Tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thúc đẩy môi trường đầu tư minh bạch và hiệu quả
(Chinhphu.vn) - Luật số 57/2024/QH15 tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định về quy hoạch, đầu tư, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và đấu thầu, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thúc đẩy môi trường đầu tư minh bạch và hiệu quả.

Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC. Ảnh: VGP/LA
Ngày 24/4, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp cùng Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức Hội thảo "Luật số 57/2024/QH15 của Quốc hội và những chính sách mới về hoạt động đầu tư".
Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC, nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Luật số 57/2024/QH15. Luật này tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định về quy hoạch, đầu tư, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và đấu thầu, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thúc đẩy môi trường đầu tư minh bạch và hiệu quả.
Các chuyên gia kỳ vọng Luật số 57/2024/QH15 với những điểm mới như phân quyền cho UBND cấp tỉnh, cơ chế hỗ trợ đầu tư, điều chỉnh quy hoạch rút gọn và đơn giản hóa thủ tục đấu thầu sẽ tạo môi trường minh bạch, giúp khơi thông các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Thời gian qua, UBND TPHCM đã và đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm thu hút nguồn vốn từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức PPP để tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng đối với các dự án có sức lan tỏa rộng và tác động lớn tới phát triển kinh tế; các dự án hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng dân sinh thuộc ngành y tế, giáo dục…
Trong kế hoạch triển khai thực hiện các giải pháp về thu hút nguồn vốn đầu tư của năm 2025, UBND TPHCM ưu tiên mời gọi các nhà đầu tư từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức đối tác công tư (PPP) với nhiều dự án hạ tầng quan trọng như dự án Vành đai 4 đoạn qua TPHCM, dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài…
Cùng với đó, trong đề án huy động nguồn lực xã hội trong đầu tư phát triển y tế trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2025–2030, Thành phố cũng dự kiến huy động khoảng gần 24.000 tỷ đồng theo hình thức đối tác công tư (PPP) với 15 dự án.
Nhiều cơ hội thu hút đầu tư từ Trung tâm tài chính
Tại hội thảo, theo thông tin từ ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, trong bối cảnh cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giữ vững ổn định vĩ mô, năm 2024 và năm 2025 chứng kiến những nỗ lực cải cách thể chế mạnh mẽ trong lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam. Trọng tâm là việc rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp. Tư duy xây dựng pháp luật cũng có sự thay đổi từ "không quản được thì cấm" sang kiến tạo và thúc đẩy phát triển, đẩy mạnh phân cấp phân quyền.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Ảnh: VGP/LA
Ông Phan Đức Hiếu cho biết, trong năm 2025, Quốc hội ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ sản xuất kinh doanh đồng thời giữ vững ổng định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong nước. Theo đó, tiếp tục việc xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhiều luật quan trọng khác như Luật Doanh nghiệp, Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Luật Quảng cáo,… Các sửa đổi này nhằm tiếp tục thể chế hóa các chính sách ưu đãi, linh hoạt trong đấu thầu, đầu tư PPP, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Chính phủ đang đề xuất thành lập Trung tâm tài chính quốc tế đặt tại TPHCM và Đà Nẵng, đánh dấu bước đột phá trong thu hút đầu tư toàn cầu. Trung tâm này sẽ áp dụng 15 nhóm chính sách đặc thù, bao gồm ưu đãi về thuế, ngoại hối, ngân hàng, thị trường vốn và cơ chế giải quyết tranh chấp linh hoạt.
Mục tiêu chung của Trung tâm tài chính quốc tế là thu hút các tổ chức tài chính đa quốc gia bằng hệ thống pháp lý linh hoạt, thúc đẩy kinh tế thông qua thu hút đầu tư nước ngoài và nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ tài chính khu vực.
Quý I/2025 đã chứng kiến sự khởi sắc trong thu hút đầu tư của TPHCM, không chỉ với đầu tư trong nước, mà cả đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Thu hút FDI trong 3 tháng đầu năm 2025 (tính chung cả cấp mới và góp vốn, mua cổ phần) đạt 567,2 triệu USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm trước.
Lê Anh