TPHCM đề xuất Quốc hội xây dựng cơ chế cho giáo viên dạy 2 buổi/ngày

27/03/2023 5:29 PM

(Chinhphu.vn) - Sáng 27/3, Đoàn giám sát của Quốc hội do Phó Chủ tịch Thường trực Trần Thanh Mẫn dẫn đầu đã có buổi làm việc với TPHCM giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

TPHCM đề xuất Quốc hội xây dựng cơ chế cho giáo viên dạy 2 buổi/ngày - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì buổi giám sát - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tham gia đoàn giám sát. Về phía TPHCM có Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi; Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Lệ… dự buổi làm việc.

Theo ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, trong 3 năm thực hiện, việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT được triển khai thực hiện đúng lộ trình, bám sát chủ trương đổi mới giáo dục và các văn bản chỉ đạo của các cấp. Quá trình triển khai thực hiện nghiêm túc, đảm bảo theo hướng dẫn chuyên môn của Sở GD&ĐT Thành phố.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, phù hợp nhu cầu sử dụng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cơ bản đáp ứng yêu cầu của chương trình mới. Sở GD&ĐT sớm thực hiện rà soát các điều kiện, chủ động tham mưu cho UBND Thành phố chuẩn bị và đáp ứng các điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất, kinh phí triển khai chương trình, sách giáo khoa mới.

Tuy nhiên, do dịch bệnh COVID-19 nên ngay từ khi triển khai chương trình GDPT đối với lớp 1, việc tập huấn sử dụng bộ sách giáo khoa và dạy học luôn phải thay đổi hình thức vừa trực tuyến vừa trực tiếp đã gây trở ngại, khó khăn cho giáo viên. Giáo viên phải nhanh chóng thích ứng; tự trau dồi bổ sung những nội dung liên quan chương trình, đồng thời linh hoạt thay đổi từ hình thức giảng dạy trực tiếp sang trực tuyến. Do đó, ban đầu giáo viên cũng còn lúng túng.

Ngoài ra, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp từ năm 2020 đến nay, việc tập huấn CT GDPT 2018 cho cán bộ quản lý, giáo viên bằng hình thức trực tiếp bị gián đoạn. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý giáo viên; chất lượng tập huấn khi áp dụng hình thức trực tuyến bị hạn chế về tương tác, thực hành trực tiếp nên khả năng tiếp thu, vận dụng nội dung bồi dưỡng vào thực tế giảng dạy chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Học sinh học trực tuyến, trường không tổ chức được các hoạt động giáo dục khác nên việc dạy học, giáo dục theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh gặp khó khăn.

Ngoài ra, ông Đức cho biết, do hạn chế về quỹ đất, tiến độ xây mới và mở rộng trường thực tế chưa đáp ứng yêu cầu về diện tích sân chơi bãi tập.

TPHCM đề xuất Quốc hội xây dựng cơ chế cho giáo viên dạy 2 buổi/ngày - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Anh Đức phát biểu tại buổi giám sát - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Để giải quyết các vấn đề trên, Thành phố tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền về CT GDPT 2018 để toàn xã hội ủng hộ; tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho nhà giáo, đảm bảo nhà giáo đủ năng lực để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ngoài ra, tiếp tục tuyển dụng, hợp đồng giáo viên theo nhu cầu, nhất là giáo viên các môn Nghệ thuật, Tin học, Công nghệ, Ngoại ngữ; tiếp tục chủ động chủ động liên kết với Trường Đại học Sư phạm TPHCM, Đại học Sài Gòn... mở các lớp bồi dưỡng các module để đảm bảo điều kiện đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện hiệu quả CT GDPT 2018.

Từ đó, TPHCM kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thành phố đề xuất sớm xây dựng cơ chế chính sách cho giáo viên dạy 2 buổi/ngày; cho phép nhà trường được hợp đồng với các vị trí việc làm không tuyển dụng được (còn trong chỉ tiêu định biên) và ngân sách cấp bù để chi trả lương cho đối tượng này khi thực hiện quy định không thu tiền học phí buổi thứ 2 đối với học sinh học CT GDPT 2018.

Đối với Chính phủ, Thành phố kiến nghị chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ liên quan cần có văn bản - hướng dẫn liên Bộ về việc ngân sách Nhà nước đảm bảo kinh phí và bổ sung kinh phí cho công tác tập huấn bồi dưỡng chương trình phổ thông 2018 để Sở Giáo dục và Đào tạo có căn cứ đề xuất TP. Thủ Đức, huyện cấp bổ sung kinh phí và các quận dự toán kinh phí cho các cơ sở giáo dục thực hiện. Cần có cơ chế tài chính riêng cho công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ viên chức ngành giáo dục và đào tạo Thành phố.

Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thành phố kiến nghị quy định cụ thể định biên cho ngành giáo dục khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, xây dựng bổ sung vị trí việc làm, đảm bảo đủ định biên theo định mức số tiết quy định và thành phần giáo viên bộ môn đủ và cân đối hợp lý giữa các môn theo quy định của chương trình.

Có quy định về việc tổ chức cho đội ngũ cán bộ quản lý nhất là giáo viên trực tiếp đứng lớp đánh giá công tác quản lý và giảng dạy sau mỗi năm thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới và nghiêm túc rút kinh nghiệm, điều chỉnh nội dung, chương trình sách giáo khoa kịp thời.

Có sách giáo khoa Tiếng Trung và Tiếng Pháp để đáp ứng yêu cầu học tập ngoại ngữ 1 của học sinh về hai môn ngoại ngữ này.

Ngoài ra, ban hành hướng dẫn thống nhất về việc quy định học sinh thay đổi môn học lựa chọn, chuyên đề học tập tự chọn sau mỗi năm học, trong đó xác định rõ thời gian, thời điểm và chế độ chính sách cho giáo viên phụ trách việc dạy kiến thức, kiểm tra đánh giá việc học môn lựa chọn thay thế đối với học sinh.

Đối với Bộ Tài chính, Thành phố đề xuất về việc mua sắm máy tính phục vụ cho chương trình giáo dục phổ thông không nên đấu thầu tập trung mà nên phân quyền để từng địa phương giao cho các trường chủ động tự đấu thầu nhằm đảm bảo đúng tiến độ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông kịp thời hằng năm và thuận tiện trong việc lựa chọn cấu hình phù hợp với mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông.

Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kiến nghị em xét, điều chỉnh quy trình, thủ tục đấu thầu, mua sắm tài sản công cần rút ngắn thời gian, đơn giản hóa, giao quyền chủ động để các trường kịp thời trang bị, mua sắm thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn thiết bị.

Vũ Phong

Top