Tội phạm về xâm phạm quyền sở hữu chiếm tỉ lệ cao tại các tỉnh phía nam
(Chinhphu.vn) - Tính chất của tội phạm xâm phạm trật tự xã hội diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động, liều lĩnh. Đáng chú ý, nhóm tội phạm về xâm phạm quyền sở hữu chiếm tỉ lệ cao trong cơ cấu tội phạm (cướp, cướp giật tài sản; lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Chiều 12/9, Công an TPHCM cùng Công an các tỉnh: Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Quy chế phối hợp số 303 QCPH/ngày 29/10/2020 về đảm bảo an ninh, trật tự tại các địa bàn giáp ranh.
Đến dự Hội nghị có: Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên; Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an; Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi; Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa; Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Võ Văn Minh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tây Ninh Phạm Hồng Thái; Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng; Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TPHCM…
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thiếu tướng Lê Hồng Nam cho biết, trước yêu cầu cấp thiết của tình hình thực tế trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, ngày 29/10/2020, Công an: TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang đã ký kết Quy chế phối hợp số 303 để đảm bảo an ninh và trật tự an toàn xã hội ở khu vực địa bàn giáp ranh.
Việc ký kết quy chế phối hợp thể hiện sự quyết tâm của Đảng ủy Ban Giám đốc Công an cùng toàn thể lực lượng Công an Thành phố trong công tác hiệp đồng, phối hợp đấu tranh với các loại tội phạm, mà đặc biệt là các tội phạm lợi dụng vùng địa bàn giáp ranh để hoạt động. Ngay sau lễ ký kết Quy chế phối hợp, công an các tỉnh, thành phố đã nhanh chóng triển khai, thực hiện các nội dung đã ký kết đến từng cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị trực thuộc của mình. Trên cơ sở đó, các đơn vị nghiệp vụ và công an các quận, huyện, TP. Thủ Đức, công an các phường, xã của các địa phương đã nhanh chóng triển khai các kế hoạch trong Quy chế 303.
Thiếu tướng Lê Hồng Nam nhấn mạnh, Hội nghị là dịp để lực lượng công an các tỉnh, thành phố đánh giá lại tình hình, kết quả, đánh giá những tồn tại, hạn chế và những nội dung cần bổ sung sau 2 năm thực hiện.
Theo báo cáo tại Hội nghị, sau 2 năm triển khai thực hiện Quy chế, Công an địa phương của 7 tỉnh, thành phố đã tập trung tăng cường công tác phối hợp trao đổi thông tin, xác minh; phối hợp trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, đối sách với các đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia; triển khai phối hợp đấu tranh phòng chống các loại tệ nạn xã hội, tội phạm hình sự nguy hiểm và tội phạm có tính quốc tế; phối hợp trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường đi qua các tỉnh giáp ranh...
Qua đó, tình hình tội phạm về trật tự xã hội tại khu vực Đông Nam Bộ được đảm bảo, tội phạm về trật tự xã hội các tỉnh, thành phố giáp ranh từng bước được kiểm soát, kéo giảm. Ghi nhận từ đầu năm 2022 đến nay, 07 tỉnh, thành phố giáp ranh đã kéo giảm 8,68% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 10,89% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, tính chất của tội phạm xâm phạm trật tự xã hội diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động, liều lĩnh. Đáng chú ý, nhóm tội phạm về xâm phạm quyền sở hữu chiếm tỉ lệ cao trong cơ cấu tội phạm (cướp, cướp giật tài sản; lừa đảo chiếm đoạt tài sản...); tội phạm về đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gá bạc tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm cờ bạc online.
Ngoài ra, xuất hiện xu hướng đan xen, gắn kết giữa các loại tội phạm, hình thành các băng nhóm tội phạm hoạt động lưu động, liên tuyến, liên tỉnh, gây khó khăn cho công tác phòng ngừa, đấu tranh; đa số tội phạm hoạt động lưu động là các đối tượng có tiền án, tiền sự nên phương thức, thủ đoạn chuyên nghiệp, tỉnh vi, manh động và thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động sau khi gây án gây khó khăn trong công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn.
Tội phạm về ma túy diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng cả về quy mô và tính chất, phương thức thủ đoạn manh động, nguy hiểm có trang bị vũ khí quân dụng, số lượng ma túy thu giữ trong các vụ án ngày càng nhiều; đã phát hiện nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy liên tỉnh, xuyên quốc gia; tình trạng các đối tượng tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện, các khu nhà trọ, khu chung cư ngày càng nhiều.
Tội phạm sử dụng công nghệ cao gia tăng về số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tính chất, thủ đoạn tinh vi, gây bức xúc trong dư luận; hoạt động "tín dụng đen", vay tiền nhanh, vay ngang hàng, tổ chức đánh bạc, môi giới mại dâm trên các nền tảng di động và qua mạng Internet diễn biến phức tạp gây mất an ninh trật tự.
Tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng nổi lên là hoạt động lợi dụng các sơ hở trong quản lý kinh tế để chiếm đoạt tài sản, sai phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, đấu thầu, quản lý, sử dụng đất đai; hoạt động kinh doanh, buôn bán hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, trốn thuế,...
Tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường chủ yếu là các vi phạm trong xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường, quản lý chất thải nguy hại, vệ sinh an toàn thực phẩm; tình trạng khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép còn xảy ra nhiều tại các địa phương, tại khu vực giáp ranh gây khó khăn cho công tác ngăn chặn, bắt giữ, xử lý.
Anh Thơ