Phát triển du lịch đường thủy TPHCM tương xứng với tiềm năng

15/12/2022 8:48 AM

(Chinhphu.vn) - Các sản phẩm du lịch đường thủy trên địa bàn TPHCM hiện đang rất hạn chế, chưa phong phú như những địa phương ở các quốc gia lân cận, chưa tương xứng với tiềm năng của Thành phố có tới 913 km đường thủy.

Phát triển du lịch đường thủy TPHCM tương xứng với tiềm năng - Ảnh 1.

Phó Giám đốc Sở GTVT Bùi Hòa An phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Ngày 14/12, UBND TPHCM tổ chức Hội nghị về phát triển vận tải hành khách kết hợp du lịch bằng đường thủy trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND Thành phố Bùi Xuân Cường chủ trì Hội nghị.

Theo ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, Thành phố có mạng lưới giao thông đường thủy khá phát triển với tổng chiều dài 913 km (bằng 50% đường bộ) và bao gồm 101 tuyến (11 tuyến hàng hải, 5 tuyến đường thủy quốc gia, 83 tuyến đường thủy địa phương và 2 tuyến đường thủy chuyên dùng). Tuy nhiên, sự phát triển của hệ thống đường thủy hiện nay còn chưa tương xứng với tiềm năng.

Báo cáo của Sở Du lịch Thành phố cho thấy, 11 tháng đầu năm 2022, TPHCM đón 3,1 triệu lượt khách quốc tế và 27,9 triệu lượt khách nội địa; tuy nhiên, trong đó, khách đi bằng đường thủy chỉ có 342.800 lượt khách, chiếm 1,14% tổng khách du lịch.

Phát triển du lịch đường thủy TPHCM tương xứng với tiềm năng - Ảnh 2.

Tuyến buýt sông từ bến Bạch Đằng đi bến Linh Đông (Thủ Đức)

Hiện nay TPHCM có 4 tuyến sông chính: Sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Soài Rạp và sông Lòng Tàu với hệ thống kênh rạch kết nối tạo ra mạng lưới đường thủy liên kết với các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu và đặc biệt kết nối với các tỉnh ĐBSCL.

Thành phố hiện đã hình thành các tuyến vận tải hành khách kết hợp du lịch đường thủy như: Tuyến cố định gồm Tuyến buýt đường thủy số 1 từ bến Bạch Đằng ở Quận 1 đi bến Linh Đông (TP. Thủ Đức); tuyến vận tải hành khách bằng tàu cao tốc từ bến Bạch Đằng đi Củ Chi, Thủ Dầu Một (Bình Dương); tuyến vận tải hành khách bằng tàu cao tốc từ bến Bạch Đằng đi Vũng Tàu.

Ngoài ra, còn có Tuyến du lịch bằng du thuyền, tàu nhà hàng, ẩm thực giải trí về đêm trên sông Sài Gòn đoạn từ hạ lưu sông đến Mũi Đèn Đỏ; Tuyến các thuyền nhỏ hướng dẫn tham quan du lịch nội đô trên kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè.

Các tuyến vận tải hành khách du lịch đi theo hợp đồng chuyến từ các tuyến ở trung tâm thành phố đi Nhà Bè, Cần Giờ, Củ Chi, Đồng Nai, Bình Dương và các tỉnh ĐBSCL.

Vận tải hành khách ngang sông hiện có 27 tuyến kết nối thông thương kết nối TPHCM với các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai và trong phạm vi Thành phố, góp phần phát triển giao thông đường thủy kết nối liên vùng, giảm tải giao thông đường bộ.

Du lịch bằng tàu biển đến từ các nước trên thế giới thì đến từ bến cảng Nhà Rồng ở Khánh Hội, Quận 4, cảng Cát Lái, TP. Thủ Đức và cảng Hiệp Phước, quận Nhà Bè.

Phát triển du lịch đường thủy TPHCM tương xứng với tiềm năng - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Trưởng phòng Quy hoạch phát triển tài nguyên du lịch (Sở Du lịch TPHCM), Sở Du lịch phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Trưởng phòng Quy hoạch phát triển tài nguyên du lịch (Sở Du lịch TPHCM), Sở Du lịch đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Kế hoạch 3546 về phát triển du lịch đường thủy trên địa bàn. Sau gần 5 năm triển khai, du lịch đường thủy đã đạt được một số kết quả.

Về các tuyến, sản phẩm du lịch hiện có: Tuyến tầm ngắn, dưới 30 km gồm du lịch đường thủy nội đô trên kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè; du lịch tuyến Bến Nghé; tuyến Bạch Đằng-Thanh Đa…

Với tuyến tầm trung từ 30-60 km, Thành phố có du lịch đường thủy tuyến Sài Gòn-Củ Chi; tuyến sông Sài Gòn-Cần Giờ; tuyến sông Sài Gòn-Bến Lức-Chợ Đệm-Bình Chánh…

Tuyến tầm xa như du lịch từ TPHCM đến các tỉnh ĐBSCL và kết nối liên tuyến quốc tế với Campuchia; tuyến Sài Gòn-Bình Dương-Địa đạo Củ Chi… và các tuyến đường biển.

Các phương tiện hiện có là tàu nhà hàng, tàu du lịch (cano cao cấp và du thuyền); tàu chở khách (tàu cao tốc hai thân); buýt đường thủy…

Tuy nhiên, theo bà Thảo, các sản phẩm du lịch đang rất hạn chế, chưa phong phú như những địa phương ở các quốc gia lân cận.

