Tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM là phù hợp nhưng cần tiếp tục được hoàn thiện
(Chinhphu.vn) - Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định điều này tại Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 131/2020/QH14 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM, diễn ra sáng 13/10.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Vũ Phong
Ngày 16/11/2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 131 về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM và ngày 19/12/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1111 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP. Thủ Đức thuộc TPHCM.
Thành phố là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện tổ chức chính quyền đô thị (không thí điểm) và thực hiện mô hình thành phố trong Thành phố. Qua 3 năm thực hiện chính quyền đô thị, TPHCM đã sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan, đơn vị khi thực hiện tổ chức chính quyền đô thị khẩn trương, nghiêm túc, tinh gọn, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả hoạt động; công tác cán bộ về cơ bản hoàn thành tốt.
Thực hiện Nghị quyết 131, TPHCM không tổ chức HĐND tại 16 quận và 249 phường. Đồng thời, điều chỉnh một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TP.HCM, UBND, Chủ tịch UBND quận, phường trong điều kiện không tổ chức HĐND.
Mục tiêu là nhằm tinh gọn, đổi mới mạnh mẽ và linh hoạt hoạt động của bộ máy chính quyền, giải quyết các vấn đề lớn của đô thị đặc biệt, phát huy tốt nhất vai trò, vị trí của TPHCM.

Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thanh Nhân báo cáo tình hình 3 năm thực hiện chính quyền đô thị tại TPHCM - Ảnh: VGP/Vũ Phong
Trên tinh thần đó, từ năm 2021 đến nay, HĐND TPHCM đã tổ chức hàng trăm cuộc khảo sát; tăng cường hoạt động tiếp xúc cử tri chuyên đề, ngành, giới; đối thoại doanh nghiệp; giám sát chuyên đề.
UBND TPHCM cũng đã nỗ lực nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Trong đó, đã tập trung chỉ đạo tăng cường tiếp xúc, đối thoại, tiếp công dân định kỳ theo đúng quy định; tập trung giải quyết các trường hợp khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, tồn đọng, kéo dài.
Một trong những kết quả đáng chú ý khi thực hiện Nghị quyết 131 là UBND TPHCM đã ban hành nhiều quyết định phân cấp trên một số lĩnh vực như tài chính, kế hoạch và đầu tư, nội vụ, tài nguyên và môi trường, lao động - thương binh và xã hội, nông nghiệp và phát triển nông thôn, khoa học và công nghệ, xây dựng, công thương.
UBND Thành phố còn xây dựng đề án về ủy quyền cho các sở, ngành, thủ trưởng các sở, ngành, UBND quận, huyện, Chủ tịch UBND quận, huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố.
Qua đó, tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị, địa phương phát huy vai trò, thế mạnh của mình trong thực hiện nhiệm vụ được giao, giảm khâu trung gian không phải trình qua UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố nên rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính.

Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: VGP/Vũ Phong
Cần thực hiện triệt để sự phân cấp, phân quyền để tạo hiệu lực, hiệu quả
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho hay, qua báo cáo, có thể khẳng định tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM là phù hợp và đã phát huy được hiệu quả.
Tuy nhiên, qua 3 năm thực hiện vẫn bộc lộ nhiều một số bất cập. Cụ thể, số biên chế ít so với số lượng công vụ.
Đơn cử như báo cáo phường Bình Hưng Hòa A (huyện Bình Chánh). Phường có 31.025 hộ, 125.894 nhân khẩu, đông gấp 8 lần so với tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, hiện nay, UBND phường chỉ được giao 36 biên chế, gồm 22 cán bộ, công chức và 14 cán bộ không chuyên trách. Như vậy, trung bình mỗi công chức và người hoạt động không chuyên trách phường (khối chính quyền) phải phục vụ từ 5.000 đến 6.000 người dân (22 cán bộ/125.000 dân).
Ngoài bất cập về biên chế, theo ông Mãi, sự phân cấp, phần quyền để đạt được mục tiêu chính quyền đô thị gọn, mạnh, nhanh để đạt được hiệu lực, hiệu quả vẫn chưa được thực hiện triệt để. Thiếu sự chủ động trong điều hành một số công tác, ví dụ công tác về ngân sách, đầu tư và một số quyết định hành chính khác.
"Ở đây không chỉ là thiếu chủ động để điều hành nhanh mà còn là vấn đề mất động lực về quản lý trên địa bàn", Chủ tịch UBND Thành phố nhận định.
Bên cạnh đó, người đứng đầu chính quyền Thành phố cho rằng, trong thực hiện chính quyền đô thị, việc thực hiện quyền làm chủ của người dân cần được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn khi phường và quận ko còn HĐND. Cần hoàn thiện cơ chế để chính quyền trực tiếp gặp gỡ nhân dân, lắng nghe nhân dân.
"Có thể nói, tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM là phù hợp nhưng cần tiếp tục được hoàn thiện. Trong 3 năm thực hiện thì tình hình kinh tế-xã hội, an ninh-trật tự ổn định và phát triển. Người dân và doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ với mô hình này", ông Mãi nhấn mạnh.
Đối với nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị các cấp trong hệ thống chính trị, đặc biệt là hệ thống chính quyền tập trung thực hiện Nghị quyết 131 trên cơ sở phát huy các kết quả đạt được cũng như chủ động đề xuất, khắc phục bất cập đã nhận diện.
Trong đó, tiếp tục tập trung xây dựng chính quyền các cấp, các cơ quan nhà nước trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiêu quả để bộ hệ thống hành chính phải theo kịp, phục vụ và kiến tạo cho sự phát triển của Thành phố.
Đồng thời, tập trung rà soát, hoàn thiện quy trình thủ tục, tập trung cho công tác CCHC ở từng cấp, từng cơ quan từ Thành phố đến phường; lấy chỉ số CCHC được đánh giá hằng nằm để soi rọi và có biện pháp khắc phục.
Xây dựng vị trí việc làm ở từng cơ quan; xây dựng và triển khai khung năng lực về công chức viên chức để giải quyết các vấn đề bất cập về biên chế của TPHCM. Cùng với đó là đẩy nhanh xây dựng chính quyền số.
Ông Mãi cũng yêu cầu chính quyền các cấp nghiên cứu và triển khai các biện pháp để phát huy quyền làm chủ của người dân. Tổ chức gặp gỡi đối thoại với người dân và doanh nghiệp gắn với đổi mới phương pháp đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Phối hợp chặt chẽ để phát huy tốt vai trò giám sát của HĐND Thành phố, HĐND TP. Thủ Đức và MTTQ các cấp.
Ngoài ra, triển khai các nội dung về tổ chức bộ máy của TP. Thủ Đức theo Nghị quyết 98 của Quốc hội gắn với nâng cao hiệu qủa của tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ của TP. Thủ Đức.
Đồng thời, tập trung hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận TP. Thủ Đức là đô thị loại 1. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức bộ máy để Thủ Đức có thể thực hiện mục tiêu là thành phố năng động, sáng tạo, tương tác cao ở phía đông kết nối với cùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Anh Thơ