Tiệc cưới: Nét văn hóa đặc sắc của người Sài Gòn

20/01/2023 10:41 AM

(Chinhphu.vn) - Có rất nhiều nét văn hóa được thể hiện qua từng hơi thở, nhịp sống của Thành phố Hồ Chí Minh tạo nên một thành phố năng động, nhộn nhịp, hối hả cùng với tính cách của người Sài Gòn thẳng thắn, chân tình, phóng khoáng, nghĩa hiệp. Và cách tổ chức, đi dự tiệc cưới cũng là một trong những nét văn hóa rất đặc sắc, riêng biệt của người Sài Gòn.

Tiệc cưới: Nét văn hóa đặc sắc của người Sài Gòn - Ảnh 1.

Cách tổ chức, đi dự tiệc cưới cũng là một trong những nét văn hóa rất đặc sắc, riêng biệt của người Sài Gòn - Ảnh: VGP/Minh Thi

Ngay trông cách đặt tên "Tiệc cưới" đã nói lên ý nghĩa và quan niệm của người Sài Gòn về buổi lễ này. Nếu như ở miền Bắc, miền Trung thường gọi là đi "ăn cưới", đi dự "đám cưới" thì người Sài Gòn bao giờ cũng hỏi nhau: "có đi dự tiệc cưới không", "tiệc đãi ở đâu", "tiệc cưới lớn không"…

Chữ "tiệc" ở đây đã mặc định và ngầm hiểu đó là một buổi lễ có nghi thức, nghi lễ trang trọng cùng với sự trọng thị của chủ nhân buổi tiệc là sự trân trọng và sự hồ hởi đón chào buổi tiệc của người đến dự đã làm cho những đám cưới của dù tổ chức ở khung cảnh, không gian và trong điều kiện nào cũng trở nên trang trọng và thiêng liêng.

Có một nhận xét của rất nhiều người ở vùng miền khác khi dự đám cưới ở TPHCM là sao đám cưới ở đây "dây thun" quá. Thiệp mời từ 18h nhưng thường cứ sau 19h30 -20h mới tổ chức nghi lễ. Thế nhưng thói quen đó, phong tục đó cứ được duy trì mấy chục thập kỷ qua và nó đều có lý do, ý nghĩa riêng của nó.

Bởi vì, trong khoảng thời gian "dây thun" đó là cơ hội tuyệt vời để khách đến dự tiệc có thể giao lưu, chào hỏi cô dâu, chú rể cùng gia đình hai họ. Đây cũng là dịp để người thân, các nhóm bạn bè thăm hỏi, chia sẻ nhiều điều mà mà do dòng chảy hối hả, bận rộn của cuộc sống hàng ngày làm họ không có điều kiện gặp gỡ, trò chuyện.

Trong không gian đèn hoa rực rỡ cùng nhạc du dương lãng mạn nhưng rất tươi vui và háo hức này những câu chuyện mới hứng khởi làm sao, những cái nắm tay càng thêm thắt chặt, nụ cười càng thêm rạng rỡ, câu chuyện càng thêm chân tình và tình thân ngày càng được vun đắp.

Tiệc cưới: Nét văn hóa đặc sắc của người Sài Gòn - Ảnh 2.

Trong khoảng thời gian đợi chờ khoảng khắc thiêng liêng nhất của buổi tiệc, gia đình hai bên cô dâu, chú rể có thể thả sức chụp ảnh lưu niệm để ghi nhớ lại khoảnh khắc đáng nhớ của đôi trẻ - Ảnh: VGP/Minh Thi

Có thể nói cái gọi là "dây thun", đó đã góp phần gắn kết những người đi dự tiệc, tạo cơ hội hiếm có để phái nữ được thể hiện những bộ váy áo lộng lẫy, duyên dáng, để phái nam được tán chuyện bạn bè, thể thao, chứng khoán...

Trong khoảng thời gian đợi chờ khoảng khắc thiêng liêng nhất của buổi tiệc, gia đình hai bên cô dâu, chú rể có thể thả sức chụp ảnh lưu niệm để ghi nhớ lại khoảnh khắc đáng nhớ của đôi trẻ. Các nhóm bạn từ những cô cậu trẻ trung (bạn của cô dâu, chú rể) đến các ông bà, các bác, các cô (bạn của thân sinh cô dâu, chú rể) cũng có sung sướng sức selfie, tranh thủ đăng ngay lên Facebook, Zalo những bức ảnh đẹp, thắm tình thân hữu, ruột thịt để lan tỏa niềm vui hạnh phúc của cặp đôi hạnh phúc tới mọi người.

Trong khi chờ đợi khách mời đến đông đủ, ở các bàn tiệc mọi người sẽ thỏa sức hàn huyên, thăm hỏi nhau để chia sẻ nỗi niềm. Cùng lúc đó trên sân khấu, những hình ảnh đẹp, lãng mạn và thiêng liêng của cô dâu, chú rể và gia đình 2 bên được trình chiếu trên màn hình để mọi người cảm nhận chia vui cũng như hiểu hơn, biết hơn về cặp đôi và gia đình hai họ.

