trước để gỡ phong tỏa. Có vậy bà con mới đỡ hoang mang", Chủ tịch UBND phường Linh Trung, TP. Thủ Đức lý giải.

Tết năm nay, tình hình dịch COVID-19 tại TPHCM không quá căng thẳng như năm ngoái. Thế nhưng, các địa phương vẫn đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở người dân nâng cao ý thức phòng dịch, tránh tụ tập để hạn chế thấp nhất tình trạng lây lan. Điều mà các địa phương mong muốn nhất bây giờ là ngay cả khi vui chơi, gặp gỡ, người dân cũng nhớ giữ khoảng cách và tuân thủ 5K./.

>> Bài 2: Chống dịch từ cơ sở

Khởi Minh

Top