Nỗi ám ảnh mang tên… kẹt xe

13/11/2015 9:36 PM

(Chinhphu.vn) - Đến với TPHCM, du khách trong và ngoài nước thường được mọi người nơi đây nhắc nhủ nên ra đường vào buổi tối vì “Sài Gòn đẹp về đêm”. Thế nhưng càng ngày, người ta càng nhận thấy rằng, câu nhắc nhủ đó còn hàm ý cảnh báo về tình hình giao thông hiện nay của thành phố…

Ra đường, kẹt xe

Như thường lệ, chị Nguyễn Thanh Nhàn (ngụ đường Quang Trung, quận Gò Vấp), làm việc tại cơ quan hành chính quận 1 dậy từ lúc 5 giờ sáng, tranh thủ nấu ăn và chở con đến trường rồi mới đi làm. Từ Gò Vấp lên quận 1, nếu chọn đường ngắn nhất thì dễ bị kẹt xe nhất do lượng phương tiện tập trung đông, thường xuyên xảy ra cảnh chen lấn, leo vỉa hè.

Đơn cử, theo đường Phạm Văn Bạch, phải vất vả lắm mới ra được đường Trường Chinh, nhưng chạy chưa được 1km thì lại kẹt ngay mũi tàu Trường Chinh – Cộng Hòa, rồi lại bị dồn ứ tại khu vực tòa nhà E.Twon. Kế đó, dòng người nối dài, dồn ứ tại “nút cổ chai” cầu vượt bằng thép Hoàng Hoa Thám. Vừa khi thoát ra được khu vực này, lại phải đối mặt với nút giao Cộng Hòa – Út Tịch. Quãng đường từ nhà đến cơ quan tầm 10 km nhưng có hôm chị Nhàn phải mất 1 tiếng rưỡi đi lại. Đấy là chưa kể việc tan tầm 5 giờ từ quận 1 về lại Gò Vấp cũng theo lộ trình này, cảnh kẹt xe tiếp diễn nặng nề tại cầu vượt Lăng Cha Cả, khi phương tiện dồn từ sân bay Tân Sơn Nhất đổ ra.

“Nhiều khi muốn nán lại cơ quan tầm 7 giờ tối để đỡ kẹt xe nhưng vướng con nhỏ và chuyện gia đình nên đành phải đi vào giờ cao điểm, mệt mỏi vô cùng”, chị Nguyễn Thanh Nhàn bức xúc.

Đây chỉ là một trong nhiều cảnh cảnh ùn tắc giao thông diễn ra hàng ngày tại TPHCM. Còn nhớ vào sáng ngày 16/1, một vụ kẹt xe nghiêm trọng xảy ra trên Xa lộ Hà Nội kéo dài suốt 10 giờ khiến giao thông tại khu vực này tê liệt. Hệ quả là hàng nghìn người trễ giờ làm, trễ giờ học, nhiều xe container phải chờ cả buổi mới vào được cảng Cát Lái lấy hàng.

Phó Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa, Trưởng khoa Đô thị học, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM cho rằng: Tình trạng kẹt xe tại thành phố ngày càng khủng khiếp, nếu 5 năm về trước chỉ kẹt ở các cửa ngõ, các điểm giao nhau của các trục đường chính và giờ cao điểm thì nay kẹt xe triền miên, kéo dài. Mỗi lần kẹt xe ở cửa ngõ thành phố kéo dài 2 - 3 giờ, thậm chí ở các cây cầu huyết mạch, các trục chính kẹt xe kéo dài đến 6 giờ. Mỗi năm, TPHCM thiệt hại 1,2 tỷ USD do ùn tắc giao thông.  

Chia sẻ về thiệt hại mà kẹt xe gây nên, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TPHCM cho biết: Kẹt xe đã làm giảm năng suất vận tải, ngày thường xe chạy 2 chuyến/ngày thì nay chỉ còn 1 chuyến/ngày, xe đi tỉnh trong điều kiện bình thường mất 1 ngày thì nay mất hẳn một ngày rưỡi. Ngoài ra, ngày thường xe chạy 100km mất 30 lít dầu thì nay phát sinh thêm 5 – 7 lít, nhà xe phải bỏ tiền túi ra, chủ hàng không hỗ trợ.

Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Đức Chánh - Đoàn Luật sư TPHCM phân tích, kẹt xe đang là vấn nạn và là rủi ro của nhiều người, nhiều tầng lớp, trong đó có các đơn vị kinh doanh vận tải. Muốn không bị chủ hàng phạt vì hành vi giao hàng trễ hẹn hoặc chất lượng hàng hóa không đảm bảo do tình trạng kẹt xe gây nên, nhà xe nên “khôn ngoan” thỏa thuận, bổ sung điều kiện bất khả kháng do kẹt xe trong trong hợp đồng vận chuyển hàng hóa; đồng thời phải chứng minh được nguyên nhân này bằng việc chụp hình làm bằng chứng (!).

Kẹt xe đang gây thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm cho TP Hồ Chí Minh. Ảnh: VGP/Nam Đàn

Hàng chục điểm nóng

Vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã có Công điện yêu cầu khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TPHCM. Công điện nêu rõ, ùn tắc giao thông tại hai thành phố nói trên diễn biến phức tạp, liên tiếp xảy ra các vụ ùn tắc tắc giao thông nghiêm trọng tại một số khu vực, trên một số tuyến đường trục chính, ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của nhân dân, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động phát triển kinh tế xã hội và môi trường của thành phố.

Nguyên nhân của các vụ ùn tắc tắc giao thông là do sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện cơ giới cá nhân, sự bất cập về năng lực và hiệu quả của hệ thống dịch vụ vận tải công cộng, đặc biệt là sự gia tăng đột biến nhu cầu sử dụng ô tô khi trời mưa, sự suy giảm năng lực thông hành của một số tuyến đường do bị úng ngập cục bộ hoặc có các công trình trọng điểm đang thi công... trong khi không có phương án tổ chức, điều tiết giao thông, hướng dẫn người tham gia giao thông phù hợp.

Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, hiện thành phố vẫn còn 24 điểm nóng ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm. Trong đó có một số điểm nóng “quen thuộc” lâu nay nhưng vẫn chưa thể giải quyết xong như giao lộ Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh (quận 1), đường Nguyễn Tất Thành (quận 4), đường Hoàng Minh Giám (Phú Nhuận), vòng xoay Lăng Cha Cả (Tân Bình), vòng xoay Nguyễn Thái Sơn (Gò Vấp), giao lộ Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám (Tân Bình), đường Trường Chinh (đoạn từ Âu Cơ đến Tân Kỳ - Tân Quý, Tân Bình, Tân Phú), nút giao thông Mỹ Thủy (quận 2), giao lộ đường Lê Văn Việt - đình Phong Phú (quận 9), ngã tư Thủ Đức (Thủ Đức), vòng xoay Hàng Xanh - đường Xô Viết Nghệ Tĩnh đến ngã năm Đài Liệt Sĩ, giao lộ Đinh Bộ Lĩnh - Bạch Đằng (Bình Thạnh), ngã sáu Gò Vấp (Gò Vấp), giao lộ Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh (quận 7), nút giao thông An Phú (quận 2).

Tính đến ngày 15/7/2015, TPHCM quản lý hơn 7,2 triệu phương tiện (trong đó hơn 6,5 triệu xe máy). Trung bình mỗi năm lượng xe máy tăng từ 300.000 - 350.000 chiếc (tăng 10%), chưa kể khoảng 1 triệu xe gắn máy vãng lai của các tỉnh lưu thông hàng ngày trên đường thành phố. Trong khi đó, diện tích đường giao thông chỉ tăng 2%; hệ quả kẹt xe, ùn tắc giao thông là điều khó có thể tránh khỏi.  

Theo một báo cáo mà Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển, Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử TPHCM công bố, trong số những người tham gia giao thông được hỏi thì có đến 71,4% đánh giá tình hình giao thông dưới mức trung bình. Nguyên nhân là thành phố thường xuyên kẹt xe và ý thức tham gia giao thông của người dân chưa tốt. Điều này cho thấy, bài toán về nâng cao chất lượng cuộc sống đô thị cho người dân vẫn đang còn nhiều khoảng trống cần phải lấp đầy một cách thiết thực, rõ ràng.

Nam Đàn

Bài 2: Tái cấu trúc không gian đô thị

Top