Thành phố có thể đạt ngưỡng 1.000 ca xuất viện mỗi ngày

21/07/2021 10:00 PM

(Chinhphu.vn) - Trong ngày 21/7 có 587 trường hợp COVID-19 ở TPHCM được xuất viện. Trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hữu Hưng cho rằng số người xuất viện có thể tăng lên 1.000 ca mỗi ngày.

Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng phát biểu tại họp báo. Ảnh: Huyền Mai

Chiều 21/7, tại buổi họp báo về công tác phòng chống COVID-19, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế, thông tin Thành phố chủ động chuẩn bị và đáp ứng được khả năng điều trị cho bệnh nhân COVID-19 dù dịch bệnh diễn biến phức tạp. Thành phố hiện có 35 bệnh viện điều trị COVID-19, với tổng số trên 59.000 giường, như vậy đảm bảo được số giường theo kịch bản dự phòng.

Tính đến nay Thành phố có 4.837 người xuất viện, trong ngày 21/7 có 587 trường hợp. Trong thời gian tới, dựa vào tình hình điều trị, ông Nguyễn Hữu Hưng cho rằng sắp tới số xuất viện có thể đạt mức 1.000 ca mỗi ngày. Đối với 332 trường hợp tử vong, đa số là những người có bệnh nền như tim bạch, đái tháo đường, cao huyết áp…

Về đợt tiêm chủng thứ 5, Thành phố được phân bổ 930.000 liều vaccine phòng COVID-19, dự kiến thực hiện trong khoảng 2-3 tuần, cần thiết sẽ kéo dài hơn để không chịu áp lực về thời gian nhưng phải đảm bảo an toàn về giãn cách.

Rút kinh nghiệm từ đợt tiêm thứ 4, ông Hưng cho biết, Thành phố xác định khi chưa an toàn thì chưa triển khai, phải đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm cho người đến tiêm vaccine. Việc tiêm phòng trên nguyên tắc đảm bảo tuyệt đối an toàn, tổ chức trên tất cả các quận, huyện, TP. Thủ Đức, mỗi nơi tổ chức ít nhất 2 điểm tiêm tại trạm y tế và một địa điểm do địa phương bố trí.

Đối tượng tiêm vaccine thực hiện theo Nghị quyết 21, tuy nhiên với tình hình dịch bệnh hiện nay, Thành phố bổ sung nhóm người trên 65 tuổi, người có bệnh nền cần được ưu tiên bảo vệ. Người lớn tuổi được tiêm tại bệnh viện để đảm bảo sàng lọc. Nhưng không xem nhẹ cấp cứu ở các điểm tiêm cộng đồng, bố trí xe cấp cứu tại tất cả các điểm tiêm.

Ông Nguyễn Hữu Hưng cho hay ngành y tế chưa có chủ trương để người dân tự xét nghiệm nhanh tại nhà mà chỉ cho phép các DN dưới sự hướng dẫn của ngành y tế triển khai tầm soát đánh giá nguy cơ.

Về việc rút ngắn thời gian điều trị cho F0 và cách ly tại nhà với F1, BS Nguyễn Hữu Hưng cho biết kinh nghiệm của các nước, khi số ca dương tính tăng tạo áp lực lớn cho ngành y tế nên Thành phố tổ chức cách ly tại nhà với F1 để giảm tải cho ngành.

“Các quyết sách phải linh hoạt, mục tiêu cao nhất là đảm bảo tính mạng người dân”, ông Hưng nói và cho biết việc triển khai phải thực hiện theo hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Y tế và Chính phủ.

Ông Nguyễn Hữu Hưng nhấn mạnh việc cách ly F1 tại nhà không chỉ giải quyết chỗ cách ly tập trung, giảm gánh nặng cho ngành y tế mà còn xuất phát từ cơ sở khoa học: dù biến chủng Delta lây nhanh nhưng số người bệnh không triệu chứng từ 70-80%. Những người này không phải lúc nào cũng cần chăm sóc y tế và có thể lưu trú ở nơi thích hợp (như tại nhà, khu cách ly tập trung các quận, huyện).

Ngành y tế hiện đã tổ chức phân tầng điều trị, các bệnh nhân không giống nhau nên cần áp dụng biện pháp ứng xử khác nhau. “Việc cách ly F1 tại nhà và rút ngắn thời gian điều trị F0 phải đáp ứng điều kiện nghiêm ngặt; đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ của địa phương và sự tuân thủ của người cách ly”, ông Hưng nói.

Băng Tâm

Top