Sẽ “mạnh tay” tiêu hủy gia súc của cơ sở vi phạm ATVSTP

10/12/2015 9:50 PM

(Chinhphu.vn) - Thời gian tới sẽ tăng cường tần suất kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm ở tất cả các khu vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm và tăng cường quản lý, kiểm soát tại các khu chợ đầu mối tại TP. Trường hợp các cơ sở phát hiện tái phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ dứt khoát tiêu hủy gia súc.

Đó là khẳng định của Giám đốc Sở NN&PTNT TPHCM Nguyễn Phước Trung tại phiên trả lời chất vấn diễn ra sáng nay (10/12).

Trước đó, nhiều đại biểu HĐND TP bày tỏ quan ngại trước tình trạng mất ATVSTP đang ngày càng nghiêm trọng, rất đáng báo động, đặc biệt là tại các khu chợ truyền thống và khu bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp trên địa bàn TPHCM.

Các đại biểu đề nghị các Sở ngành liên quan cần làm rõ nguyên nhân, cũng như có biện pháp, cam kết cụ thể để giải quyết dứt điểm tình trạng mất ATVSTP trong thời gian tới vì đây là vấn đến dân sinh thiết thực, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Hiền chất vấn tại kỳ họp. Ảnh Việt Dũng

Nhiều DN cam kết bán thực phẩm an toàn

Trả lời ý kiến ĐB HĐND TP xoay quanh vấn đề này, Giám đốc Sở Công thương Lê Văn Khoa cho biết, Sở Công thương đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo nguồn TP an toàn đến với người tiêu dùng. Trong đó đã tập trung kiểm tra kiểm soát về ATVSTP tại tất cả 240 khu chợ, 179 siêu thị, 37 trung tâm thương mại và 705 của hàng tiện lợi trên địa bàn TP.

Đặc biệt, ngành Công thương đã chú trọng xây dựng các điểm bán hàng đảm bảo ATTP. Toàn TP hiện có 246 điểm bán rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm của 5 DN cam kết đảm bảo VSATTP. Thực phẩm tại các điểm bán hàng này đảm bảo do thường xuyên được kiểm soát, kiểm tra chặt chẽ về cả nguồn gốc lẫn chất lượng.

Kế hoạch trong thời gian tới, trên cơ sở những mô hình nêu trên, Sở Công thương TP sẽ tiếp tục từng bước nhân rộng ra các khu chợ và hệ thống cửa hàng tiện lợi. Về lâu dài sẽ thực hiện liên kết cung cầu hàng hóa, thực phẩm với các tỉnh Đông Tây Nam bộ vào TPHCM nhằm tìm kiếm nguồn TP “sạch” đưa về TPHCM.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Công thương, đảm bảo VSATTP chỉ ở khâu phân phối là chưa đủ mà cần phải kiểm soát chặt chẽ ngay tại “gốc” là các cơ sở cung cấp thực phẩm cho TPHCM. Sở Công thương sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với ngành NN&PTNT TP để có biện pháp giải quyết triệt để hơn đối với vấn đề này.

Dứt khoát tiêu hủy gia súc có sử dụng chất cấm

Tiếp lời Giám đốc Sở Công thương, ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở NN&PTNT TP cho rằng việc kiểm soát chất lượng ATVSTP chưa hiệu quả nguyên nhân một phần là do thể chế. Đơn cử, liên quan đến chất cấm, theo Thông tư 54 khi kiểm tra lò mổ, nếu phát hiện thì tạm đóng cửa, kiểm tra lại khi nào không còn chất cấm thì mới cho hoạt động lại.

Tuy nhiên, đây là biện pháp xử lý hết sức khó khăn bởi các lò mổ là nơi chưa nhiều gia súc, nếu chỉ “tạm đóng cửa” sẽ rất dễ trở thành nơi phát sinh dịch bệnh.

