Sinh viên vẫn thờ ơ với việc rèn kỹ năng mềm

26/10/2018 5:18 PM

(Chinhphu.vn) - Tại hội thảo “Đào tạo kỹ năng mềm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho Cách mạng công nghiệp 4.0” do Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm và Trường Đại học Tài chính – Marketing TPHCM tổ chức sáng 26/10, nhiều đại biểu cho rằng hiện nay đa phần sinh viên sau khi tốt nghiệp vẫn thiếu kỹ năng mềm.

Hội thảo thu hút hơn 40 tham luận của rất nhiều trường đại học, cao đẳng trên cả nước. Ảnh: VGP/Gia Mỹ

Nhiều đại biểu cho rằng, việc sinh viên sau khi tốt nghiệp vẫn thiếu kỹ năng mềm là hệ lụy do suốt quá trình học tập từ phổ thông đến đại học, sinh viên thích đạt kết quả cao hơn là thành thạo kỹ năng sống.

Điều này vô cùng nguy hiểm, nhất là trong giai đoạn hội nhập nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay. Vì nếu chỉ nắm chắc kỹ năng cứng, tức là giỏi chuyên môn thì dù có cố gắng mấy đi nữa sinh viên vẫn khó có thể thích nghi chứ không nói là thành công trong môi trường doanh nghiệp.

Kết quả thống kê cho thấy hơn 70% sinh viên được doanh nghiệp đánh giá cao nếu tự thân tích lũy được nhiều kỹ năng mềm cần thiết trong quá trình học tập tại các trường đại học, cao đẳng.

Trong đó, kỹ năng ngoại ngữ, tin học được quan tâm hàng đầu. Kế đến là nhóm kỹ năng mềm liên quan đến việc xây dựng sự kết nối trong môi trường doanh nghiệp và xử lý vấn đề như: kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy vấn đề, thương lượng, đàm phán, giải quyết khủng hoảng… Những kỹ năng này không thể tự có mà sinh viên phải có ý thức rèn luyện từ sớm.

Nhiều năm trở lại đây đa phần các trường học từ bậc phổ thông đến đại học, cao đẳng, trung cấp đều đẩy mạnh vai trò của việc giáo dục kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên. Nhiều tiết dạy lồng ghép giáo dục kỹ năng mềm, kỹ năng sống đã được thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu của người học. Nhiều chương trình ngoại khóa, hàng loạt câu lạc bộ kỹ năng trong nhà trường đã ra đời với đa dạng hình thức.

Thế nhưng, học sinh, sinh viên nhiều nơi vẫn chưa mặn mà với việc tự trang bị kỹ năng mềm. Do đó, nhiều đại biểu tại hội thảo cho rằng, vấn đề mấu chốt vẫn nằm ở thái độ của sinh viên. Nếu sinh viên không nhận thấy tầm quan trọng của kỹ năng mềm và tự tìm cách bổ sung thì coi như đã tự đào thải bản thân khỏi thị trường lao động trong thời kỳ mới.

Theo Thạc sĩ Lại Thế Luyện, giảng viên Trường Đại học Tài chính – Marketing TPHCM, có rất nhiều cách để sinh viên rèn kỹ năng mềm nhưng đó là cả quá trình bền bỉ: “Mỗi sinh viên có khả năng thích ứng khác nhau với các kỹ năng mềm. Có bạn thích ứng ngay, có bạn cần thời gian rèn luyện. Quan trọng là sinh viên phải có cách nhìn nghiêm túc về vấn đề này và lựa chọn môi trường phù hợp nhất để tích lũy kỹ năng trước khi ra trường. Bằng không, các bạn rất khó được doanh nghiệp chấp nhận trong quá trình tuyển dụng.

Gia Mỹ

Top