Các clip được trình chiếu cũng rất phong phú, đa dạng về nội dung, thể loại tùy theo tính cách, điều kiện và sở thích của từng gia đình và đôi trẻ. Có những clip sẽ tập trung vào những kỷ niệm, giây phút từ lúc mới quen đến khi quyết định về chung một nhà của cặp đôi hạnh phúc; có clip thì lại lấy tâm điểm lễ ăn hỏi giữa 2 gia đình, sự hiện diện của cha mẹ 2 bên làm tâm điểm... Dù có nhiều cách thể hiện khác nhau nhưng ý nghĩa, thông điệp của tất cả các clip đều muốn chia sẻ niềm vui, hạnh phúc của đôi trẻ cùng sự biết ơn cha mẹ, gia đình, người thân, bạn bè.

Trước giờ phút thiêng liêng của tiệc cưới, cả khán phòng sẽ được nghe những điệu múa nhẹ nhàng trên giàn nhạc trữ tình tạo nên một không gian thơ mộng đem đến cảm xúc lâng lâng, bồi hồi với tất cả mọi người.

Tiệc cưới: Nét văn hóa đặc sắc của người Sài Gòn - Ảnh 3.

Hình ảnh trang trọng, lung linh của cặp đôi hạnh phúc tay trong tay dìu nhau trên thảm đỏ đi lên sân khấu - Ảnh: VGP/Minh Thi

Và khi đèn chuyển màu cũng là thời khắc tất cả mọi người có mặt trong khán phòng háo hức, hướng mắt nhìn ra cửa khán phòng để đón nhận hình ảnh thật đẹp, trang trọng, lung linh của cặp đôi hạnh phúc tay trong tay dìu nhau trên thảm đỏ đi lên sân khấu. Chắc rằng đa số những người đến dự trong giây phút đó ai cũng nhớ lại ký ức hạnh phúc đó của riêng mình và lòng lâng lâng xao xuyến. Trong dòng chảy của những lo toan của đời sống thường nhật hàng ngày, đôi khi có được những cảm xúc ngọt ngào đó cũng thật tuyệt vời!

Tiếp đến là màn hai cặp song thân của cô dâu, chú rể tươi vui, rạng ngời trong những bộ trang phục lịch sự (bố thường comle và mẹ là áo dài kèm theo tay đeo một cái túi nhỏ) cùng tiến về sân khấu với nụ cười tràn ngập hạnh phúc.

Tiệc cưới: Nét văn hóa đặc sắc của người Sài Gòn - Ảnh 4.

Hai cặp song thân của cô dâu, chú rể tươi vui, rạng ngời trong những bộ trang phục lịch sự bước lên sân khấu - Ảnh: VGP/Minh Thi

Phần lễ này tuy có chung một kịch bản từ mấy chục năm nay là MC sẽ dẫn dắt cho màn chào hỏi, phát biểu của nhà trai, khui rượu, rót rượu (để cô dâu, chú rể mời cha mẹ), cắt bánh và khai tiệc. Tuy nhiên, ngày nay các bạn trẻ đã cách điệu và đổi mới nhiều trên nền tảng kịch bản truyền thống đó. 

Có những đám cưới, cô dâu chú rể xuất hiện từ hai cánh gà và tiến ra sân khấu tình tứ với màn song ca trong sự đón nhận đầy bất ngờ và thú vị của quan khách. Có những đám cưới, chú rể làm MC và sau màn truyền thống cặp đôi chia sẻ về những kỷ niệm cơ duyên quen nhau bằng những tiết mục rất tự nhiên làm cho khách mời háo hức lắng nghe. Tuy nhiên thường thì MC vẫn là được thuê từ các trung tâm tổ chức tiệc cưới chuyên nghiệp.

Trong toàn bộ thời gian của nghi lễ trên, khán phòng dù vài chục người đến hàng ngàn người mọi người đều im lặng hướng về sân khấu với một tình cảm trân trọng tạo cho không gian, không khí của tiệc cưới trở nên thiêng liêng, trang trọng và ấm áp.

Tiệc cưới: Nét văn hóa đặc sắc của người Sài Gòn - Ảnh 5.

Cả khán phòng đều háo hức hướng về sân khấu chứng kiến phần cô dâu, chú rể rót rượu mời cha mẹ hai bên - Ảnh: VGP/Minh Thi

Tiếp đến khai tiệc là phần vỡ òa của cảm xúc vui vẻ, chân tình từ cô dâu, chú rể, gia đình hai họ đến khách mời. Mọi người nâng ly chúc tụng và thoải mái trò chuyện trong dàn nhạc vui nhộn. Có những tiệc cưới chỉ dùng nhạc không lời du dương, có tiệc thì có ca sỹ đến hát và có những tiệc tiết mục văn nghệ sẽ góp vui bằng "cây nhà lá vườn" của bạn bè, người thân...