Phát triển du lịch đường thủy TPHCM tương xứng với tiềm năng - Ảnh 4.

Tàu cao tốc vận chuyển hành khách từ bến Bạch Đằng đi Vũng Tàu

Nhiều khó khăn

Theo ông Bùi Hòa An, trong quá trình phát triển vận tải hành khách kết hợp du lịch đường thủy, Thành phố gặp phải những khó khăn như: Quỹ đất dùng để đầu tư xây dựng cảng, bến, dịch vụ hậu cần kỹ thuật phục vụ vận tải hành khách, khách du lịch còn hạn chế; ngoài ra, chưa có cơ chế về giao, cho thuê đất để đầu tư xây dựng bến thủy nội địa phục vụ phát triển vận tải hành khách, du lịch.

Bên cạnh đó, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1829/QĐ-TTg, cảng thủy nội địa hành khách khu vực TPHCM chỉ quy hoạch ở phạm vi khu vực, chưa xác định rõ quy hoạch vị trí, tuyến sông, quy mô, cỡ tàu, công suất cụ thể của các cảng thủy nội địa hành khách.

Về quy hoạch bến, UBND Thành phố có Công văn số 2001 giao UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện cập nhật 411 vị trí định hướng đầu tư xây dựng bến thủy nội địa giai đoạn 2020-2030 vào các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trong phạm vi địa giới hành chính thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý. Tuy nhiên, UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện còn chậm, chưa xác định vị trí cụ thể.

Ngoài ra, dự án khai thông tuyến Rạch Chiếc để nối sông Sài Gòn và sông Đồng Nai triển khai còn chậm; các cống ngăn triều đang dừng thi công trên các tuyến kênh Tẻ, kênh Đôi, rạch Bến Nghé, sông Cần Giuộc, sông Phú Xuân… chậm tiến độ, chưa được vào khai thác, ảnh hưởng đến giao thông vận tải đường thủy; dự án xây dựng cầu Rạch Đỉa (mới), Quận 7 chưa được xây dựng.

Phát triển du lịch đường thủy TPHCM tương xứng với tiềm năng - Ảnh 5.

PGS.TS. Vũ Anh Tuấn, Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức (Trường Đại học Việt Đức)

Thảo luận tại Hội nghị, PGS.TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức (Trường Đại học Việt Đức), cho rằng TPHCM có thế mạnh là mạng lưới đường thủy dày đặc cùng với bề dày văn hóa lịch sử lâu đời, có thể thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, hiện ngân sách đầu tư cho đường thủy rất hạn chế, chỉ chiếm 5% so với đường bộ.

Ông Tuấn cho rằng Thành phố cần nghiên cứu quy hoạch tổng thể, tạo cơ chế thu hút đầu tư. Trước tiên phải khảo sát đánh giá thị trường thật chi tiết dựa trên nhu cầu người dân, tình hình thực tế… từ đó, có thể mở đường ven sông, mở phố đi bộ dọc sông, đường riêng cho xe đạp để làm sao kết nối với buýt đường sông và tạo không gian công cộng cho người dân.

Còn đại diện Công ty Cổ phần In Holdings nhận định TPHCM chưa có sản phẩm du lịch đường thủy hấp dẫn, chưa có hệ thống các cầu cảng chuyên dụng cho khách du lịch, chưa khai thác các loại hình dịch vụ phụ trợ, chưa có chiến lược xúc tiến quảng bá, đặc biệt chưa có giải pháp thích hợp để kêu gọi đầu tư, mà chủ yếu là các doanh nghiệp tự khai thác nên chưa đồng bộ.

Phát triển du lịch đường thủy TPHCM tương xứng với tiềm năng - Ảnh 5.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Bùi Xuân Cường phát biểu chỉ đạo Hội nghị - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Bùi Xuân Cường, để tận dụng hết lợi thế, tiềm năng phát triển du lịch đường thủy, cần tuân thủ nguyên tắc trong quá trình thực hiện, luôn đặt vận tải hành khách công cộng đường thủy nội địa trong tổng thể để không tách rời khỏi giao thông đường bộ, công tác quy hoạch của Thành phố và định hướng phát triển của đô thị.

Ngoài ra, không nên làm dàn trải mà phải có lựa chọn, ưu tiên những dự án quan trọng, mang tính động lực, đột phá, mang tính đòn bẩy cho sự phát triển của Thành phố, đảm bảo pháp lý với tinh thần khẩn trương và có kết quả cụ thể.

Trên cơ sở các nguyên tắc đó, Sở GTVT và Sở Du lịch cần phải làm việc với các quận, huyện, TP. Thủ Đức để có đề xuất với UBND Thành phố phê duyệt các vấn đề về quy hoạch phát triển du lịch đường thủy; rà soát các cơ chế, chính sách về sử dụng, quản lý hành lang các kênh, sông, rạch; cơ chế khai thác sản phẩm du lịch mới trên sông, kênh, rạch…

Ông Cường cũng cho rằng, trong quá trình thực hiện, cần sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ngành, quận, huyện và UBND Thành phố, giữa sở, ngành với doanh nghiệp, giữa các tỉnh trong vùng, giữa vận tải hành khách với du lịch…

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông, ứng dụng công nghệ mới, số hóa, chuyển đổi số trong quá trình thực hiện.

Anh Thơ

Top