Sở Công Thương yêu cầu dừng các chợ, điểm kinh doanh tự phát

22/06/2021 3:20 PM

(Chinhphu.vn) - Sở Công Thương TPHCM vừa có văn bản yêu cầu UBND TP. Thủ Đức và các quận huyện, các chợ đầu mối, chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, doanh nghiệp bình ổn thị trường, cửa hàng kinh doanh hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn thực hiện khẩn trương, nghiêm túc Chỉ thị số 10 của UBND TPHCM về phòng chống dịch COVID-19.

Theo đó, TP. Thủ Đức và các quận huyện chỉ đạo, các đơn vị quản lý chợ tăng cường các biện pháp phòng chống dịch; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K của Bộ Y tế. Đảm bảo xử lý triệt để, không để xảy ra tình trạng tụ tập, kinh doanh tự phát, lấn chiếm lòng lề đường khu vực xung quanh các chợ đầu mối theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND TPHCM và các nội dung triển khai của Sở Công Thương về việc tăng cường kiểm soát, chấn chỉnh tình trạng kinh doanh, buôn bán tự phát, lấn chiếm lòng, lề đường xung quanh các chợ trên địa bàn. 

Sở Công Thương cũng khuyến khích các chợ đầu mối trang bị các phương tiện, máy móc, công cụ hỗ trợ để góp phần thực hiện tốt công tác sàng lọc, phòng chống dịch như bố trí máy quét tự động đo thân nhiệt từ xa tại các cổng chính vào chợ, tăng cường bổ sung hệ thống giám sát bằng camera trong chợ. Tổ chức kiểm tra đảm bảo việc triển khai thực hiện ghi nhật ký bán hàng tại chợ được thực hiện nghiêm túc để phục vụ công tác truy vết khi cần thiết.

Văn bản cũng ghi rõ, tại khu vực các chợ truyền thống, chỉ có các khu vực kinh doanh lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm và dịch vụ ăn uống được phép hoạt động nhưng phải đảm bảo quy định phòng chống dịch. Dịch vụ ăn uống chỉ áp dụng hình thức bán hàng mang về, đặt hàng trực tuyến, tuyệt đối không được phục vụ tại chỗ. Tất cả các khu vực kinh doanh buộc phải ngưng hoạt động.

Các chợ phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn tại chợ trong công tác phòng chống dịch. Phong tỏa các cửa phụ, lối đi phụ của chợ để tập trung nhân lực kiểm soát khu vực cửa chính nhằm đảm bảo việc giám sát thương nhân, người lao động và khách ra vào chợ thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch. Triển khai đối với các tiểu thương việc thực hiện ghi nhật ký bán hàng tại chợ để phục vụ công tác cách ly, truy vết khi cần thiết, đảm bảo ghi nhận đầy đủ thông tin tên khách hàng, số điện thoại liên lạc và thời gian giao dịch.

Đối với các chợ có mật độ người mua sắm đông, tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, đơn vị quản lý chợ căn cứ tình hình thực tế, chủ động nghiên cứu thực hiện một số phương án như phát phiếu để hạn chế số lượng người vào chợ. 

Để đảm bảo cung cầu hàng hóa thông suốt, giá ổn định, Sở Công thương cũng yêu cầu các doanh nghiệp bình ổn thị trường tổ chức sản xuất, kinh doanh theo đúng kế hoạch tạo nguồn hàng và cung ứng hàng hóa đủ, khuyến khích thực hiện vượt số lượng đăng ký đã được phê duyệt, đảm bảo hàng hóa đạt chất lượng, an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh phát triển điểm bán, liên kết, phối hợp chặt chẽ với các hệ thống phân phối để cung ứng hàng hóa, tăng mật độ điểm bán hàng bình ổn thị trường, đảm bảo cung ứng ổn định, kịp thời, đủ số lượng theo đặt hàng của các hệ thống phân phối, kể cả trong trường hợp thị trường có biến động mạnh.

Top