Ra mắt Cổng thông tin ngành Dệt may Việt Nam
(Chinhphu.vn) - Trung tâm Thông tin Dệt may Việt Nam (VTIC) được kỳ vọng trở thành trung tâm "chuyển nền tảng năng động của dệt may truyền thống Việt Nam thành bàn đạp đòn bẩy", hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may vươn xa hơn ra thế giới và hướng tới sự phát triển bền vững.

Đây là cổng thông tin có thể cung cấp thông tin chi tiết, đầy đủ về doanh nghiệp dệt may Việt Nam - Ảnh: VGP/Minh Thi
Ngành công nghiệp dệt may Việt Nam trong những năm qua luôn là ngành xuất khẩu chủ lực, có tốc độ tăng trưởng cao và giữ vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế, chiếm 12-16% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, với xu hướng chuyển dịch chuỗi giá trị dệt may toàn cầu, xu hướng xanh hóa và phát triển bền vững,... các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang đứng trước những thách thức và cơ hội vô cùng lớn.
Hiện nay trên 70% doanh nghiệp dệt may có quy mô nhỏ và vừa, nguồn lực tài chính khiêm tốn, cần nhiều nhân lực chất lượng cao hơn và vẫn còn ngần ngại trong chuyển đổi số. Đa số các công ty dệt may Việt Nam đang trong giai đoạn đầu ứng dụng công nghệ để quản trị sản xuất kinh doanh, giải quyết các vấn đề nội tại như hệ thống kế toán, quản lý khách hàng, quản lý kho...
Sự thay đổi của chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, sự thiếu hụt nhân sự, tốc độ tự động hoá đang làm giảm dần các ưu thế về nhân công giá rẻ khiến các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, xu hướng và sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường cũng đang đòi hỏi ngành dệt may Việt Nam phải chuyển dịch từ sản xuất gia công truyền thống sang ODM/OBM.
Tình trạng chung của ngành dệt may là các doanh nghiệp đang thiếu năng lực vận hành khai thác dữ liệu nhằm tạo năng lực cạnh tranh bền vững cho doanh nghiệp và chưa có cổng thông tin cho ngành dệt may, thiếu các giải pháp, công cụ tìm kiếm thông tin và năng lực phân tích dữ liệu ngành.
Trước thực trạng đó, Công ty Cổ phần Giải pháp Dệt may Bền vững (STS) đã nỗ lực nghiên cứu và đầu tư nền tảng số đầu tiên cho ngành dệt may Việt Nam với tên gọi là Trung tâm Thông tin Dệt may Việt Nam (VTIC). Đây là cổng thông tin có thể cung cấp thông tin chi tiết, đầy đủ về doanh nghiệp dệt may Việt Nam, trực tuyến, trực quan sinh động, cách tiếp cận dễ dàng với các công cụ phân tích chuyên nghiệp, có thể giúp doanh nghiệp loại bỏ một số phỏng đoán trong việc lựa chọn thị trường xuất khẩu.
Được ra mắt vào ngày 12/10/2022 trong khuôn khổ Ngày hội Khám Phá và Số hóa Vải với sự đồng hành của Liên Minh Chuyển đổi số DTS, Công ty Công ty Cổ phần Giải pháp Dệt may Bền vững (STS) cũng lần đầu tiên ra mắt Trung tâm Khám phá Vải vóc Việt Nam (VFDC).
Theo bà Nguyễn Ngọc Khánh Nhật, Nhà sáng lập và CEO của STS, "VFDC cùng với VITC được kỳ vọng trở thành trung tâm "chuyển nền tảng năng động của dệt may truyền thống Việt Nam thành bàn đạp đòn bẩy" hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các công ty khởi nghiệp và gen Z hướng tới sự phát triển bền vững".
Với tầm nhìn đưa ngành dệt may Việt Nam phát triển giàu mạnh, hướng tới một tương lai bền vững bằng cách tác động tích cực đến từng dấu chân trong chuỗi giá trị ngành, cổng thông tin dệt may Việt Nam VTIC có thể cung cấp thông tin ngành dệt may Việt Nam cho nhà cung cấp nguyên vật liệu dệt may, doanh nghiệp sản xuất dệt may và các nhà phân phối.
Đây là hệ sinh thái toàn diện và có tiềm năng phát triển rộng lớn. VTIC có thể được xem như "tình báo kinh doanh", nơi cung cấp cho doanh nghiệp những bản báo cáo về thông tin sản phẩm, về thị trường xuất khẩu tiềm năng uy tín mà doanh nghiệp đang quan tâm để đưa ra quyết định đúng đắn và hiệu suất tối ưu cho việc phát triển kinh doanh.
Bên cạnh đó, VFDC - Thư viện Khám phá Vải là nơi trưng bày hơn 20.000 mẫu vải từ Mỹ, Đức, Hồng Kông, Malaysia, Đài Loan, Việt Nam, v.v... khách hàng có thể đọc chúng như sách trên kệ. Với dịch vụ của VFDC, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm thời gian, tiền bạc, nhân lực cho quá trình tìm nguồn cung ứng vải, và có thêm nguồn lực để ứng các đơn đặt hàng xuất khẩu, R&D.
Theo ông Vũ Đức Giang, 2022 là năm mà ngành dệt may Việt Nam phục hồi và lấy lại phong độ sau ảnh hưởng của đại dịch nhờ sự cố gắng tuyệt vời của các doanh nghiệp và biện pháp hỗ trợ tích cực chính phủ. Vì vậy, cấp thiết cần hình thành sự liên kết trong chuỗi cung ứng ngành dệt may sau đại dịch covid. Để thực hiện mục tiêu là từng bước hoàn thiện chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị dệt may Việt Nam, khắc phục dần những điểm yếu, STS quyết định khởi động 2 trung tâm là Thư Viện Khám phá Vải vóc (VFDC) và Trung tâm Thông tin Dệt may (VTIC) để mang tới một nơi quy tụ vải và thông tin đi kèm từ các nhà cung cấp vải lớn của thế giới và những thông tin thị trường được cập nhật thường xuyên.
Với sự ra đời của Trung tâm Thông tin Dệt may Việt Nam (VTIC) và Thư viện Khám phá Vải (VFDC), STS tin rằng các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ được tiếp sức cho mục tiêu chuyển đổi và phát triển bền vững của doanh nghiệp nói riêng và ngành dệt may Việt Nam nói chung.
Minh Thi