Tạo điều kiện cho doanh nghiệp dệt may tiếp cận công nghệ, thúc đẩy xuất khẩu

21/09/2023 1:52 PM

(Chinhphu.vn) - Sáng 21/9, tại Trung tâm Triển lãm WTC EXPO, Bình Dương diễn ra lễ khai mạc "Triển lãm quốc tế Thiết bị, công nghệ in thêu, sản phẩm và nguyên phụ liệu dệt may tại Việt Nam - ITCPE VIETNAM TEXPRINT 2023".

Triển lãm quy tụ 200 gian hàng giới thiệu các sản phẩm, công nghệ tiên tiến nhất cho ngành công nghiệp in thêu, gia công trang phục, sản xuất vải, cung ứng sản phẩm và nguyên phụ liệu dệt may.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, với khoảng 7.000 doanh nghiệp và gần 3 triệu lao động, dệt may là một trong những ngành góp phần đặc biệt quan trọng trong xuất khẩu của Việt Nam.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035" tại QĐ số 1643/QĐ-TTg ngày 29/12/2022. Theo đó, mục tiêu tổng quát là phát triển ngành dệt may và da giày là ngành chủ lực về xuất khẩu của nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam hiện chưa theo kịp với sự phát triển của ngành may xuất khẩu. Đặc biệt, các công đoạn dệt, nhuộm, in, hoàn tất vải đang là "nút thắt cổ chai" trong toàn bộ chuỗi sản xuất cung ứng hàng dệt may.

Chính vì vậy, ngành dệt may Việt Nam đang kêu gọi đầu tư vào khâu dệt, nhuộm, in, hoàn tất vải để từng bước cung cấp đủ nguyên phụ liệu cho ngành may. Trong đó, đặc biệt ưu tiên các dự án đầu tư công nghệ dệt nhuộm, in tiên tiến, không gây tác động xấu đến môi trường.

Trong bối cảnh đó, ông Hùng khẳng định, Triển lãm ITCPE VIETNAM TEXPRINT 2023" đáp ứng nhu cầu cấp bách của các doanh nghiệp dệt may trong giai đoạn hiện nay. Đây là thời điểm thuận lợi để doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm kiếm đối tác, bạn hàng, tăng cường các mối quan hệ hợp tác đầu tư, kinh doanh trong chuỗi cung ứng.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp dệt may tiếp cận công nghệ, thúc đẩy xuất khẩu - Ảnh 2.

Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương tuyên bố khai mạc Triển lãm - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Thông tin thêm tại buổi lễ, bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết, sau đại dịch COVID-19 và sự biến động của thị trường toàn cầu, dù các đơn hàng trên địa bàn tỉnh vẫn đang còn nhiều khó khăn, tuy nhiên các doanh nghiệp dệt may, áp dụng các công nghệ in thêu vẫn tiếp tục tìm hướng đi riêng để phát triển thị trường, đặc biệt là chú trọng đi vào thị trường nội địa.

Từ quý III/2023, thị trường các đơn hàng đã dần quay trở lại và các doanh nghiệp vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động cũng như tìm kiếm các công nghệ mới để hoàn thiện khâu sản xuất.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương cũng bày tỏ hoan nghênh sự kiện, giúp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tại Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung tiếp cận với các công nghệ nhằm thúc đẩy sản xuất trong những năm tiếp theo.

Triển lãm ITCPE VIETNAM TEXPRINT 2023 là sự kiện quốc tế chuyên ngành lần đầu tiên về lĩnh vực công nghệ tin thêu được tổ chức tại Bình Dương - vùng đất công nghiệp, trong đó doanh nghiệp ngành may mặc chiếm tỉ lệ rất cao.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp dệt may tiếp cận công nghệ, thúc đẩy xuất khẩu - Ảnh 3.

Triển lãm quy tụ 200 gian hàng giới thiệu các sản phẩm, công nghệ tiên tiến nhất cho ngành công nghiệp in thêu và nguyên phụ liệu dệt may - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Sự kiện kỳ vọng sẽ thu hút sự quan tâm của đông đảo các doanh nghiệp tại Bình Dương và các tỉnh thành tập trung nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc như TPHCM, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh. Đây là nơi giúp cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế gặp gỡ, tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm, tăng cường hợp tác liên doanh liên kết, mở rộng thị trường, tiếp cận với công nghệ sản xuất và nguồn nguyên phụ liệu mới.

Ngoài ra, Triển lãm cũng được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp ngành dệt may trong nước đẩy mạnh đầu tư công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu, phát triển ngành dệt may Việt Nam theo tiêu chí "Thương mại xanh, công nghiệp xanh".

Trong khuôn khổ Triển lãm, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) chủ trì phối hợp cùng các đơn vị, công ty, tập đoàn dệt may trong nước và quốc tế, lãnh đạo/đại diện các khu công nghiệp, khu chế xuất tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm với nội dung chính về: Chuyển đổi kỹ thuật số và tính bền vững trong in ấn - dệt may/công nghệ in nhãn; Giải pháp chống hàng giả ngành dệt may, giải pháp in vải tùy chỉnh cho các doanh nghiệp; chương trình giới thiệu công nghệ, trình diễn sản phẩm tiêu biểu về in - thêu - dệt may của các đơn vị tham dự.

Để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp quốc tế về việc đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam, BTC còn có các chương trình tham quan, khảo sát chuyên sâu một số khu công nghiệp, khu chế xuất tại Bình Dương, TPHCM, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh... nhằm tìm hiểu về chính sách xúc tiến đầu tư của tỉnh; đồng thời tăng cường giao lưu hợp tác với các hiệp hội ngành hàng tăng cường ứng dụng quản lý nhà máy thông minh, thiết bị sản xuất thông minh, cùng nhau thúc đẩy sự phát triển của ngành.

Triển lãm sẽ kéo dài đến ngày 23/9.

 Anh Thơ

Top