Tiếp tục lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện Đề án sách giáo khoa điện tử

21/07/2014 9:35 AM

Tiếp tục phát huy thế mạnh là địa phương đi đầu trong phương pháp dạy và học nhất là trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin, ngày 18-7, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM (Sở GD-ĐT) đã tổ chức Hội thảo về Đề án thí điểm chương trình sách giáo khoa (SGK) điện tử lớp 1, 2 và 3, nhằm lấy ý kiến đóng góp của giới chuyên môn để xây dựng Đề án. Đến dự hội thảo có ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP.

Phó Chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận phát biểu tại Hội thảo.
Nếu Đề án được triển khai, mỗi học sinh sẽ sử dụng một máy tính bảng riêng, trong đó tích hợp toàn bộ bài học trong SGK. Với kích thước máy tính bảng nhỏ gọn chỉ bằng quyển sách thông thường, học sinh không cần mang cặp sách nặng nề đến lớp. Tất cả thao tác như giới thiệu bài học cùng hình ảnh, video minh họa, kiểm tra bài, chơi trò chơi giáo dục, nhận xét về bài học, làm bài tập... đều được thao tác trên máy tính bảng. Theo đại diện NXB Giáo Dục, giải pháp này khắc phục những hạn chế của sách giấy như cập nhật chậm, đơn điệu, khó tra cứu, không tương tác, cồng kềnh. Tập đoàn Intel sẽ là đơn vị sẽ đảm trách việc đào tạo giáo viên nếu Đề án được phê duyệt.
Bà Nguyễn Ngọc Hạnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm phát biểu.
Hầu hết các đại biểu cho rằng, sách giáo khoa điện tử là xu thế của dạy học hiện đại, đánh dấu bước tiến mới trong việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số. Đề án SGK điện tử sẽ tạo thuận lợi cho công tác giảng dạy, phù hợp với xu hướng chung của xã hội trong việc đổi mới giáo dục - đào tạo, phát triển đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin trong nhà trường.
Một số đại biểu cũng bày tỏ sự băn khoăn, trăn trở: Đề án sẽ thí điểm tại quận, huyện nào ở TP và thí điểm 1 khối, 1 lớp hay nhiều lớp; kinh phí để mua máy tính bảng có từ đâu, do ngân sách của TP, do các trường hay do phụ huynh đóng góp; nguồn kinh phí để thực hiện đề án này là 4000 tỉ là con số quá lớn, học sinh sẽ bảo quản SGK điện tử thế nào; vấn đề thị lực khi sử dụng SGK điện tử... Hoặc quan trọng hơn, nếu sử dụng sách giáo khoa điện tử thì học sinh có quay lưng với phương pháp dạy truyền thống hay không và chất lượng giáo viên để đáp ứng dạy học bằng sách điện tử cần có hướng đào tạo như thế nào cho phù hợp.
Tại hội thảo, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP, cho biết Đề án "Thí điểm chương trình sách giáo khoa điện tử lớp 1, 2, 3 bậc tiểu học tại TP” là một trong những giải pháp TP thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo. TP dự kiến là nơi đầu tiên thí điểm nên phải xem xét, đánh giá kỹ tác động của Đề án. Tuy nhiên, Phó chủ tịch cũng cho rằng không thể bỏ phương pháp giáo dục truyền thống vì ở lứa tuổi này việc rèn luyện chữ là rất quan trọng, điều này không thể thực hiện trên máy móc. Đây là hội thảo lần đầu nên chưa thể đánh giá, kết luận được. Vì vậy, Phó Chủ tịch chỉ đạo Sở GD-ĐT tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện Đề án; từ đầu năm học 2014 – 2015, sẽ tiến hành lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của đội ngũ quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh và học sinh.
Minh Dung
 

 

Top