Đã nhiều lần Sở NN&PTNT TPHCM đề cập với Bộ NN&PTNT về những bất cập giữa quy định của luật và thực tế. Bộ Nông nghiệp sau đó có văn bản trả lời nhưng các biện pháp xử lý vẫn chưa dứt điểm. “Chúng tôi đang tiếp tục kiến nghị Bộ NN&PTNT phải có biện pháp mạnh hơn, cho phép tiêu hủy gia súc, gia cầm tại các cơ sở lò mổ vi phạm để tránh nguy cơ bùng phát dịch bệnh”, ông Trung cho biết.

Giám đốc Sở NN&PTNT TP cũng lý giải nguyên nhân khiến việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây một phần là do các thương lái Trung Quốc đang rầm rộ thu mua các nguồn heo trên 100-120 kg đưa qua biên giới, kích thích tâm lý của các cơ sở chăn nuôi sử dụng chất tạo nạc để tăng cân gia súc.

Nguyên nhân nữa là do các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nên tỷ lệ phát hiện các vụ việc vi phạm ATVSTP cao hơn bình thường.

“Thời gian tới chúng tôi sẽ tăng cường tần suất kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm ở tất cả các khu vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm và tăng cường quản lý, kiểm soát tại các khu chợ đầu mối tại TP. Trường hợp các cơ sở phát hiện tái phạm sẽ dứt khoát tiêu hủy gia súc”, ông Trung nhấn mạnh.

Biện pháp nữa là sẽ tập trung phát triển chuỗi liên kết cung ứng thực phẩm. Cụ thể là sẽ hình thành các hợp tác xã trồng trọt, chăn nuôi. Mỗi HTX có một DN chủ trì thu mua, phân phối và trực tiếp chịu trách nhiệm đảm bảo ATVSTP. Mô hình này dự kiến không chỉ triển khai tại TPHCM mà sẽ liên kết mở rộng tại các tỉnh có cung cấp thực phẩm cho TP.

Ngành Nông nghiệp TP cũng sẽ hướng dẫn bà con thay đổi phương thức trồng trọt, hoán đổi cây trồng để hạn chế tối đa việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu độc hại.

Cần có thanh tra chuyên trách về ATVSTP

Cũng liên quan đến việc kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi, theo phản ánh của các địa phương tại phiên chất vấn, khó khăn nhất hiện nay là do thiếu nguồn nhân lực nên việc kiểm tra, kiểm soát về ATVSTP ở các quận, huyện vẫn chưa đạt hiệu quả như mong đợi.

Đại diện lãnh đạo quận Thủ Đức cho biết, tại Thủ Đức hiện có trên hơn 3000 cơ sở kinh doanh, chế biến. Năm qua mới chỉ tiến hành được 563 lượt kiểm tra, xử phạt 359 cơ sở vi phạm với số tiền 1,4 tỷ đồng. Cái khó của địa phương hiện nay chủ yếu là thiếu nhân lực để kiểm soát ATTP tại các khu chợ tự phát.

Tương tự, đại diện quận Bình Tân cũng cho hay, địa phương này hiện có 2600 đơn vị là bếp ăn tập thể, quán ăn… Vừa qua quận đã Bình Tân tiến hành kiểm tra về ATVSTP nhưng do lực lượng mỏng nên cũng mới chỉ kiểm tra trên 500 cơ sở.

Do đó, các địa phương kiến nghị ngoài lực lượng thanh tra của ngành y tế, riêng đối với các địa phương có nhiều KCN, trường học như quận Thủ Đức, Bình Tân, cần có lực lượng chuyên trách để đẩy mạnh hơn nữa công tác quan trọng này.

Theo Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, trong năm 2015, lực lượng quản lý thị trường TP đã tổ chức 680 đợt kiểm tra về ATVSTP, qua đó phát hiện 211 vụ thực phẩm nhập lậu, 22 vụ thực phẩm hết hạn sử dụng, 18 vụ thực phẩm không rõ nguồn gốc, tạm giữ 149.000 sản phẩm và 165 tấn thực phẩm các loại, xử phạt gần 6 tỷ đồng, buộc tiêu hủy 120.000 sản phẩm và 19 tấn thực phẩm.

Phan Hoàng

Top