Trong suốt buổi tiệc, các nhóm bạn, người quen sẽ sang bàn chúc tụng, thăm hỏi nhau tạo nên một không gian chân tình, mộc mạc và gần gũi. Câu chuyện trong các bàn tiệc đều nói về cô dâu, chú rể và gia đình hai bên với tình cảm thân thiết và mong muốn hạnh phúc cho đôi trẻ. Cô dâu, chú rể và có khi cả các bà mẹ thay xong trang phục sẽ bắt đầu màn đến từng bàn để cảm ơn và chụp ảnh lưu niệm. Ngày nay, nhiều gia đình đã thay màn này bằng việc chụp ảnh ngay từ đầu buổi tiệc khi khách mời mới đến.

Tiệc cưới: Nét văn hóa đặc sắc của người Sài Gòn - Ảnh 6.

Niềm vui của gia đình hai bên cùng khách mời của buổi tiệc - Ảnh: VGP/Minh Thi

Sự hào phóng, hào sảng của người Sài Gòn thể hiện qua sự chuẩn bị về trang phục, quà mừng khi đến dự tiệc. Xuất phát từ sự trân trọng buổi tiệc cưới nên người Sài Gòn rất coi trọng trang phục để đến dự tiệc. Hầu như từ nam hay nữ, từ già hay trẻ mọi người đều ý thức phải mặc thật đẹp, trang điểm thật kỹ, chỉnh chu hết sức có thể để buổi tiệc được trang trọng và lịch sự. 

Đối với nam giới thì có thể đơn giản hơn một chút nhưng nữ giới thì thật công phu. Các bà, các bác, các cô, các chị, các em và thậm chí cả các cháu có khi phải sắm quần áo từ khi nhận được thiệp mời. Trước buổi tiệc vài giờ là lo đến tiệm tóc để làm tóc, trang điểm sao mình đẹp hơn ngày thường thật nhiều mà không hề tính toán đến chi phí này. Miễn sao là lịch sự, đẹp để đi dự tiệc. Đôi khi mọi người thường đùa nhau; "Ủa đám cưới người ta sao mình chuẩn bị kỹ và tốn kém vậy ta".

Tiệc cưới: Nét văn hóa đặc sắc của người Sài Gòn - Ảnh 7.

Tính cách hào phóng, hào sảng của người Sài Gòn thể hiện qua sự chuẩn bị về trang phục, quà mừng khi đến dự tiệc - Ảnh: VGP/Minh Thi

Sự trang trọng về việc tổ chức tiệc cưới đã thấm vào suy nghĩ không chỉ từng người Sài Gòn mà trong cả những nhà đầu tư, kinh doanh cho loại hình dịch vụ này. Có thể nói chưa có một nơi nào trong cả nước ta hay có thể nói là ở Đông Nam Á lại có một hệ thống nhà hàng tiệc cưới sang trọng, quy mô và dịch vụ tốt như ở TPHCM. 

Ngay cả những nhà hàng tổ chức tiệc cưới ở tầm trung thì khâu tổ chức và dịch vụ vẫn được những nhà đầu tư loại hình này chú trọng để sao cho buổi tiệc được trân trọng, ý nghĩa và thoải mái cho người dự tiệc.

Tiệc cưới: Nét văn hóa đặc sắc của người Sài Gòn - Ảnh 8.

TPHCM có một hệ thống nhà hàng tiệc cưới sang trọng, quy mô và dịch vụ rất tốt - Ảnh: VGP/Minh Thi

Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các cặp đôi nhân ngày kết duyên trăm năm hạnh phúc, hầu như tất cả các khách sạn 5 sao, 4 sao tại TPHCM đều tổ chức dịch vụ tiệc cưới rất chuyên nghiệp và bài bản.

Bên cạnh các chuỗi nhà hàng cao cấp và tầm trung thì hệ thống nhà hàng ăn uống lớn có diện tích rộng với sức chứa hàng trăm khách trở lên cũng tham gia vào việc tổ chức tiệc cưới để phục vụ đa dạng các phân khúc khách hàng cả thành phố hơn 10 triệu dân này.

Rất nhiều Việt kiều đi xa quê hương lâu năm hay những vị khách nước ngoài khi về Sài Gòn dự tiệc cưới đều có chung một nhận xét và trầm trồ khi dự tiệc cưới lần đầu ở TPHCM là rất "đỉnh" về quy mô nơi tổ chức, dịch vụ, hình thức và đồ ăn tại các buổi tiệc.

Có rất nhiều nét văn hóa để tạo nên một TPHCM năng động, trẻ trung; người Sài Gòn giản dị, phóng khoáng, hào sảng, thẳng thắn, thân thiện, sẻ chia, tình cảm… Và tính cách đó, đặc trưng đó lan tỏa vào từng nét sinh hoạt văn hóa của đời sống, trong đó có văn hóa tiệc cưới của người Sài Gòn.

Một thành phố đang ngày một phát triển với nhịp sống sôi động đầy sức trẻ và cùng với sự phát triển đó, những văn hóa như uống cà phê, dự tiệc cưới…sẽ tạo nên nét văn hóa đặc trưng để mỗi người Sài Gòn dù sinh sống ở nơi xa hay hàng ngày đang hối hả làm việc mưu sinh cũng đều thấy yêu quý, trân trọng khi nghĩ về Thành phố của mình.

Minh Thi

Top