Tạo động lực mới thu hút vốn đầu tư nước ngoài
(Chinhphu.vn) - Năm 2024, Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng được dự báo tiếp tục là “ điểm đến” hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài (FDI). Trong tháng 1/2024, xét về số dự án, TPHCM dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (chiếm hơn 42%) và góp vốn, mua cổ phần (chiếm 78,2%).
Theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, trong tháng đầu tiên của năm 2024, vốn đầu tư FDI đăng ký (gồm cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp) vào Việt Nam đạt hơn 2,36 tỷ USD, tăng hơn 40,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, TPHCM dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (chiếm 42,1%) và góp vốn, mua cổ phần (chiếm 78,2%).
Nhìn lại năm 2023, TPHCM dẫn đầu cả nước trong thu hút vốn FDI với 5,85 tỷ USD, tăng gần 50% so với năm 2022. Trong số đó, Thành phố có 1.202 dự án đầu tư được cấp mới, 296 dự án điều chỉnh vốn và 2.314 lượt góp vốn mua cổ phần.
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho biết, năm 2024 TPHCM tiếp tục tập trung nâng cao tỉ trọng thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có giá trị gia tăng cao, bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, có hiệu ứng lan tỏa tích cực đối với khu vực kinh tế tư nhân và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn Thành phố.
Hiện Thành phố đang hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo động lực mới cho thu hút và sử dụng FDI vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao.
Theo đó, năm 2024, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp (KCX&CN) sẽ xây dựng hoàn thành Đề án chuyển đổi thí điểm 5 KCX&CN. Cụ thể, KCX Tân Thuận (Quận 7) sẽ chuyển đổi theo hướng thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao; KCN Cát Lái (TP. Thủ Đức) chuyển đổi thành KCN logistics; KCN Tân Bình (Tân Phú - Bình Tân) được đầu tư theo mô hình KCN công nghệ cao; KCN Bình Chiểu (TP.Thủ Đức) chuyển đổi một phần theo hướng dịch vụ phục vụ công nghiệp.
Theo ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các KCX&CN TPHCM, nhằm thu hút các nhà đầu tư vào các KCX&CN, Ban Quản lý đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Trong đó, kéo giảm 30% thời gian giải quyết; thực hiện tiếp nhận và giải quyết trong một ngày làm việc; triển khai 17 thủ tục hành chính tiếp nhận trực tuyến trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Thành phố và tỉ lệ hồ sơ giải quyết trước hạn đạt 92%.
Ngoài ra, Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM cũng đã phân cấp, phân quyền cho Ban Quản lý trong việc thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cũng như các quyền liên quan đến giấy phép môi trường.
Là một trong những nhà đầu tư nước ngoài luôn nằm trong tốp đầu những nước đầu tư vào Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng trong những năm qua, theo kết quả khảo sát thực trạng doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đầu tư nước ngoài năm 2023 vừa được Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố cuối tháng 1/2024 cho thấy, có 56,7% DN Nhật Bản được khảo sát trả lời sẽ "mở rộng" tại Việt Nam.
Ông Nobuyuki Matsumoto, Trưởng đại diện JETRO tại TPHCM cho biết: Điểm nổi bật trong khảo sát là tỉ lệ DN Nhật trả lời "làm ăn có lãi" và "sẽ mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới" vẫn chiếm tỉ lệ cao. Thời gian qua, JETRO TPHCM tiếp nhiều DN Nhật Bản tìm hiểu thông tin, môi trường đầu tư. Hiện nay, JETRO có 75 văn phòng đại diện khắp các quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó văn phòng tại TPHCM "bận rộn" thứ hai.
Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ 3 trong số 120 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào TPHCM, với 1.657 dự án, tổng vốn 5,7 tỷ USD, chiếm 10% tổng vốn đầu tư nước ngoài tại TPHCM.
Năm 2024, TPHCM kêu gọi đầu tư vào 28 dự án cho tăng trưởng xanh với số vốn gần 160.000 tỷ đồng. Đáng chú ý là các dự án về hạ tầng giao thông, đơn cử, dự án đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài với quy mô vốn đầu tư hơn 19.800 tỷ đồng; dự án đường trên cao tuyến số 5 (đi trùng với đường Vành đai 2 từ nút giao trạm 2 đến nút giao An Sương) với 15.400 tỷ đồng..
Thành phố cũng kêu gọi đầu tư vào 6 dự án liên quan đến công nghệ cao. Trong đó, có 5 dự án thuộc nhóm nghiên cứu và triển khai lĩnh vực điện tử, vi mạch bán dẫn, công nghệ sinh học với tổng giá trị vốn kêu gọi đầu tư là gần 4.400 tỷ đồng. Riêng dự án trung tâm dữ liệu (Data Center) có vốn đầu tư 6.950 tỷ đồng. TP. Thủ Đức cũng lên kế hoạch xây dựng Khu trung tâm tài chính, thương mại dịch vụ tổng hợp và dân cư đa chức năng (12.071 tỷ đồng); Quảng trường trung tâm (5.348 tỷ đồng)…
Anh Lê