Quy hoạch gần 20ha làm Bến xe Miền Tây mới
(Chinhphu.vn) - UBND TPHCM vừa phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Bến xe Miền Tây mới thuộc khu E - Đô thị mới Nam thành phố tại xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh.
Bến xe miền Tây cũ của TPHCM ở quận Bình Tân hiện đang quá tải. |
Đây là vị trí quy hoạch được tách biệt, bố trí độc lập không tổ chức giao thông trực tiếp với quy hoạch khu dân cư tại Khu E để đảm bảo an ninh trật tự và mỹ quan đô thị.
Theo đó, bến xe Miền Tây nằm phía Đông Bắc nút giao Nguyễn Văn Linh và Quốc lộ 1A, phía Đông giáp đường giao thông (dự kiến), lộ giới 30m, phía Tây giáp Quốc lộ 1A, lộ giới 120m, phía Nam giáp đường Nguyễn Văn Linh, lộ giới 120m, phía Bắc giáp đường giao thông (dự kiến), lộ giới 30m. Bến xe Miền Tây mới có quy mô diện tích 19,64ha, trong đó, khu vực bến xe khách khoảng 16,674ha, khu vực Deport BRT (xe buýt nhanh) 2,966ha.
Dự án do Tổng Công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn TNHH MTV (Samco) làm chủ đầu tư. Sau khi bến xe mới đi vào hoạt động, công suất dự kiến phục vụ cho khoảng 50.000 lượt hành khách/ngày đêm và 2.500 lượt xe xuất bến trong ngày.
Bến xe Miền Tây mới là một đầu mối giao thông quan trọng của TPHCM, đảm bảo sự kết nối, liên thông của hệ thống giao thông công cộng khu vực trên các trục Quốc lộ 1A, đường cao tốc TPHCM - Trung Lương và đại lộ Nguyễn Văn Linh hiện hữu, đảm bảo kết nối các khu dân cư, khu đô thị mới.
Đề xuất hơn 6.200 tỷ đồng làm phân đoạn đường vành đai 4
Thực hiện chủ trương xã hội hóa, đáp ứng nhu cầu cấp bách kết nối hệ thống giao thông khu vực liên kết vùng, phát triển kinh tế khu vực phía nam, UBND TPHCM vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương thực hiện dự án đầu tư xây dựng đoạn Bến Lức - Hiệp Phước thuộc tuyến đường vành đai 4 theo hình thức đối tác công tư và giao Bộ Giao thông vận tải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền của dự án.
Theo đề xuất nói trên, điểm đầu dự án tại nút giao Bến Lức (giao giữa đường cao tốc TPHCM - Trung Lương với đường tỉnh 830) thuộc địa phận thị trấn Bến Lức, tỉnh Long An; điểm cuối dự án kết nối với đường trục Bắc Nam nằm trong khu quy hoạch cảng - công nghiệp Hiệp Phước thuộc địa phận xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TPHCM.
Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 35,8 km, đi qua các địa giới hành chính thuộc tỉnh Long An (32 km), TPHCM (3,8 km).
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 6.273 tỷ đồng (chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 492 tỷ đồng).
Về phương án thu hồi vốn, sẽ lập trạm thu phí khép kín cho toàn tuyến, mức thu phí áp dụng cho thời gian đầu của dự án là 35.000 đồng/xe con/chặng, tăng theo mức lạm phát, 3 năm tăng một lần 12%. Thời gian xây dựng trong 30 tháng (dự kiến bắt đầu từ quý I/2017), thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến 23 năm.
Nam Đàn