Thí điểm cho các chợ truyền thống đang tạm ngưng mở bán rau củ quả

14/07/2021 6:28 AM

(Chinhphu.vn) - Ngày 13/7, Sở Công Thương TPHCM gửi công văn hỏa tốc đến UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức và ban quản lý các chợ truyền thống hướng dẫn việc tổ chức hoạt động các chợ truyền thống trong thời gian tới.

Nhu cầu mua sắm của người dân tại các siêu thị tăng cao, có thời điểm gây tình trạng thiếu hàng cục bộ. Ảnh: VGP/Lê Anh

Theo đó, Sở Công Thương đề nghị UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức triển khai chỉ đạo đơn vị quản lý các chợ đang tạm dừng hoạt động trên địa bàn lựa chọn vị trí, tổ chức các điểm bán phù hợp tại khu vực chợ, bảo đảm các quy định trong công tác phòng, chống dịch. Trước mắt rà soát, thí điểm lựa chọn một số tiểu thương kinh doanh mặt hàng rau, củ, quả, khoảng từ 2 đến tối đa 10 tiểu thương (tùy theo quy mô hoạt động của chợ).

Trong trường hợp nhiều tiểu thương có nhu cầu kinh doanh, đơn vị quản lý chợ sắp xếp, tổ chức cho tiểu thương kinh doanh theo hình thức luân phiên.

Ban quản lý chợ sẽ hướng dẫn tiểu thương chủ động chuẩn bị nguồn hàng, phân chia sẵn, đóng gói sản phẩm theo quy cách đồng giá để thuận tiện, nhanh chóng trong mua bán, hạn chế tối đa việc tiếp xúc giữa người bán - người mua và thông qua khu phố, tổ dân phố để thông tin về việc tổ chức các điểm bán đến người dân sinh sống trên địa bàn (thời gian, mặt hàng, quy cách, giá bán...) để người dân biết, chuẩn bị sẵn số tiền tương ứng với giá bán của từng mặt hàng và khi đến chợ thực hiện trả tiền - lấy hàng hóa được nhanh chóng.

Ban quản lý chợ sẽ phát thẻ ra vào chợ để kiểm soát số lượng, phân bố số người đến theo khung giờ, đảm bảo khống chế lượng khách ra vào chợ phù hợp với số lượng hàng hóa cung ứng và hạn chế tối đa tình trạng tập trung đông người.

Sở Công Thương đồng thời đề nghị các địa phương tổ chức, đánh giá việc thực hiện các phương án phòng, chống dịch COVID-19 của các chợ truyền thống trên địa bàn; nghiên cứu rà soát các tiêu chí chưa đạt, không đủ điều kiện để có biện pháp khắc phục, nhanh chóng đưa vào hoạt động trở lại để phục vụ người dân trên địa bàn theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND Thành phố tại Công văn số 2268/UBND-KT ngày 7/7/2021.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, các giải pháp này đưa ra nhằm bổ sung các điểm cung ứng hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu, giảm tải lượng khách đến hệ thống phân phối hiện đại, bảo đảm việc cung ứng hàng hóa cho người dân địa phương (ưu tiên tập trung vào các mặt hàng tươi sống, rau, củ, quả).

Theo thống kê từ Sở Công thương, tính đến ngày 12/7, toàn TPHCM có 63/234 chợ truyền thống đang hoạt động và kinh doanh thực phẩm (có 171/234 chợ tạm ngưng hoạt động để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19).

Để đa dạng nguồn hàng và điểm bán, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân thành phố trong những ngày thực hiện Chỉ thị 16, cùng với việc đề nghị thí điểm cho 1 số tiểu thương kinh doanh rau củ quả tại các chợ truyền thống đang tạm ngưng hoạt động, thời gian qua, Sở Công Thương TPHCM  kêu gọi các doanh nghiệp chung tay tham gia bán hàng lưu động phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Theo đó, trong ngày 13/7, 3 xe bán hàng lưu động khác của AEON đã đưa các mặt hàng thực phẩm thiết yếu đến tay người dân tại 4 điểm, thuộc 3 quận Tân Bình, Bình Thạnh và Quận 3.

Trước AEON, một số chuyến xe bán hàng lưu động của các đơn vị như MM Mega Market, Vettel Post, Tổng Công ty Đối tác chân thật (thuộc Trung tâm công tác xã hội thanh thiếu niên Việt Nam), Bách Hoá Xanh, Satra... đã khởi hành đưa hàng hoá thiết yếu, rau củ quả tươi đến phục vụ người dân một số khu vực đông dân cư trong khi số cửa hàng, siêu thị còn ít, không đáp ứng kịp nhu cầu mua sắm tăng cao.

Lê Anh

Top