Phải đeo bám đến cùng để sớm có đô thị thông minh
(Chinhphu.vn) – Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, việc triển khai đề án đô thị thông minh cần rất nhiều thời gian. Do đó muốn thực hiện thành công, đòi hỏi chính quyền và người dân TP phải có sự đồng thuận, quyết tâm cao, kiên trì đeo bám đến cùng để sớm có đô thị thông minh phục vụ cuộc sống. TPHCM và VNPT ký kết hợp tác triển khai đề án Thành phố thông minh
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cùng đại diện lãnh đạo VNPT ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành Thành phố thông minh giai đoạn 2017 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Ảnh VGP/Phan Hoàng |
Hiện nay, việc xây dựng TPHCM trở thành TP thông minh đang là một trong những ưu tiên hàng đầu đang được các cấp, ngành TP tích cực triển khai nhằm thực hiện thành công các Chương trình đột phá đề ra theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X, góp phần đưa TPHCM sớm chuyển mình thành trung tâm kinh tế, tài chính, KHCN hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị ký kết hợp tác giữa TPHCM và Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) về việc triển khai Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành Thành phố thông minh giai đoạn 2017 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” diễn ra ngày 29/9, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã chia sẻ nhiều thông tin về định hướng chung của TP trong công tác quan trọng này.
PV: Ông cho biết vì sao TPHCM quyết định lựa chọn VNPT làm đối tác giúp TPHCM triển khai Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành Thành phố thông minh giai đoạn 2017 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”?
Ông Trần Vĩnh Tuyến: Để triển khai xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh, trong giai đoạn sắp tới có rất nhiều nội dung công việc mà TP cần tập trung triển khai. Trước mắt là phải xây dựng thành công đề án để thực hiện nhiệm vụ này.
Chúng tôi tính toán để xây dựng được đề án đô thị thông minh, TP phải có sự chuẩn bị kỹ với nhiều công đoạn. Trước hết là phải khảo sát để tìm ra những lĩnh vực người dân TP đang quan tâm, từ đó xây dựng các giải pháp công nghệ, xử lý một cách thông minh và hiệu quả nhất.
Tiếp theo cần xây dựng một trung tâm dữ liệu dùng chung theo nguồn mở để khai thác, sử dụng, không chỉ cơ quan nhà nước mà cả doanh nghiệp và người dân đều có thể dễ dàng truy cập, phục vụ cho các hoạt động như: du lịch, mua sắm, y tế, giáo dục…
Cuối cùng là phải xây dựng một hệ thống hạ tầng CNTT đồng bộ. Chúng tôi thấy rằng muốn thực hiện những công việc nói trên, cần có một đơn vị đối tác nhiều kinh nghiệm, tư vấn giúp TP.
Trên cơ sở VNPT có sự hợp tác với Microsoft - một trong những DN lớn nhất trên thế giới có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng đô thị thông minh. Do đó, TPHCM đã quyết định lựa chọn VNPT làm đối tác giúp TP triển khai, xây dựng đề án.
Tuy nhiên, tôi xin nhấn mạnh nội dung hợp tác ở đây là xây dựng khung về CNTT. Còn những giải pháp công nghệ sau này, TPHCM luôn mong muốn có sự tham gia của các DN trong nước, nhất là những bạn trẻ học tập và nghiên cứu trong lĩnh vực CNTT có thể tham gia đóng góp các ý tưởng, giải pháp công nghệ hiện đại, cụ thể.
Chúng ta biết rằng CNTT luôn thay đổi, do đó càng có nhiều sự giúp sức của DN Việt Nam, nước ngoài thì TPHCM càng có nhiều cơ hội thực hiện thành công đề án đô thị thông minh, rút ngắn thời gian triển khai thực hiện.
PV: Hiện nay, thách thức lớn nhất của TPHCM đối với việc phát triển đề án đô thị thông minh là gì?
Ông Trần Vĩnh Tuyến: Tôi nghĩ trong việc phát triển đề án đô thị thông minh có rất nhiều vấn đề cần đặt ra. Ví dụ như sẽ phải xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn để có lộ trình thực hiện cụ thể.
Tuy nhiên, theo tôi thấy vấn đề lớn nhất là chúng ta phải có sự kiên trì bởi việc phát triển đề án đô thị thông minh cần nhiều thời gian. Trong khi đó, lãnh đạo TP mỗi giai đoạn lại có sự thay đổi, nhận thức mỗi người mỗi khác.
