TPHCM đã đảm bảo Tết Quý Mão yên vui, đầm ấm, an toàn, tiết kiệm cho mọi người

31/01/2023 11:57 AM

(Chinhphu.vn) - Tết Quý Mão 2023, hoạt động chăm lo Tết của TPHCM được đẩy mạnh và nhận được sự hưởng ứng tích cực của toàn xã hội; đảm bảo Tết yên vui, đầm ấm, an toàn, tiết kiệm đến mọi nhà, mọi người.

TPHCM đã trải qua một cái Tết yên vui, đầm ấm, an toàn, tiết kiệm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của nhân dân dịp Tết, Thành phố đã chỉ đạo các doanh nghiệp bình ổn thị trường, hệ thống phân phối chuẩn bị nguồn nguyên liệu cần thiết, tăng cường sản xuất, tập trung nguồn hàng, bố trí hệ thống kho dự trữ tập kết hàng hóa, nhân lực, đảm bảo khả năng cung ứng kịp thời, đầy đủ để điều phối, thực hiện ngay khi có yêu cầu.

Trong đó, doanh nghiệp bình ổn thị trường Thành phố chiếm 25-43% nhu cầu thị trường (tăng 10% so với tháng thường); doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, hệ thống phân phối, chợ… chiếm 57-75% nhu cầu thị trường.

Nguồn vốn doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị phục vụ 02 tháng Tết là trên 20.000 tỷ đồng; trong đó 8.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường. Riêng tháng cao điểm Tết, doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị 12.000 tỷ đồng, trong đó 4.200 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường.

Thành phố có 03 chợ đầu mối nông sản cung ứng thị trường đạt bình quân 7.600 tấn/ngày (gồm 800 tấn thịt gia súc, gia cầm, 1.200 tấn thủy hải sản, 5.600 tấn rau củ quả). Vào thời điểm cận Tết, lượng hàng nhập về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 10.000 - 13.000 tấn/ngày; 47 trung tâm thương mại, 239 siêu thị (107 siêu thị tổng hợp và 132 siêu thị huyên ngành), hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động với tổng lượng hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cung ứng ra thị trường bình quân 1.800 tấn/ngày.

Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn Thành phố xây dựng kế hoạch phục vụ Tết từ sớm, sẵn sàng phương án cung ứng những ngày cận Tết tăng từ 02 - 03 lần so với ngày thường; giá tương đối ổn định, không có nhiều biến động và luôn được niêm yết với giá bán thống nhất trên toàn hệ thống; đồng thời giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong một tháng trước Tết, một tháng sau Tết.

Thống kê cho thấy, sức mua, nhu cầu tiêu dùng, sắm Tết năm nay tăng khoảng 4 - 5% so với Tết Nhâm Dần 2022; sức mua bắt đầu tăng sau ngày 14 tháng 01 (23 tháng Chạp Âm lịch); tăng mạnh từ ngày 18 tháng 01 năm 2023 (27 tháng Chạp Âm lịch); giá một số mặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết tăng nhẹ trong những ngày cao điểm mua sắm Tết.

Thành phố đã chỉ đạo tăng cường hoạt động thương mại điện tử, các hệ thống phân phối lớn tích cực triển khai nhiều giải pháp công nghệ, logistics… giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận, mua sắm online, giao hàng tận nhà.

Ngoài ra, đã tổ chức nhiều chuyến xe bán hàng lưu động, "Gian hàng 0 đồng",… để phục vụ khu vực công nhân, lao động, các bệnh viện, cơ quan, xí nghiệp,… để người dân được tiếp cận với hàng hóa nhanh hơn, nhiều hơn, góp phần giảm tập trung đông người, tiết kiệm thời gian di chuyển.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán hàng lậu và các hành vi gian lận thương mại cũng được tăng cường nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đợt cao điểm tháng 1, lực lượng quản lý thị trường Thành phố kiểm tra 2.624 vụ, thu nộp ngân sách 9.135.837.000 đồng; trị giá hàng hóa tiêu hủy hơn 7,7 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu chờ bán khoảng 96 tỷ đồng, trị giá hàng hóa chờ tiêu hủy khoảng 10,85 tỷ đồng; đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 03 vụ hàng giả.

Quan tâm, chăm lo đến các tầng lớp nhân dân; bảo đảm an toàn, trật tự xã hội

Tết vừa qua, Thành phố đã tổ chức 43 đoàn đại biểu đi thăm các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lão thành cách mạng và gia đình; các đơn vị lực lượng vũ trang, các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương bệnh binh nặng, các hộ dân và hộ dân tộc thiểu số nghèo, công nhân lao động, người cao tuổi, trẻ em mồ côi do dịch COVID-19 với số tiền 18.690.575.000 đồng.

Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho 612.167 lượt đối tượng diện chính sách có công, chính sách xã hội, dân nghèo, hộ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và các đối tượng khác với tổng kinh phí 687.239.243.200 đồng (trong đó nguồn Trung ương là 16.514.100.000 đồng, nguồn địa phương là 670.725.143.200 đồng).

Chăm lo Tết cho 136.532 cán bộ, công chức, viên chức số tiền hơn 245.757.000.000 đồng.

Tổ chức thăm và tặng quà cho 15 đơn vị và 84 khu, đội tại các cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội thuộc Sở và Lực lượng thanh niên xung phong trú đóng tại một số tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai với tổng kinh phí 1.368.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, các ban, ngành, đoàn thể Thành phố; các quận - huyện và thành phố Thủ Đức, các phường - xã - thị trấn đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa để chăm lo cho các đối tượng, với tổng số tiền 277.736.345.770 đồng (tăng 58.335.144.406 đồng so với năm 2022).

Đặc biệt, năm nay Thành phố bổ sung thêm đối tượng chăm lo là người trực tiếp tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 đang sinh sống trên địa bàn; trẻ em mồ côi; UBND 312 phường, xã, thị trấn. Đây là nguyên nhân số tiền chăm lo Tết của năm nay cao hơn năm trước.

Ngoài ra, công tác giám sát trả lương, thưởng cho công nhân trước và trong dịp Tết được Thành phố quan tâm, theo dõi và phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Lao động, Bảo hiểm Xã hội Thành phố đề ra các biện pháp tăng cường giám sát. Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng cộng đồng doanh nghiệp đã cố gắng, nỗ lực chi trả lương thưởng tốt cho người lao động, mức thưởng bình quân là 12,88 triệu đồng/người, cao hơn 45% so với Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 (8,88 triệu đồng/người).

Ngoài tiền thưởng Tết, các doanh nghiệp có nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực cho người lao động như: Tặng quà Tết, phiếu mua hàng, lì xì, tổ chức xe đưa đón (hoặc hỗ trợ tiền tàu xe, tặng vé xe). Một số doanh nghiệp có kế hoạch tổ chức tất niên và thăm hỏi người lao động có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức đón Tết cho người lao động chưa có điều kiện về quê trong dịp này.

Nâng cao tinh thần phòng, chống dịch COVID-19, Thành phố đã tổ chức diễn tập tại Bệnh viện Dã chiến số 13 nhằm sẵn sàng cho tình huống khẩn cấp khi dịch bệnh bùng phát; triển khai tháng cao điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 từ ngày 06 tháng 01 đến hết ngày 02 tháng 02; duy trì hệ thống giám sát, quản lý dữ liệu, báo cáo bệnh truyền nhiễm. Triển khai giám sát lưu hành biến chủng của virus SARS-CoV-2; giám sát lưu hành kháng thể kháng vi rút SARS-CoV-2, lấy mẫu tại một số bệnh viện.

Bên cạnh đó, Thành phố đã chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế bố trí đội ngũ y, bác sĩ thường trực 4 cấp 24/24 giờ, đủ thuốc, trang thiết bị để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu tai nạn giao thông, sinh nở, ngộ độc trong những ngày Tết. Tình hình dịch bệnh trong kỳ nghỉ Tết ổn định, không có dấu hiệu tăng bất thường.

Trên cơ sở các chỉ đạo của Trung ương, UBND Thành phố đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động Tết Văn hóa - Nghĩa tình và chuỗi sự kiện Mừng Xuân Quý Mão - Mừng Đảng quang vinh, kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2023).

Nhìn chung, các hoạt động lễ hội, sự kiện mừng Xuân Quý Mão năm 2023 được thiết kế, chuẩn bị chu đáo, để lại nhiều cảm xúc trong lòng của nhân dân, phục vụ tốt các yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Thành phố, thể hiện rõ quan điểm "Tết yên vui - đầm ấm - an toàn - tiết kiệm ", văn hóa, văn minh, đảm bảo an toàn tuyệt đối về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và an toàn phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Thành phố cũng thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm và đợt cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông - trật tự an toàn xã hội; bảo đảm tuyệt đối an toàn các mục tiêu trọng điểm, nơi diễn ra các sự kiện chính trị, các hoạt động mừng Xuân, mừng Đảng, các lễ hội...

Vũ Phong

Top