TPHCM đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập trong kỷ nguyên số
(Chinhphu.vn) - Chiều 27/10, Thành ủy TPHCM tổ chức tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Tăng cường đầu tư cho giáo dục nhằm xây dựng xã hội học tập
Giai đoạn 2007 - 2022, TPHCM đã phát huy tốt vai trò nòng cốt của hội khuyến học các cấp trong việc phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương thúc đẩy xã hội cùng tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; đồng thời, huy động các nguồn lực trong nhân dân và doanh nghiệp tăng cường đầu tư cho giáo dục, phát triển phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đến từng gia đình, dòng họ, địa bàn dân cư, cơ quan, trường học.
Hai năm gần đây, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập vẫn diễn ra đều khắp. Mạng lưới trường lớp ở các cấp học, bậc học đã được phủ khắp các quận, huyện và TP. Thủ Đức với 2.355 trường học từ mầm non đến THPT; 1.791 cơ sở giáo dục thường xuyên, 310 trung tâm học tập cộng đồng.
Đến cuối năm 2020, công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục đạt 99,86% người trong độ tuổi từ 15 - 60 tuổi; 100% quận huyện củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS và phổ cập giáo dục bậc trung học. Trong đó, ở bậc mầm non, đến năm 2020, có 319/319 phường, xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt 100%. Đối với cấp tiểu học, có 319/319 phường, xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 với 100% trẻ em 6 tuổi ra lớp và 98,45% trẻ em hoàn thành chương trình tiểu học. Riêng đối với bậc trung học, đạt chuẩn phổ cập theo chuẩn của TP đạt 100%.
Hiện nay, mạng lưới cơ sở đối với hoạt động khuyến học, khuyến tài được phát triển đều khắp ở 100% phường, xã, thị trấn. Thành ủy, UBND TP thường xuyên chỉ đạo Hội Khuyến học TPHCM tập trung phát triển mạng lưới Hội Khuyến học bằng nhiều hình thức, giải pháp hiệu quả.
Bên cạnh đó, TPHCM đã triển khai hiệu quả Đề án "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020". Cụ thể, 21 quận, huyện và TP. Thủ Đức đã triển khai bộ tiêu chí đánh giá, công nhận các mô hình học tập một cách đồng bộ. TP hiện có hơn 1,2 triệu gia đình đạt danh hiệu gia đình học tập, 840 dòng họ đạt danh hiệu dòng họ học tập, 2.063 đơn vị học tập và 1.897 cộng đồng học tập. Đến nay, có 310 trung tâm học tập cộng đồng đưa vào hoạt động, trong đó 95 trung tâm có trụ sở riêng.
Nhìn chung, qua 15 năm triển khai thực hiện, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập có nhiều chuyển biến tích cực, tạo nên thay đổi sâu sắc trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Đặc biệt, các mục tiêu xây dựng mô hình "Dòng họ học tập", "Đơn vị học tập", "Cộng đồng học tập" có sự phát triển rõ nét...
Với những kết quả đạt được qua 15 năm thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Dương Trí Dũng cho rằng để thực hiện mục tiêu khuyến khích học tập suốt đời trong bối cảnh hiện nay, Thành phố cần phải tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tích cực tìm kiếm và áp dụng những mô hình có tính đột phá để khuyến khích xã hội học tập trong kỷ nguyên số.
Trong đó, tiếp tục củng cố mạng lưới trường lớp; tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo; chuẩn bị xây dựng chương trình, kế hoạch xây dựng xã hội học tập trong kỷ nguyên số. Đồng thời, tiếp tục xây dựng TPHCM thành "Thành phố học tập"; tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành giáo dục và đào tạo; tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo.
Xây dựng xã hội học tập đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH-HĐH
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập luôn được Đảng bộ và hệ thống chính trị quan tâm thực hiện, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Thời gian tới, các cấp ủy và hệ thống chính cần phát huy hơn nữa vai trò trong lãnh đạo tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW, các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của Thành ủy trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Đồng chí Nguyễn Hồ Hải đề nghị cần quan tâm thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước đẩy mạnh sự phát triển của nền kinh tế tri thức; tiếp cận nhanh hơn nữa những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 gắn với thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt tập trung thực hiện Chương trình chuyển đổi số và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Thành phố, xem đây là cuộc cách mạng tạo ra sự phát triển vượt bậc, đột phá, đóng góp cho sự phát triển của TPHCM và của cả nước.
Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập cần gắn với việc nâng cao hiệu quả thực hiện đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong các cấp ủy, từng địa phương, đơn vị, trường học, trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, xem đây là một trong những nội dung, giải pháp quan trọng làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thấm sâu hơn nữa trong mỗi việc làm của cán bộ, đảng viên và người dân tại TPHCM.
Mỗi cá nhân lựa chọn cho mình một hình thức học tập phù hợp để nâng cao tinh thần tự học, tự rèn, truyền cảm hứng và ý chí học tập suốt đời đến mọi người xung quanh; phấn đấu trở thành "công dân học tập"./.
BT