Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho học sinh, sinh viên

25/11/2023 3:35 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 25/11, Văn phòng UBND TPHCM cho biết lãnh đạo UBND Thành phố vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Dự án "Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho học sinh, sinh viên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" trên địa bàn.

Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho học sinh, sinh viên- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo đó, TPHCM đặt mục tiêu 100% nhà trường kiện toàn, thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả của Ban chỉ đạo "Phòng, chống tội phạm"; xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật gắn với nhiệm vụ, hoạt động thường xuyên của nhà trường trong từng năm học; thiết lập các kênh tiếp nhận những thông tin, phản ánh để tư vấn, hỗ trợ, kịp thời giải quyết những vấn đề có liên quan đến công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong nhà trường. 

100% nhà trường tổ chức ký cam kết giữa nhà trường - gia đình - xã hội về nhiệm vụ phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật. 

100% nhà trường xây dựng, duy trì ít nhất 1 mô hình về phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật. 

Phấn đấu có 98% nhà trường đạt tiêu chuẩn "An toàn về an ninh, trật tự". Phấn đấu hàng năm giảm số vụ, số người phạm tội, vi phạm pháp luật liên quan đến người học.

Lãnh đạo UBND TPHCM đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: Tuyên truyền các quy định của pháp luật về phòng, chống tội phạm; các quy chế, quy định về công tác đảm bảo an ninh, trật tự nhà trường, phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho người học.

Tuyên truyền về hậu quả, ảnh hưởng; các hành vi vi phạm pháp luật phổ biến; những âm mưu, thủ đoạn hoạt động của tội phạm và sự tác động, lôi kéo đối với người học; kỹ năng phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật… 

Đồng thời, tích hợp, lồng ghép nội dung giáo dục phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật vào chương trình giáo dục các môn học phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo.

Tăng cường tích hợp nội dung giáo dục phòng ngừa tội phạm, phòng, chống vi phạm pháp luật vào chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục và Đào tạo vào dịp hè hàng năm. 

Xây dựng và triển khai chương trình, tài liệu giáo dục phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật thông qua các hoạt động trải nghiệm, hoạt động ngoại khóa dành cho người học.

Đồng thời, nâng cao năng lực của các thành viên trong nhà trường về công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật. Cụ thể, xây dựng tài liệu và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng hằng năm cho cán bộ quản lý, nhà giáo về giáo dục phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho người học. 

Tổ chức tập huấn nghiệp vụ đảm bảo an ninh, trật tự trường học, phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác bảo vệ tại các cơ sở giáo dục.

UBND Thành phố cũng yêu cầu tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình người học và chính quyền địa phương trong công tác quản lý, giáo dục không để người học phạm tội, vi phạm pháp luật và đặc biệt quan tâm đối với người học có hoàn cảnh đặc biệt tại trường. 

Tổ chức ký cam kết giữa nhà trường - Ban đại diện cha mẹ học sinh - Công an quận/huyện Đoàn tại địa phương về thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật ở các cơ sở giáo dục phổ thông. 

Tiếp tục triển khai thực hiện các văn bản phối hợp giữa Công an TPHCM và Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố hướng dẫn phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác trong ngành Giáo dục. 

Phối hợp với ngành Công an thực hiện phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" và nhân rộng mô hình liên kết giữa nhà trường với công an địa phương. 

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý người học nhằm nâng cao công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Công an cung cấp số liệu về tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật.

Theo đó, mặc dù học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật có tỷ lệ thấp, chiếm 2,63% trong tổng số thanh thiếu niên phạm tội, tuy nhiên, con số này lại có xu hướng tăng nhanh qua từng năm. Năm 2021 tăng 30% so với năm 2020, năm 2022 tăng 28,4%, 5 tháng đầu của năm 2023 tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2022.

Để tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng, chống bạo lực học đường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an đã ký kết và triển khai chương trình phối hợp giữa hai Bộ trong việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2022-2025; ban hành và triển khai Dự án "Phòng, chống ma túy trong học sinh, sinh viên đến năm 2025" và Dự án "Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên đến năm 2025 định hướng 2030".

Hồng Đức

Top