Vì vậy, chúng ta phải kiên trì xác định và quyết tâm thực đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ tại đề án sắp tới. Đến nay, TPHCM đã thành lập Ban chỉ đạo với các thành viên trong tập thể Ban Thường vụ Thành ủy để chỉ đạo triển khai xây dựng đề án đô thị thông minh.
Việc đó cho thấy quyết tâm cao của Đảng bộ và chính quyền TP. Chúng tôi mong mỏi người dân TP sẽ tiếp tục đồng thuận, đồng hành, cũng như giám sát cơ quan nhà nước trong quá trình xây dựng và thực hiện đề án, quyết tâm sớm đưa TPHCM trở thành đô thị thông minh, TP đáng sống.
PV: Vậy còn những vấn đề đặt ra về pháp luật, an toàn thông tin và nguồn vốn triển khai thực hiện?
Ông Trần Vĩnh Tuyến: Hiện nay chúng ta còn đang trong quá trình xây dựng Đề án. Khi có Đề án thì mới xác định được những vấn đề khó khăn cụ thể, ví dụ như những vấn đề (PV) vừa nêu.
Thực tế, đến nay việc xây dựng đô thị thông minh là lĩnh vực mới mẻ, không chỉ đối với riêng TPHCM mà còn cả nước. Do đó, quá trình thực hiện khó tránh khỏi những vướng mắc, khó khăn. Tuy nhiên, tôi cho rằng với sự ủng hộ mạnh mẽ từ Chính phủ, Bộ TT&TT, cùng quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và người dân TP, chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua mọi rào cản trong thời gian tới.
Còn riêng về công tác bảo mật, đảm bảo an toàn thông tin. Đây là nội dung quan trọng trong lĩnh vực CNTT nói chung. Bất kỳ quốc gia nào trên thế giới khi xây dựng đô thị thông minh đều phải có một giải pháp công nghệ cụ thể để đảm bảo quản lý kho dữ liệu, cơ sở hạ tầng công nghệ phục vụ vận hành đô thị thông minh.
Tương tự, về phía TPHCM cũng sẽ phải có giải pháp tích cực, hiệu quả nhất để đảm bảo an toàn thông tin. Sắp tới, trong quá trình xây dựng đô thị thông minh, định hướng chung của TPHCM là sẽ ưu tiên sử dụng các loại thiết bị điện tử (chip, vi mạch, thiết bị cảm ứng…) của DN Việt Nam.
Lý do là các thiết bị sản xuất trong nước thường an toàn hơn rất nhiều so với những thiết bị nhập khẩu từ nước ngoài.
PV: Ông có thể thông tin một số lĩnh vực mà TP sẽ ưu tiên triển khai ứng dụng công nghệ thông minh tại đề án sắp tới?
Ông Trần Vĩnh Tuyến: Thực tế chúng ta còn đang trong giai đoạn chuẩn bị khảo sát nên chưa thông tin cụ thể. Tuy nhiên, có thể nói tiêu chí chung của TPHCM là sẽ tập trung xây dựng chính quyền điện tử và quy hoạch thông minh để góp phần thúc đẩy nền kinh tế, đồng thời tạo ra các tiện ích phục vụ người dân.
Trong đó, chính quyền điện tử sẽ giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tăng tính công khai, minh bạch của cơ quan nhà nước, giảm phiền hà cho người dân và DN. Còn quy hoạch thông minh sẽ giúp dự báo và đề phòng, ngăn ngừa các diễn biến bất lợi có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến môi trường đô thị TP.
Ngoài ra, một số nội dung quan trọng khác cũng sẽ được TP xem xét, ưu tiên triển khai là xây dựng các dịch vụ tiện ích, thông minh trong từng lĩnh vực cụ thể để phục vụ người dân như: quy hoạch, giáo dục, y tế, giao thông, chống ngập nước, môi trường, phòng cháy chữa cháy…
Hiện nay, nhiều TP lớn trên thế giới đã ứng dụng hiệu quả công nghệ cao và giải quyết thành công những vấn đề dân sinh này.
Trân trọng cảm ơn ông!
Phan Hoàng (thực hiện)